Một thư viện trưng bày toàn bộ sách, báo, tài liệu của GS-TS Trần Văn Khê đã được Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM bàn giao lại cho ông tại tư gia (32 Huỳnh Đình Hai, Q. Bình Thạnh, TP.HCM) vào sáng 21-8-2012.
Đây là một thư viện sắp xếp theo chuẩn nghiệp vụ thư viện quốc gia và quốc tế được cán bộ Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM thực hiện từ ngày 23-9-2010 đến ngày 31-7-2012. Tài liệu chính gồm: sách, báo, tạp chí, các loại tài liệu dạng sách, văn bản, hồ sơ cá nhân, băng, đĩa, hình ảnh… mà giáo sư đã sưu tầm được trong thời gian sinh sống và làm việc ở nước ngoài từ năm 1949 đến năm 2005.
Mất nhiều thời gian để hình thành thư viện âm nhạc
Trong buổi lễ bàn giao, Giáo sư Trần Văn Khê chia sẻ: “Âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc dân tộc, đã nuôi dưỡng tôi những ngày thơ ấu và đưa tôi vượt qua những ngày khốn khó ở nước ngoài, khi phải tự kiếm sống và trang trải chi phí học tập, nghiên cứu. Vì vậy, số tiền kiếm được, chủ yếu là từ đóng phim, tôi không dùng để mua sắm những thứ xa xỉ mà chỉ dùng để mua tài liệu về âm nhạc”. Số tài liệu giáo sư sưu tầm được nhiều đến nỗi ông phải để cả dưới gậm giường, góc kệ và hai bên lối đi vào nhà. Những năm tháng còn ở nước ngoài, khi chứng kiến nhiều bộ sưu tập lớn bị bỏ mặc khi chủ nhân của chúng qua đời (nhà nước chỉ lưu giữ hoặc trưng bày một phần nhỏ), Giáo sư Trần Văn Khê rất lo lắng cho số tài liệu âm nhạc của mình. Ông đã làm chúc ngôn để con trai ông là Giáo sư Trần Quang Hải có thể giữ lại toàn bộ gia tài tinh thần này. Nhưng trong ông luôn có một mong ước lớn hơn là được đưa tất cả tài liệu này về nước vì rất nhiều tài liệu hữu ích cho việc nghiên cứu và phát triển âm nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam. Thật may mắn, năm 2002, được sự hỗ trợ của Sở Văn hóa Thông tin TP.HCM (nay là Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP.HCM), hơn 430 kiện tài liệu của ông chất đầy một container đã được đưa về nước dễ dàng. Phát biểu tại buổi bàn giao thư viện, giáo sư đã thể hiện sự cảm kích đối với nỗ lực của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP.HCM, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM, Bảo tàng TP.HCM và cá nhân bà Nguyễn Thế Thanh, Nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa Thông tin TP.HCM đã tham gia thu xếp để toàn bộ số tài liệu của ông được đưa về nước an toàn.
Tài liệu của giáo sư sau khi được đưa về nước được bảo quản tại Thư viện Khoa học và Tổng hợp TP.HCM do chưa tìm được địa điểm trưng bày. Đến năm 2005, thành phố đã cấp cho ông ngôi nhà số 32 Huỳnh Đình Hai, Q. Bình Thạnh và tài liệu được chuyển đến đây để sắp xếp tạm. Đến năm 2010, Ban giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM đã chủ động đề nghị với Giáo sư Trần Văn Khê được sắp xếp lại khối tài liệu này thành một thư viện theo chuẩn nghiệp vụ thư viện quốc gia và quốc tế để thuận lợi cho việc tra cứu.
Sau khi khảo sát, lên kế hoạch, thống nhất kế hoạch, các cán bộ thư viện thực hiện việc sắp xếp, phân loại tài liệu theo một quy trình khép kín. Thời gian đầu, việc xử lý tài liệu được thực hiện ngay tại nhà giáo sư để tiện cho ông theo dõi và chọn tài liệu. Nhưng sau đó, do công việc tại nhà giáo sư mất nhiều thời gian và không đủ công cụ nên việc xử lý chuyển về thư viện thành phố. Một khó khăn thường gặp trong quá trình xử lý là tài liệu có nhiều ngôn ngữ khác nhau như Anh, Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn, Nhật, Ả rập… lại có nhiều nội dung chuyên sâu trong lĩnh vực âm nhạc vì vậy mà cán bộ thư viện thường xuyên phải trao đổi lại với giáo sư để được hướng dẫn.
Một bộ sưu tập âm nhạc đáng giá của dân tộc
Hành trình qua nhiều quốc gia, Giáo sư Trần Văn Khê đã hoạt động trong nhiều lĩnh vực văn hóa, âm nhạc đồng thời truyền bá tinh thần nghiên cứu, học tập và phổ biến tinh hoa âm nhạc Việt Nam với thế giới. Ông đã cùng các nhà nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới khơi gợi, học hỏi và phát triển các nhạc cụ dân tộc của mỗi nước. Giáo sư cho rằng âm nhạc cổ truyền là một tài sản lớn mà thế hệ ông cha đã để lại. Vì vậy, các thế hệ sau phải biết bảo tồn và phát huy vốn quý của mình. Để làm được điều đó, chúng ta không chỉ giữ gìn và sáng tạo liên tục để âm nhạc dân tộc ngày càng đẹp hơn và gần gũi đời sống hơn, mà còn phải biết giao lưu, học tập những nét mới lạ, phù hợp từ âm nhạc các nước để làm phong phú thêm nền âm nhạc truyền thống. Vì lý do đó, ông luôn chú ý góp nhặt tài liệu ở bất cứ nơi đâu ông đặt chân đến, từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ đến cả châu Phi.
Không gian của thư viện khá rộng. Ở tầng trệt là những kỷ vật âm nhạc gắn liền với nhiều kỷ niệm trong cuộc đời giáo sư. Ở lầu một là những kệ lớn trưng bày sách báo, tạp chí, ấn phẩm, băng đĩa… Theo số liệu thống kê của Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM thì thư viện của Giáo sư Trần Văn Khê hiện có 3.920 nhan đề sách (6.420 cuốn), 802 nhan đề báo – tạp chí (4.374 bản), 2.230 bài viết về giáo sư và bài báo do giáo sư viết. Các danh mục sách theo chủ đề đã được thực hiện bằng phần mềm thư viện số Greenstone, việc tra cứu dựa vào từ khóa hoặc truy xuất tài liệu theo tên tài liệu, tên tác giả, trường nguồn gốc.
Khi nhận cuốn “Danh mục sách theo chủ đề” từ đại diện Ban giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM, Giáo sư Trần Văn Khê xúc động nói: “Cách đây không lâu, khi còn ở Pháp, tôi từng cảm thấy thất vọng khi cứ khư khư giữ những tài liệu này trong nhà mà không biết làm thế nào để chia sẻ cho những người muốn tìm hiểu, phát huy âm nhạc dân tộc của chúng ta. Ngày hôm nay, ước mơ đời tôi đã trở thành hiện thực, không còn niềm xúc động nào lớn hơn”. Thật vậy, đúng như ý nguyện của giáo sư vào những năm cuối đời, toàn bộ tài liệu âm nhạc quý báu của ông đã có một không gian lưu trữ, có kỹ thuật viên xử lý để có thể từ nay đưa vào phục vụ công chúng và giới nghiên cứu.
- Xuân Lộc