Từ những hiện tượng tự nhiên nhìn từ một góc độ hoàn toàn mới cho đến những thứ đầy bất ngờ, những drone (thiết bị bay không người lái) đã thu được những thước phim về các sự kiện thật kinh hãi. Đây là một loạt hình ảnh cảm giác mạnh thực sự được ghi lại bởi drone.
Cá mập bắt mồi
Những con cá mập đã chính thức trở thành một hình ảnh đáng sợ kể từ năm 1975. Mọi người quay phim chúng trong mọi lúc, nhưng những cảnh quay của drone (thiết bị bay không người lái) từ kênh Discovery lại là một cấp độ đáng sợ khác. Một nhóm các nhà nghiên cứu sử dụng drone để quay những con cá mập nhìn từ trên cao xuống do nước đục và đã thu được những hình ảnh lý tưởng nhất từ bọn cá mập, khi chúng chuẩn bị ăn.
Nhìn từ trên cao, cá mập săn tìm những con hải cẩu thường ẩn náu nơi những tảng đá gần bờ để tránh cá mập. Tuy nhiên, do thủy triều cao, cá mập có thể thâm nhập các tảng đá một cách dễ dàng. Đoàn làm phim có thể cho biết những gì đang diễn ra từ hành vi của cá mập, chúng đang chuẩn bị một bữa ăn thịnh soạn.
Một con hải cẩu, dường như không phát hiện được cá mập đang đến gần, bơi thẳng về phía kẻ thù háu đói. Trong vài giây, con cá mập lao về phía trước và tấn công. Chỉ trong chốt lát, máu đã bao quanh hai con vật trong làn nước.
Tham quan tòa nhà hoang ghê rợn
Các tòa nhà bỏ hoang có sức lôi cuốn của chúng. Kiểm tra bất kỳ nhóm khám phá đô thị nào trên Internet, bạn có thể thấy các tòa nhà đổ nát xiêu vẹo, không còn ai cư ngụ, nhưng vẫn chưa bị phá hủy. Nguy cơ lớn của việc khám phá các tòa nhà bỏ hoang là chúng rất nguy hiểm. Ngoài việc dễ gây tổn thương cho bản thân vì các vật liệu xây dựng đã xuống cấp trầm trọng, bạn có thể đi quanh co không lối ra; tóm lại, một tòa nhà hư nát không phải là nơi để lai vãng.
Rất may, hiện nay chúng ta đã có drone. Trong một video đoạt giải thưởng, nhà làm phim Lukasz Lewenda sử dụng thiết bị GoPro gắn liền với một drone để khám phá các ngõ ngách của một số nơi bị bỏ hoang đáng sợ. Thực ra, nơi đây đã hoàn toàn không còn rõ ràng những đường nét của các tòa nhà trước khi rơi vào tình trạng hư hỏng.
Thiên nhiên đã che lấp một số khu vực, và các cây xanh phát triển mạnh bên cạnh những bức tường bê tông bị đổ vỡ. Quang cảnh khá kỳ lạ, ngay cả trong ánh sáng ban ngày. Hãy tưởng tượng nơi này trông sẽ đáng sợ như thế nào vào ban đêm.
Tham quan Chernobyl
Năm 2019, kênh HBO đã khiến mọi người nói về Chernobyl một lần nữa và những tàn tích ở thành phố Pripyat vẫn còn đó, mặc dù chúng vô cùng nguy hiểm khi đến thăm do bụi phóng xạ còn sót lại, thậm chí sau hơn 3 thập niên. Mặc dù có những nhóm “du lịch chui” cố gắng len lỏi vào để xem những tàn tích của thành phố sau cuộc khủng hoảng, nhưng điều đó không chỉ bất hợp pháp mà còn rất nguy hiểm do phóng xạ chết người nói trên.
Thay vì vậy là những cảnh quay từ drone trên những phế tích bỏ hoang của thành phố. Âm thanh cảnh báo sơ tán, vẫn lặp đi lặp trong hơn 30 năm, vang đi khắp công viên giải trí trống không, bên những chiếc xe rỉ sét và vô hồn. Các tòa nhà với mặt tiền bị nứt bẩn. Thật lạnh người khi nhìn xem những quang cảnh đổ nát. Có thể một ngày nào đó, khu vực này sẽ sống lại một lần nữa, nhưng hiện tại, tốt nhất là hãy để các camera robot bay thực hiện những khám phá.
Thảm họa sóng thần
Ngày 28.9.2018, một trận động đất mạnh 7,5 độ đã bùng phát gần đảo Sulawesi ở Indonesia. Tuy trận động đất gây thiệt hại tối thiểu, nó đã kích hoạt một cơn sóng thần nhỏ. Ngay sau thảm họa sóng thần, các chuyên gia nhận thấy rằng tại Palu, thủ phủ của tỉnh Central Sulawesi, những con sóng cao tới 6 m, lớn hơn gấp đôi so với ước tính ban đầu, theo tờ Science American.
Vùng Central Sulawesi nằm trên một vịnh rất dài và hẹp (chỉ rộng khoảng 20 dặm), do sóng thần di chuyển nhanh qua khu vực, càn quét khắp mặt đất và kéo theo hàng tấn gạch vụn trực tiếp đổ vào đại dương ở phía bên kia vịnh. Mặt đất cũng trở nên thấm đẫm nặng nề, dẫn đến những trận lở bùn lớn làm tăng thêm sự hủy diệt. Sóng thần, một trong những thiên tai lớn nhất tấn công Indonesia trong hơn một thập niên, đã giết chết hơn 4.300 người.
