Những biến thiên của lịch sử khiến có rất ít tư liệu về cuộc đời vua Hàm Nghi (1871-1944) – vị hoàng đế yêu nước bị thực dân Pháp lưu đày xa xứ. Chính vì vậy, những thông tin vừa được người cháu đời thứ năm của vua Hàm Nghi – cô Amandine Dabat – nghiên cứu sinh tiến sĩ lịch sử mỹ thuật Việt Nam của Trường Đại học Sorbonne – Paris IV công bố được công chúng rất quan tâm, trong đó có những tư liệu về hoạt động mỹ thuật, một sở thích đặc biệt của nhà vua.
Trong suốt năm năm, cô Amandine Dabat, sinh năm 1987, đã cất công tìm kiếm, nghiên cứu về cuộc đời vua Hàm Nghi để làm luận án tiến sĩ như một cách trở về cội nguồn.
Khoảng 2.500 tư liệu các loại về vua Hàm Nghi
Lần về Việt Nam mới đây, vào ngày 5-3 vừa qua, Amandine Dabat đã giới thiệu kết quả nghiên cứu của mình qua buổi nói chuyện với chủ đề “Vua Hàm Nghi – một cuộc đời nghệ sĩ” tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh. Nhờ đó công chúng được biết vị vua Hàm Nghi yêu nước còn có tâm hồn của nghệ sĩ tài hoa, yêu nghệ thuật, đặc biệt là hội họa. Những tư liệu được công bố cho thấy vua Hàm Nghi đã sáng tác như một họa sĩ thực thụ; những bức tranh của ông đã chuyển tải tình yêu nước, nỗi lòng khắc khoải trong những năm tháng sống lưu vong nơi xứ người.
Được các quan phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi ở tuổi 13, vua Hàm Nghi chỉ tại vị một năm (từ tháng 8-1884 đến tháng 7-1885). Sau khi cuộc phản công tại kinh thành Huế thất bại, Tôn Thất Thuyết đưa ông ra khỏi kinh thành và nhân danh ông phát hịch Cần Vương chống thực dân Pháp. Phong trào Cần Vương kéo dài đến năm 1888 thì vua Hàm Nghi bị giặc Pháp bắt và đem an trí ở Alger (thủ đô Algérie) từ ngày 13-1-1889. Trong số tư liệu của người Pháp ghi lại, hầu hết chỉ mang tính chất hành chính nên thông tin về cuộc sống hằng ngày cũng như hoạt động nghệ thuật của vua Hàm Nghi được nói đến rất ít. Khi bắt tay nghiên cứu, cô Dabat chủ yếu tìm kiếm từ các nguồn tư liệu bên ngoài. Có khoảng 2.500 tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau được cô Dabat tìm thấy, gồm những giấy tờ mang tính chất cá nhân và chủ yếu là thư từ mà vua Hàm Nghi đã để lại cho con gái của ông (những thư ông nhận được cũng như bản nháp mà ông đã gửi đi). Từ những thông tin đó, cô Dabat đã xâu chuỗi và dần tái hiện lại cuộc sống của vua Hàm Nghi cũng như quá trình đến với nghệ thuật của ông.
Mở cánh cửa tự do bằng tinh thần hội họa
Khi bị đưa sang Algérie, tuy vua Hàm Nghi được sống khá thoải mái nhưng luôn có một sĩ quan Pháp theo dõi ông. Những quan sát của viên sĩ quan Pháp cho thấy khi rảnh rỗi, vua Hàm Nghi thường vẽ tranh và vẽ rất đẹp nên ông ta đã đề nghị cho nhà vua được học vẽ với Marius Reynaud – họa sĩ người Pháp sống tại Algérie. Là một họa sĩ theo khuynh hướng mỹ thuật phương Đông, nhưng Marius Reynaud lại dùng phương pháp sư phạm của Trường Mỹ thuật Paris hướng dẫn cho vua Hàm Nghi.
Nhà vua bắt đầu vẽ từ năm 1889, song đáng tiếc những sáng tác của ông trong giai đoạn 1889-1899 không lưu giữ được. Chỉ qua thư từ vua Hàm Nghi gửi cho bạn bè, ông mới kể mình vẽở đâu và vẽ cái gì… Những tác phẩm còn được lưu giữ đến hôm nay là những bức ông tặng cho bạn bè, người thân, hoặc là những bức được đưa về Pháp. Năm 1962, cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp ở Algérie nổ ra, nhà của Hàm Nghi bị cháy nên các bức tranh ông vẽ đều bị hủy hoại.
Tranh vua Hàm Nghi vẽ đa dạng về đề tài: phong cảnh, tĩnh vật, chân dung… Những nhân vật trong tranh phong cảnh được ông thể hiện với dáng vẻ nhỏ nhắn, bao giờ cũng đơn độc trước thiên nhiên. Điều này gần gũi với triết lý của hội họa phương Đông, dù nhà vua vẽ theo kỹ thuật phương Tây. Trong số tác phẩm của Hàm Nghi, bức Chiều tà được biết đến nhiều vì đã được bán đấu giá tại Paris năm 2010. Bức Chiều tà được vua Hàm Nghi vẽ vào năm 1900, bên trái phía dưới có ghi nơi sáng tác – Algérie.
