Những biến cố trở thành bất tử, không thể nào quên, nhờ ống kính của máy ảnh. Nhất là khi ảnh chụp đầu tiên cho thấy những điều chưa từng biết trước đó.
Ảnh đầu tiên về lỗ đen
Năm 1967, nhà vật lý lý thuyết Mỹ John Wheeler đặt ra thuật ngữ lỗ đen (black hole), mô tả những vùng không gian cực đặc, có trọng lực rất lớn đến độ ánh sáng cũng không thể thoát ra được (Einstein đã nhắc đến sự hiện diện của lỗ đen vào năm 1916).
50 năm sau, một nhóm nhà khoa học đã thành công trong ghi ảnh một lỗ đen. Đó là năm 2017, nhưng phải chờ thêm 2 năm nữa ảnh mới được công bố. Vì để chụp ảnh một lỗ đen, phải nhờ đến một hệ thống kính thiên văn vô tuyến quốc tế để tập hợp toàn thể các dữ liệu theo chiến lược để tạo hình ảnh mạch lạc.
Ảnh đầu tiên về nhật thực
Nhật thực toàn phần xảy ra (khi vị trí của Mặt trăng ở giữa mặt trời và trái đất, che khuất ánh sáng từ Mặt trời) cứ khoảng 1 hay 2 năm. Nhưng địa điểm trên trái đất có thể nhìn thấy hiện tượng trên thường rất xa xôi, hẻo lánh, mà con người khó thể đến để chiêm ngưỡng. Dù vậy, một nhà nhiếp ảnh thời Victoria cũng đã chụp được bức ảnh nhật thực toàn phần vào tháng 7.1860. Ảnh đầu tiên về hiện tượng này.
Cỗ máy Antikythera, phát minh của người Hy Lạp cổ đại, được sử dụng để dự đoán vị trí của các sự kiện thiên văn, được khám phá năm 1900, có thể cho biết các hiện tượng nhật thực. Đó cũng là một trong những khám phá khảo cổ kỳ lạ nhất.
Ảnh đầu tiên chụp Trái đất nhìn từ Mặt trăng
Vào ngày 23.8.1966, chúng ta lần đầu tiên được ngắm hành tinh xanh nhìn từ Mặt trăng. Ảnh do robot chụp này được thực hiện từ Lunar Orbiter 1, cách Trái đất khoảng 370.000km.
Đây không phải là lần đầu tiên Trái đất được chụp từ trên không, mà đã diễn ra vào năm 1946, nhờ một caméra 35mm được gắn vào một hỏa tiễn, được một nhóm nhà khoa học phóng lên đến khoảng cách 105km trong không gian.
Ảnh đầu tiên chụp Everest từ trên không
Ảnh đầu tiên chụp đỉnh núi Everest từ trên không diễn ra vào tháng 4.1933, trong khi một ảnh đầu tiên khác, chụp chuyến bay đầu tiên phía trên Everest. Nhiều người tưởng rằng ảnh này được chụp vào ngày 3.4.1933.
Nhưng theo bài báo được đăng trên tạp chí National Geographic, phi công điều khiển chiếc máy bay được chụp ảnh là cháu của nhiếp ảnh gia, cho biết các ảnh chụp vào ngày 3.4 bị hỏng. Họ phải chụp lại vào ngày 16.4.1933, cuối cùng mới đạt được ảnh đẹp.
Ảnh đầu tiên một vụ nổ bom nguyên tử dưới biển
Vào ngày 16.7.1945, một quả bom nguyên tử được kích nổ ở Alamogordo (bang New Mexico, Mỹ). Chỉ là một thí nghiệm, nhưng nó đưa đến vụ thả bom ở Hiroshima và Nagasaki chưa đầy một tháng sau đó.
Một năm sau, quân đội Mỹ muốn biết điều gì xảy ra nếu bom được cho nổ dưới nước. Ảnh trên cho thấy vụ nổ quả bom có tên “Helen of Bikini”, nơi đảo san hô Bikini, thuộc quần đảo Marshall: nấm nguyên tử đầu tiên bốc lên khỏi nước.
Ảnh đầu tiên chụp lớp băng ở Nam cực
Phi hành đoàn Apollo 17 đã chụp bức ảnh Trái đất này từ trên không, ở khoảng cách 45.000km, vào tháng 12.1972. Đây là lần đầu tiên phi thuyền Apollo bay theo quỹ đạo thuận lợi để chụp ảnh lớp băng ở Nam cực, theo NASA.
Ảnh đầu tiên về Jupiter và các vệ tinh của hành tinh này
Jupiter (Mộc tinh) và các mặt trăng của nó (to như các hành tinh, được gọi là các vệ tinh Galilée) được chụp vào đầu tháng 3.1979 bởi tàu thăm dò vũ trụ Voyager 1, và được ráp nối nên không đúng tỷ lệ xích, chỉ là những vị trí tương đối.
Ảnh đầu tiên về tinh vân “Mắt mèo” (Cat’s Eye Nebula)
Theo NASA, một tinh vân hành tinh phát triển khi các tinh tú tương tự Mặt trời bắn ra lớp vỏ bọc hơi, tạo thành những đám mây sáng chói. Dưới đây là ảnh đầu tiên về tinh vân “Mắt mèo”, chụp năm 1994 bởi kính viễn vọng không gian Hubble.
Lần đầu tiên một máy bay vượt tường âm thanh
Ngày 14.10.1947, Charles Yeager, phi công Mỹ điều khiển máy bay tiêm kích mẫu Bell X-1, đã thực hiện một kỳ tích: vượt qua bức tường âm thanh khi bay ngang trên hồ Murac (California). Anh vừa 24 tuổi. Vào lúc máy bay tăng tốc để đạt vận tốc của âm thanh (khoảng 1.200km/giờ), các sóng xung kích tạo thành một đám mây lúc máy bay băng qua.
Ảnh đầu tiên một máy bay đang thử nghiệm
Ảnh máy bay đang bay chẳng có gì lạ trong thời đại chúng ta. Nhưng vào năm 1903, hàng không vẫn là lĩnh vực mới mẻ, chưa từng có ảnh một chuyến bay. Thế nhưng vào ngày 17.12.1903, sự kiện này đã xảy đến ở Kill Devil Hills, gần Kitty Hawk (bang North Carolina, Mỹ), nơi anh em Wright thực hiện nhiều thử nghiệm bay trước 5 nhân chứng và tổ chức chụp ảnh.
- Xem thêm: Tranh luận về việc ‘tô màu’ cho lịch sử
Orville Wright tiến hành cuộc phóng lên đầu tiên, đạt độ cao khoảng 40m, trên máy bay Wright Flyer, là máy bay 2 lớp cánh gắn động cơ, được chế tạo cùng với người anh Wilbur và thợ máy Charles Taylor. Cuộc thử nghiệm được xem như thành công, máy bay vượt qua khoảng cách gần 260m trong 59 giây.
Bắc cực quang và nam cực quang chụp cùng lúc
Từ lâu, người ta vẫn tin rằng bắc cực quang và nam cực quang cho ra những ảnh ngược nhau và gần giống nhau; rốt cuộc vào tháng 10.2002, một ảnh được chụp trên quỹ đạo từ vệ tinh Polar (thuộc NASA) đã khẳng định điều này.