Có nhiều tranh luận về việc có nên tô màu cho những bức ảnh đen trắng. Nhưng những người làm công việc tô màu ảnh có lý lẽ xác đáng của họ. Với họ, giá trị nghệ thuật của những phiên bản màu chính là việc kết nối quá khứ và hiện tại.
Có nhất thiết phải ảnh màu?
Vào năm 2015, NASA đã công bố một kho ảnh xưa đắt giá về “cuộc đua bay vào không gian” giữa Mỹ và Liên Xô hồi thế kỷ 20.
Giống như bao người, Matt Loughrey lướt xem hàng ngàn bức ảnh đen trắng và nhớ lại: “Tôi nhớ những ngày nhỏ được nghe cha kể về cuộc đua vũ trụ. Chúng tôi còn có những quyển bách khoa toàn thư, và mọi thứ đều đơn sắc. Tôi cảm thấy chúng thật xa cách”. Khi đó, anh đang làm nhiếp ảnh gia tại một ngôi làng vắng lặng ở Westport (Ireland).
Đến lượt mình trò chuyện cùng cậu con trai 7 tuổi, Matt xúc động trước câu hỏi: “Có phải thế giới ngày xưa luôn có hai màu đen và trắng không bố?”. Thế là, Matt quyết định bắt đầu chuyến du hành thời gian để “biến đổi những ký ức đen trắng thành những cửa sổ rực rỡ mở ra quá khứ” – anh kể trên tạp chí National Geographic.
Cùng năm đó, Matt Loughrey khởi động dự án “My Colorful Past” (tạm dịch: Quá khứ đầy màu sắc của tôi) như một cầu nối giữa lịch sử và nghệ thuật thông qua việc “tô màu”. Ý tưởng nhanh chóng trở thành một lựa chọn của các bảo tàng và thư viện nhằm nâng cao trải nghiệm của khách tham quan và giáo dục.
Các chuyên gia “tô màu” tin rằng màu sắc giúp rút ngắn khoảng cách thời đại. Với bộ quần áo và cảnh vật không còn đen trắng, Charles Darwin, Mark Twain hay Charlie Chaplin sẽ trông thật gần gũi như thể bạn có thể tình cờ bắt gặp trên đường, chứ không phải thuộc về một thời đại khác.
Với Dương Minh Trí, ảnh lịch sử đen trắng vẫn còn thiếu nhiều thông tin, ví dụ như phần lớn chúng ta nghĩ rằng quân phục của bộ đội Việt Nam khi xưa đồng nhất một màu, nhưng thực tế không phải như vậy.
- Xem thêm: 5 truyền thống khoa học kỳ lạ
Chẳng phải bằng chứng lịch sử, dù trắng đen, cần được giữ nguyên hay sao?
“Có rất nhiều lời buộc tội, không chỉ với tôi mà với bất kỳ ai làm việc này… cái việc như là phá hoại nghệ thuật hay lịch sử đấy – Jordan Lloyd kể lại – Những bức ảnh màu không nhằm thay thế các tài liệu gốc. Chúng tồn tại cùng với bản gốc. Chúng không để thay thế, mà nhằm bổ sung”.
Wolfgang Wild, giám tuyển nghệ thuật ở Oxford (Anh), tin rằng các nhà phục chế “không thêm màu vào thực tế đen trắng, họ đang loại bỏ bộ lọc đen trắng khỏi nhận thức của chúng ta về quá khứ”, theo báo Chicago Tribune.
Chẳng phải làm thế là tô vẽ ý tưởng của mình lên tác phẩm của người khác ư?
Nhiếp ảnh đen trắng là một sự lựa chọn thẩm mỹ. Những bức ảnh đơn sắc là một góc nhìn về thế giới cần được “thông dịch”.
Với Matt Loughrey, khoảng 70% bức ảnh anh chụp là đen trắng. Thế nhưng, quan điểm đó không mâu thuẫn với dự án “My Colorful Past” nói riêng và công việc phục chế nói chung. Anh tin rằng giá trị nghệ thuật của những phiên bản màu chính là việc kết nối quá khứ và hiện tại.