Đất đai với khái niệm sở hữu toàn dân luôn là vấn đề nóng bỏng, đơn giản là vì nguồn tài nguyên này không tăng trong khi dân số ngày càng nhiều, tính ra hiện nay đã lên đến gần 90 triệu người. Luật đất đai của chúng ta đã nhiều lần thay đổi cho phù hợp thực tế, thế nhưng vẫn còn nhiều bất cập.
Tại Hội nghị tổng kết 2017 ngày 8-1 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, thách thức, với “nhiều câu hỏi lớn cần đặt ra”.
Làm thế nào để giải quyết có hiệu quả tình trạng lãng phí đất đai, phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế – xã hội?
Tại sao hiệu quả sử dụng đất của chúng ta vẫn ở mức thấp so với nhiều nước trong khu vực?
Giải pháp nào để giải quyết tình trạng khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, đặc biệt là khiếu kiện đông người?
Lãng phí do đâu?
Đất đai là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, vậy mà tình trạng lãng phí đất vẫn đang diễn ra phổ biến trong cả nước. Đặc biệt là tại các thành phố lớn, có những khu đất bỏ hoang hàng chục năm, hàng trăm dự án nhà ở, phát triển đô thị nhiều năm nay được cấp phép mà vẫn chưa triển khai. Ở một số địa phương, tình trạng đất đai, trụ sở làm việc của các doanh nghiệp, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp bị sử dụng lãng phí, sai mục đích, thậm chí bỏ trống.
Có nhiều nguyên nhân nhưng phổ biến hơn cả là do quy hoạch treo và sử dụng lãng phí quỹ đất. Nếu tính chung cả nước thì có hàng chục triệu hécta đất Nhà nước đã giao cho chủ sử dụng đất cụ thể nhưng chưa sử dụng, hoặc đã từng được sử dụng, rồi bỏ hoang. Trong khi đất sản xuất nông nghiệp thì ngày bị thu hẹp, nông dân không có việc làm vì không có đất canh tác.
Theo tính toán của Cục Công sản (Bộ Tài chính), nếu tính đúng, thu đủ và có cơ chế buộc các chủ sử dụng đất phải sử dụng đất hiệu quả thì mỗi năm ngân sách Nhà nước có thể thu được khoảng 100.000 tỉ đồng.
Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, theo báo cáo của Sở Tài nguyên – Môi trường, rất nhiều quỹ đất công cho các doanh nghiệp thuê bị sử dụng lãng phí hoặc được các đơn vị này cho thuê lại để kiếm lời. Nhiều khu đất khác bị bỏ hoang, sử dụng không đúng mục đích như làm bãi xe khách, làm kho kinh doanh, cho thuê sản xuất, mở quán cơm… theo đơn giá cho thuê sản xuất kinh doanh cách nay hàng chục năm.
Nhiều doanh nghiệp tự bố trí cho công nhân viên làm nhà ở trên khuôn viên đất đang quản lý không đúng thẩm quyền, gây nhiều khó khăn trong công tác thu hồi đất. Đúng là chuyện nghịch lý khi các hộ dân này yêu cầu phải được bồi thường mới di dời, với mức bồi thường rất cao.
Cũng theo Sở Tài nguyên – Môi trường, hiện TP. Hồ Chí Minh có 746 khu đất chưa có pháp lý để sử dụng đất và được giao cho các cơ quan nhà nước quản lý. Ngoài ra, còn có 224 khu đất công do các đơn vị sử dụng đất khác đang quản lý sử dụng cũng chưa có pháp lý sử dụng đất, trong đó nhiều khu đang bị sử dụng sai mục đích hoặc bỏ hoang gây lãng phí, nhiều nơi bị người dân chiếm giữ đất trái phép.
Trong khi đó, các doanh nghiệp được giao đất trước đây do công tác quản lý lỏng lẻo dẫn đến tình trạng chồng lấn ranh đất, bị lấn chiếm, chiếm giữ trái phép, ảnh hưởng rất nhiều đến công tác thu hồi đất.
Đứng trước tình hình này, đã có nhiều ý kiến đề nghị những doanh nghiệp đã được giao đất nhưng không đủ năng lực triển khai dự án hoặc những doanh nghiệp thuê đất nhưng lại sử dụng không đúng mục đích, cho thuê lại để thu lợi… thì cần phải kiên quyết thu hồi. Thế nhưng cho đến nay vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ.
Hiệu quả sử dụng thấp
Cùng với tình trạng lãng phí, việc hiệu quả sử dụng đất được xem là vướng mắc hơn cả, đặc biệt là đất đô thị còn rất thấp so với các nước trong khu vực châu Á, thể hiện ở tỷ lệ khoảng 2.100 người/km². Nhiều đất đô thị trong các khu đô thị mới ở Việt Nam đang để hoang hóa, hàng vạn ngôi nhà liền kề, biệt thực bỏ hoang.
Giới chuyên gia quy hoạch – đô thị đều cho rằng, bức tranh hỗn độn trong vấn đề sử dụng đất đai đô thị xuất phát chủ yếu từ yếu kém trong quy hoạch, sự thiếu phối hợp đa ngành hay quản lý mang tính đa ngành. Việc tổ chức thực hiện quy hoạch manh mún theo chức năng quản lý của từng sở, ngành đang dẫn đến hệ quả ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, sử dụng đất rời rạc. Giới chuyên gia quy hoạch ví von tình trạng này chẳng khác gì một dàn nhạc thiếu nhạc trưởng để phối hợp các cung bậc sáng tạo mà bản giao hưởng phải có.
