Trong phiên đấu giá mùa thu tại nhà Christie’s Hongkong chiều 26-11 vừa qua, có những bức tranh của các họa sĩ Việt Nam thời mỹ thuật Đông Dương đạt được giá cao, nhưng cũng có một số bức được cho là tranh nhái các bậc thầy như Nguyễn Gia Trí, Mai Trung Thứ…
Tác phẩm hội họa được trả giá cao nhất tại phiên đấu giá này là Thiếu nữ bên những quả na của Lê Phổ: 4.380.000 đôla Hongkong (HKD), tương đương 567.178 USD. Bức tranh được vẽ năm 1938, với chất liệu bột màu và mực trên lụa, thể hiện một cô gái Việt Nam trong tà áo dài màu xanh đen, tóc vấn khăn, một tay đeo chiếc giỏ đan bằng mây đựng đầy những quả na, tay kia với lên hái tiếp một quả trên cành na; hậu cảnh là thiên nhiên, cây cỏ tươi đẹp. Tác phẩm được tạo hình với bảng màu đặc trưng của tác giả, một tên tuổi lớn của hội họa Việt Nam cũng là họa sĩ Việt có tranh cao giá nhất hiện nay. Còn nhớ cuối năm 2014, tại nhà đấu giá Sotheby’s ở Hongkong, bức Nhìn từ đỉnh đồi của ông đã được bán với giá 840.000 USD – đây là giá cao nhất của một tác giả Việt Nam được bán trên thị trường quốc tế từ trước đến nay.
Một bức sơn mài có tên Thanh lịch, được nhà đấu giá cho là tác phẩm của Nguyễn Gia Trí sáng tác năm 1968, đã được mua với giá 1.620.000 HKD, tương đương 209.778 USD, tuy nhiên ngay sau khi Christie’s đưa lên mạng để chào bán thì một số họa sĩ và chuyên gia mỹ thuật Việt đã cho rằng tranh có chất lượng kém, cách tạo hình không thể là của một bậc thầy sơn mài Việt Nam. Một bức tranh sơn dầu trên toan có tên Cô gái Huế được cho là tác phẩm của Mai Trung Thứ vẽ vào thập niên 1930 đã được bán với giá 1.500.000 HKD, tương đương 194.239 USD. Bức tranh này cũng được các chuyên gia sành sỏi mỹ thuật Việt Nam khẳng định là tranh giả, được chép từ tranh gốc của Mai Trung Thứ.
Ngoài ra, còn có một tác phẩm được bán tại phiên đấu giá mà Christie’s cho là của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn, tuy nhiên khi tranh này lần đầu tiên được rao bán ở châu Âu thì chính gia đình họa sĩ Nam Sơn đã xác định là tranh giả. Tranh được bán với giá 64.000 USD. Chưa hết, một bức tranh khác ký tên Hoàng Lập Ngôn cũng “có vấn đề”…
Khi truy tìm người giới thiệu các bức tranh của Mai Trung Thứ và Nguyễn Gia Trí tại phiên đấu giá, hóa ra đó chính là ông Jean-François Hubert, nhân vật đã đứng đằng sau vụ tai tiếng “Những bức tranh trở về từ châu Âu”, cuộc triển lãm 17 bức tranh giả tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh hồi tháng 7-2016. Thảo nào!
- Phạm Đán Bình