Chơi cây cảnh, chơi đồ cổ, chơi tem… là thú vui trong cuộc sống của nhiều người, còn với nhà sử học Dương Trung Quốc đó là sưu tầm các loại tượng lợn; lý do thật đơn giản: Ông sinh năm Đinh Hợi 1947.
Có điều kiện đến nhiều vùng miền trong nước và trên thế giới, hễ bắt gặp những tượng lợn dễ thương là ông Quốc mang về. Cần mẫn tích cóp, sau hàng chục năm bộ sưu tập của ông đã có hơn 5.000 con đủ loại chất liệu: gốm, gỗ, đồng, đá quý, thủy tinh, composit…
Trong trí nhớ của ông Quốc, ngày xưa trẻ em nhà nghèo chỉ có khúc tre khoét một lỗ nhỏ để bỏ vào tiền xu lẫn tiền giấy dành dụm được. Khá hơn là con lợn đất sơn đỏ hiền lành gìn giữ những món tiền chắt chiu, khi nhà có việc cần sẽ đập heo. Trong bộ sưu tập của nhà sử học, tượng lợn Việt Nam chiếm tỷ lệ khá lớn. Đó là những tượng lợn hình thù cổ quái, trên thân có những vòng tròn đồng tâm hệt như xoáy trâu trong tranh Đông Hồ, được ông mua tại cửa hàng gốm Chi bên hồ Trúc Bạch năm xưa. Hay tượng lợn mẹ cõng lợn con với men nâu đen đặc sắc của nghệ nhân Thắng “gốm”, bàn tay vàng làng nghề Bát Tràng.
Thật thú vị khi được ngắm tượng lợn đến từ nhiều nước. Chú lợn tử sa đen nhánh là tác phẩm của thợ thủ công Trung Quốc. Tượng lợn ghép nhiều màu sặc sỡ mang dấu ấn văn hóa của xứ Hoa anh đào. Nhớ lại những chuyến đi xa, ông Quốc kể lần ghé thăm xưởng chế tác thủy tinh màu trên đảo Murino của Venice (Ý) ông đã mua chú lợn bé nhất trong bộ sưu tập của mình, được làm bằng thủy tinh điểm những đốm mâu đen rất sinh động.
Để giữ bí quyết làm đồ thủy tinh cha truyền con nối, phụ nữ trên đảo Murino không được cha truyền nghề và hạn chế tối đa “lấy chồng xa”, còn thợ thuyền dù là người tự do nhưng tuyệt đối không đi khỏi đảo.
Năm 2005, trong chuyến thăm thành Rome, ông Quốc mua được tượng lợn với trang trí gợi hình ảnh chiến binh La Mã cổ đại. Phải kể đến chú “lợn muối” độc bản hay chú lợn rừng khỏe khoắn màu chocolate điểm đốm trắng, tác phẩm của nghệ nhân làng cổ Hallstatt ở nước Áo, vốn là nơi cư ngụ của thợ thuyền làm việc trong một mỏ muối cổ xưa cách đó khá xa, nay là một điểm đến hấp dẫn du khách. Ở Ấn Độ, nơi con lợn bị khinh ghét, ông Quốc cũng tình cờ tìm được chú lợn gốm rỗng lưng trong một khu chợ dân sinh.
Trong bộ sưu tập độc đáo của nhà sử học, còn có rất nhiều tượng lợn là quà tặng từ những người bạn xa gần. Qua nhiều năm, số lợn vô tri vô giác ấy đã đông đảo đến mức chiếm gần hết không gian sinh sống của gia đình ông, đến mức có người đùa “lợn chiếm nhà chủ”. Trong đám lợn, có con chỉ để trang trí nhà hay để cầu phúc cầu lộc, có con được dùng làm giá nến, giá đèn, có con được gắn lên cây xiên trái cây… Dịp Tết Kỷ Hợi, một phần bộ sưu tập tượng lợn của ông Quốc được đưa ra trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) mà theo chủ nhân của chúng “chỉ nhằm góp vui, nhất là cho trẻ con ngày tết”.