Năm 1904, vua Hàm Nghi cưới con gái của một thẩm phán ở Alger. Họ có ba người con, hai gái một trai. Người con gái đầu sinh năm 1905, người thứ hai sinh năm 1908 và con trai út sinh năm 1910. Những tác phẩm ông vẽ trong thời gian này – khi có một gia đình đầm ấm – màu sắc vui tươi hơn, và tác giả đã bắt đầu sử dụng nguyên tắc đậm nhạt, sáng tối trong tranh. Có những bức được vẽ cùng một khung cảnh nhưng vào những thời điểm khác nhau. Đây cũng là giai đoạn ông chịu ảnh hưởng của khuynh hướng Ấn tượng và muốn nghiên cứu ánh sáng trong tranh. Cảnh hoàng hôn được lặp đi lặp lại nhiều trong các sáng tác của ông, có bức ông đặt mình ở vị trí ngược sáng để vẽ tranh.
Bức Cây ôliu già (1905) thể hiện phong cảnh của xứ Algérie, dù được vẽ theo kỹ thuật phương Tây nhưng về mặt bố cục thì khá tương đồng với tranh phong cảnh Việt Nam qua hình ảnh một cây cổ thụ giữa cánh đồng lúa. Giới nghiên cứu còn chỉ ra về mặt tạo hình bức Cây ôliu già, vua Hàm Nghi chịu ảnh hưởng trường phái Nabi (trào lưu hội họa hình thành vào cuối thế kỷ XIX – nabi bắt nguồn từ tiếng Do Thái có nghĩa là tiên tri, linh cảm) với những đường viền chung quanh bóng cây, nhánh cây, còn màu sắc thì chịu ảnh hưởng của Paul Gauguin.
Cô Dabat cũng tìm thấy trong tư liệu vua Hàm Nghi để lại có một bài viết nghiên cứu về kỹ thuật vẽ theo trí nhớ. Từ đó, cô cho rằng nhà vua đã vẽ theo những gì còn nhớ được về phong cảnh Việt Nam khi còn nhỏ, thể hiện niềm hoài niệm quê hương. Theo ẩn dụ hội họa phương Đông, hình ảnh cái cây đơn độc trong bức Cây ôliu già tượng trưng cho một người cô đơn – giống với hoàn cảnh vua Hàm Nghi đang sống lưu đày.
Một bức tranh khác được vua Hàm Nghi vẽ năm 1920 lại theo phong cách hội họa Hậu ấn tượng thể hiện cảnh sắc ngọn đồi ở Saint-Paterne gần nhà ông với chữ ký Tử Xuân là tên của ông lúc nhỏ. Ông có hai cách ký tên khác nhau trong tranh bằng Hán văn và bằng Việt ngữ. Ở một bức tranh khác, nhà vua vẽ phong cảnh vùng biển với những ghềnh đá ở Port Blanc phía Tây Paris cho thấy ảnh hưởng rõ nét của trào lưu Ấn tượng qua cách thể hiện ánh sáng và các nét bút nhỏ. Trong chuyến đi đến vùng biển này vào năm 1899, vua Hàm Nghi đã gặp Judith Gautier (1845-1917), một nữ sĩ đam mê và tinh thông Hán học. Giữa hai người đã hình thành một tình bạn rất sâu sắc. Judith Gautier đã giới thiệu nhà vua với những nghệ sĩ mà cô quen biết tại Paris và đã viết nhiều bài thơ tặng ông, hiện vẫn còn được lưu giữ.
Năm 1926 Hàm Nghi tổ chức triển lãm tác phẩm của ông tại một phòng tranh ở Paris, trưng bày một số tranh sơn dầu, tranh phấn màu và có cả tác phẩm điêu khắc. Vựng tập của triển lãm này hiện vẫn còn được lưu giữ tại Viện Lịch sử nghệ thuật quốc gia Pháp nhưng không có ảnh, chỉ có danh mục các tác phẩm được đánh số. Các tác phẩm trong danh mục triển lãm đều ký tên Hàm Nghi nhưng không ghi thời gian. Khi chuẩn bị triển lãm này, vua Hàm Nghi đã viết thư cho con gái, nói rằng ông rất tiếc khi con gái không có mặt, vì nếu dự triển lãm thì cô sẽ giúp ông nhớ lại năm thực hiện tranh cũng như sẽ có ý tưởng hay để đặt tên cho các tác phẩm. Có khoảng 50 bức tranh trưng bày tại triển lãm đó nhưng đến nay cô Dabat chỉ tìm lại được khoảng 15 tác phẩm mà thôi.
Từ năm 1889 Hàm Nghi học thêm điêu khắc với Auguste Rodin, người thầy dạy riêng cho ông. Một tác phẩm điêu khắc được ông thực hiện vào 1925, có tên là Eva, lúc đầu bằng chất liệu đất, sau đó bằng thạch cao rồi đúc đồng cho thấy ông xử lý rất tinh tế từng đường nét. Nàng Eva cầm quả táo, đầu nghiêng qua đặt lên cánh tay phải đang co lại – mang ý nghĩa một thiên đường đã mất với nàng Eva cũng giống như ông đã mất quê hương. Tác phẩm điêu khắc của vua Hàm Nghi chủ yếu là tượng phụ nữ, toàn thân và bán thân, rất tiếc không còn lưu giữ được.
Những gì được cô Amandine Dabat chia sẻ tại buổi nói chuyện cho thấy vua Hàm Nghi thật sự là một nghệ sĩ tạo hình. Nghệ thuật đã trở thành phương tiện để ông chuyển tải niềm hoài niệm quê hương, thể hiện tâm trạng của một người bị lưu đày xa xứ. Trong tranh ông vẻ đẹp của thiên nhiên là sự tổng hòa ảnh hưởng của các trường phái mỹ thuật phương Tây và những ký ức sâu đậm, thiết tha về quê hương.
- Thu Ngân