Trong những ngày xảy ra thảm họa, các cảnh quay của drone về thành phố bắt đầu xuất hiện. Nhìn thấy sự hủy hoại từ trên cao, bạn có thể hiểu được mức độ những gì đã xảy ra. Những cây cầu sập, những ngôi nhà không còn gì ngoài những mảnh vụn và một số khu vực vẫn nằm ở dưới nước. Sau đó, người dân Palu đã chuẩn bị xây dựng lại thành phố của họ.
Cơn lốc xoáy hoạt động
Những người săn bão không chỉ mang đến cho chúng ta những video và hình ảnh vô cùng ấn tượng, mà còn giúp cho người xem hiểu thêm về những cơn lốc xoáy: cách chúng di chuyển, những tình huống có thể sinh ra chúng… Những video của drone về “lốc xoáy sống” là điều bạn sẽ được nhìn thấy nhiều hơn trong tương lai. Lưu ý rằng bạn không nên làm điều này với loại drone thông thường và nếu lốc xoáy đang đến, thì phải tránh xa nó.
Người ta đã từng xem những video về lốc xoáy được quay từ mặt đất, cũng đủ thấy chúng rất đáng sợ, huống hồ khi được xem chúng từ trên không, người ta còn kinh hãi hơn nhiều. Dù sao, trận lốc xoáy được quay gần Sulphur (Oklahoma) vào tháng 4.2019 chưa đến nỗi tàn phá khủng khiếp. Video cho thấy chủ yếu chỉ là những cái cây và hàng rào nhỏ bị cơn lốc san phẳng và ném sang một bên.
Cảnh núi lửa hoạt động
Nếu bạn đã từng xem một video về núi lửa. Có cảnh cho thấy dung nham di chuyển chậm, chảy xuống một ngọn đồi và làm tan chảy mọi thứ trên đường đi của nó. Mặt khác là cảnh núi lửa đang phun trào dữ dội, nhưng đoạn phim được quay từ khoảng cách rất xa vì núi lửa rất nguy hiểm và an toàn là vấn đề quan trọng.
Có 2 lý do chúng ta không có nhiều video cho thấy cảnh dung nham sủi bọt bên trong khu vực hình nón của núi lửa. Thứ nhất, nó quá nóng đối với hầu hết các máy quay phim và thứ hai, chắc chắn cũng quá nóng đối với mọi người (thậm chí chưa kể đến các khí độc). Nhiệt độ môi trường bên trong một ngọn núi lửa có thể đủ nóng để đốt cháy con người ngay lập tức, cho dù họ không chạm vào bất kỳ dung nham nào. Nói như vậy để hiểu rằng phim “Chiến tranh giữa các vì sao: Tập 3” đáng lẽ phải thực sự kết thúc, do cả hai nhân vật Anakin và Obi-Wan đều sẽ bị bùng cháy khi họ đến gần những dòng sông dung nham đó.
Nhờ công nghệ phát triển, giờ đây những thiết bị bay không người lái có khả năng chịu đựng được sức nóng cực độ, có thể bay vào núi lửa và quay video; điều này thực sự hữu ích cho các nhà nghiên cứu núi lửa. Tuy không phải lúc nào các drone cũng chịu đựng được, nhưng ít nhất những người điều khiển chúng vẫn an toàn.
Người trèo tháp truyền thông cao 457m
Có lẽ bạn vẫn thấy các tháp điện thoại di động mỗi ngày? Bạn có bao giờ tự hỏi các công cụ ở đỉnh tháp được cài đặt hoặc bảo trì như thế nào? Thường thường phải có một người trèo thẳng lên tháp. Một tháp điện thoại di động thường cao khoảng 60m, như vậy đã khá cao. Nhưng nếu đó là một tháp phát sóng cao 457m thì sao? Muốn bảo trì nó vẫn cần có những người gan dạ leo trèo với trang bị an toàn.
Video này cho thấy một trong những lần leo trèo như vậy nhờ vào sự kỳ diệu của công nghệ drone. Nếu so với đỉnh tháp Willis Tower (trước đây là Sears Tower) ở Chicago, vốn có chiều cao 442m, thì tòa tháp này thực sự vẫn cao hơn 15m. Đó là một chặng đường dài thực sự.
Dòng sông máu
Năm 2011, khi điều khiển một chiếc drone tự chế bay qua sông Trinity ở Dallas, Texas, David Mimlitch đi ra ngoài vào giờ nghỉ trưa, bay vòng quanh và chụp một vài bức ảnh. Không ngờ ông đã nhìn thấy một dòng sông máu thực sự khủng khiếp.
Mimlitch trở lại làm việc và xem một số bức ảnh chụp được trên chuyến bay. Đó là lúc ông phát hiện thấy một đoạn sông màu đỏ thẫm. Mimlitch nghĩ rằng nó có thể là máu, nhưng nhanh chóng loại bỏ ý tưởng đó. Tuy nhiên, ông đã liên lạc với Trung tâm Phản ứng Quốc gia; người ta đã điều tra và nhận thấy dòng sông thực sự bị nhiễm máu. Đó là máu heo, xuất phát từ Công ty Bao bì Columbia, một công ty đóng gói thịt nằm ở thượng nguồn, họ đã đổ bất hợp pháp một số lượng lớn máu heo trực tiếp xuống sông thay vì thải ra theo đúng quy cách. Rốt cuộc, Công ty Bao bì Columbia được lệnh phải nộp khoản tiền phạt 100.000 USD.