Có người đặt câu hỏi: tại sao những vi phạm về trật tự xây dựng diễn ra hằng ngày, hằng giờ trên địa bàn phường, xã, quận, huyện thuộc địa giới quản lý mà lại khó kiểm soát vậy? Phải chăng là do có quá nhiều đầu mối trong việc quản lý tài nguyên đất đai.
Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới từng nhận định Việt Nam cần đổi mới toàn diện công tác quy hoạch đô thị, hướng tới tư duy phát triển đô thị theo mô hình đô thị sinh thái kiêm kinh tế trong kinh tế thị trường. Tập trung rà soát lại quy hoạch nhằm tăng cường dành đất đô thị cho công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng giao thông. Đưa ra quy định trong việc sử dụng đất của các nhà máy, công sở… khi dời ra khỏi nội đô chỉ dành cho công trình hạ tầng xã hội.
Đô thị hóa Việt Nam đạt tốc độ rất cao 2,8%, tương đương 700km²/năm, nằm trong số các nước có tỷ lệ tăng nhanh nhất khu vực và thế giới. Đến nay, cả nước có 805 đô thị với dân số trên 32 triệu người đạt tỷ lệ đô thị hóa gần 35%. Chính vì vậy nhất thiết phải có một cơ cấu kiểm soát phát triển sử dụng đất đồng bộ, phù hợp với quá trình đô thị hóa.
Khiếu nại, tố cáo đất đai diễn biến phức tạp
Tình hình khiếu nại, tố cáo về đất đai của công dân năm 2017 có giảm, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp và gay gắt. Đánh giá này căn cứ vào số liệu thống kê của Chính phủ về số lượt công dân đến các cơ quan hành chính Nhà nước để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị.
Thế nhưng các vụ việc phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai lại tăng, trong đó có những vụ việc đã được nhiều cơ quan giải quyết nhưng công dân không đồng ý, tiếp tục khiếu nại với thái độ bức xúc. Số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai chiếm 61,7%, về nhà ở chiếm 11,7% trong các nội dung khiếu nại.
Cả nước phát sinh 15.148 đơn tố cáo, trong lĩnh vực hành chính chiếm 62,7%, chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo còn phức tạp là do công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý Nhà nước về đất đai còn nhiều tồn tại, yếu kém. Đáng chú ý, có những vụ việc xuất phát từ trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức còn hạn chế. Thậm chí có hành vi vi phạm pháp luật, vụ lợi cá nhân, thiếu khách quan, công tâm trong thực thi công vụ làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức… Ngoài ra còn do cơ chế, chính sách pháp luật chưa được hoàn thiện hoặc thiếu đồng bộ. Việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật đất đai còn nhiều quy định chưa phù hợp với thực tiễn, nhưng chậm được bổ sung, sửa đổi.
Những nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo trong thời gian gần đây thì nhiều, nhưng tập trung vào một số nội dung sau đây.
Trước hết là khi chính quyền các cấp tiến hành thu hồi nhiều đất của dân để giao cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án xây dựng khu đô thị, thương mại, dịch vụ…, vấn đề chính sách liên quan đến lợi ích của người sử dụng đất còn nhiều bất cập, giá đất chưa phù hợp, thường xuyên thay đổi; cơ chế đền bù, hỗ trợ chưa nhất quán nên khó thực hiện.
Thứ hai, việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn xảy ra sai sót, không theo quy hoạch và quy định của pháp luật. Nhiều dự án thu hồi đất của dân rồi để hoang hóa; khả năng sử dụng đất ít nhưng thu hồi với diện tích lớn gây lãng phí đất đai khiến công dân bức xúc đòi lại đất.
Thứ ba, nhiều địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục, hòa giải ngay từ cơ sở, coi trọng các biện pháp hành chính (mệnh lệnh, cưỡng chế), nóng vội, chủ quan, áp đặt, quan tâm nhiều đến mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, thiếu quan tâm đến đời sống dân sinh dẫn tới người dân bức xúc khiếu kiện đông người.
Thứ tư, chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo tranh chấp đất đai của chính quyền cấp huyện, cấp xã chưa cao, không giải quyết dứt điểm, gây bất bình trong nhân dân.
Để khắc phục các tồn tại trên đây thì pháp luật về đất đai cần làm rõ nội hàm về quyền đại diện chủ sở hữu của nhà nước; công khai, minh bạch, mở rộng quyền tiếp cận đất đai của các thành phần kinh tế; đảm bảo tài nguyên đất đai được giao cho các chủ thể có năng lực để sử dụng hiệu quả.
Cùng với đó là hoàn thiện, đổi mới toàn diện chính sách về kinh tế, tài chính đất đai theo các nguyên tắc thị trường, cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất để các quan hệ đất đai vận hành theo các nguyên tắc, quy luật của thị trường, hạn chế tham nhũng, lãng phí trong quản lý đất đai.
Có như vậy mới tạo được niềm tin trong xã hội.