Bất bình đẳng thu nhập đã tràn lan và gia tăng khắp thế giới từ thập niên 80 thế kỷ trước. Đây là một hiện tượng phức tạp, đa chiều và trong một chừng mực là điều khó tránh. Ngoài ra, đây là vấn đề cực kỳ nhạy cảm, được coi là một cấu trúc xã hội về sự khác biệt tài năng cá nhân.
Sao lại có người giàu, người nghèo?
Câu trả lời trăm năm trước rất đơn giản: Cha mẹ của người giàu là người cực giàu. Còn nay, người giàu kiếm được nhiều tiền bằng trí tuệ theo định luật tự nhiên của thị trường. Tuy nhiên mệnh đề này có những mặt không thuyết phục. Tài sản lớn được gom lại bằng những quanh co, vòng vèo tư nhân hóa không dễ dàng, thuận lợi bằng sự tham nhũng do chính quyền tạo ra ở Nga, Trung Quốc cũng như ở Pháp. Hơn nữa, hệ thống phân cấp điều kiện tái sản xuất xã hội: lớp trẻ gia đình thượng lưu dễ dàng tiếp cận điều kiện thu nhập cao hơn lớp trẻ nhà nghèo. Không chỉ có học vấn mà còn trong mạng quan hệ xã hội thân thích thượng lưu “con vua thì lại làm vua”.
Một cơ cấu cập nhật gia tăng bất bình đẳng thu nhập là toàn cầu hóa thống nhất thị trường thế giới, đẩy tính cạnh tranh lên trong lao động và giảm tiền lương trong giá trị gia tăng. Thực tế lương có tăng, nhưng không tương xứng với năng suất, nên sự bất bình đẳng thu nhập quy về giá trị gia tăng.
Dẫu một nửa dân số thế giới nghèo nhất đã tăng thu nhập đáng kể từ sự phát triển kinh tế mạnh mẽ ở châu Á, thế nhưng, 1% người giàu nhất lại tăng thu nhập gấp đôi tổng số tăng của một nửa dân số thế giới, bởi họ là người cầm dao, cắt và chia phần cái bánh sản phẩm kinh tế xã hội.
Tình trạng bất bình đẳng ngày một gia tăng trầm trọng, ít nhất tới thập niên 50 của thế kỷ này. Mấy trăm nhà nghiên cứu, dưới sự chỉ đạo khảo cứu theo phương pháp luận tiên tiến có hệ thống, minh bạch của năm nhà kinh tế hàng đầu thế giới là Thomas Piketty, Gabriel Zuckman, Lucas Chancel, Emmanuel Saez và Facundo Alcaredo, khẩn cấp báo động xu thế kinh tế thế giới ngày một nặng nề. Nếu không có những giải pháp hữu hiệu, các bất bình đẳng ngày một trầm trọng sẽ dẫn tới đủ mọi đổ vỡ chính trị, kinh tế, xã hội.
Trung Đông là vùng bất bình đẳng ghê gớm nhất: 10% người giàu chiếm 61% thu nhập quốc dân. Trước hết, văn hóa đạo Hồi khuyến khích và biện minh cho sự bất bình đẳng giàu-nghèo. Thứ hai, sự tăng trưởng kinh tế ở các nước vùng Vịnh chủ yếu là từ lao động người nước ngoài với mức lương rẻ mạt.
Bất bình đẳng thu nhập phổ biến khắp thế giới, nhưng mỗi vùng miền một vẻ, một nhịp điệu. Ở Nga, chỉ trong vòng hai chục năm, giới nhà giàu đã nâng thu nhập lên gấp đôi – từ 22% lên 45% thu nhập quốc dân. Theo Lucas Chancel, Tây Âu đỡ nhất, nhờ các chính sách tái phân phối thu nhập trong phát triển kinh tế, quyền được học hành, quyền được chăm sóc y tế… Trong tương lai, nếu tất cả các nước đều theo quỹ đạo này, hẳn bất bình đẳng và nghèo đói sẽ giảm. Nhưng, liệu chính Tây Âu có tiếp tục quỹ đạo đó hay không khi chưa thấy một dấu hiệu đảm bảo chắc chắn nào.
Mỹ không những bất bình đẳng cả trong giáo dục lẫn chăm sóc y tế mà chế độ thuế khóa ngày một giảm lũy tiến. Các chính sách ở Ấn Độ nhằm tăng trưởng kinh tế, giảm bất bình đẳng thu nhập, nhưng thực tế, bất bình đẳng thu nhập lại càng trầm trọng, không chỉ trong giáo dục, y tế mà cả trong các phúc lợi khác. Ngay trong nội bộ tầng lớp khá giả, tình thế cũng trầm trọng: 1% giàu có nhất tăng thu nhập gấp bốn lần tầng lớp trung lưu. Theo nhà kinh tế Branco Milanovic, thuộc ngân hàng thế giới, mười năm qua, tầng lớp trung lưu không được một chút lợi lộc từ sự tăng trưởng kinh tế.
Cũng từ thập niên 80 thế kỷ trước, tư bản công, theo luật tư nhân hóa, ồ ạt chuyển sang lĩnh vực tư bản tư. Nhà nước cứ thế nghèo đi, sự giàu có quốc gia tăng, nhưng tư bản công lại giảm thê thảm. Đến nay, tư bản công ở Mỹ, ở Anh đã là số 0, tình trạng này hạn chế nhà nước khống chế nạn bất bình đẳng trong thu nhập quốc dân.
Nguyên do cơ bản của sự bất bình đẳng thu nhập là do các chính sách công ngày một trầm trọng là điều không tránh được.
Nhà kinh tế học Thomasx Piketty cho rằng phải bàn luận công khai.
Trước hết, cần phổ cập thuế lũy tiến (fiscalité progressive). Bốn mươi năm nay, thuế càng giảm lũy tiến không chỉ ở các nước giàu mà cả ở các nước mới nổi lên. Mà thuế lũy tiến là công cụ hữu hiệu chống bất bình đẳng thu nhập và tích tụ tài sản. Lũy tiến tỷ suất có tác động kép, giảm bất bình đẳng thu nhập sau thuế cũng như trước thuế. Lũy tiến làm nản lòng những người thu nhập cao thụ hưởng phần lớn kết quả tăng trưởng kinh tế bằng thương lượng giảm lương, thưởng quá mức cũng như tích lũy tài sản. Thứ đến là đăng ký toàn cầu chứng khoán tài chính. Tài sản của những người giàu ngày càng thể hiện dưới dạng chứng khoán tài chính và đó là công cụ xác định chủ sở hữu, chống trốn thuế, rửa tiền.
– Theo L’ Obs