Kết quả đáng tiếc của các hội nghị liên quan trong năm chủ tịch của Campuchia, đặc biệt là sau khi ASEAN không thể ra được thông cáo chung tại Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN lần thứ 45 (AMM 45) đã biến những lo ngại trên thành hiện thực đặt ra thách thức lớn trên con đường hiện thực hóa mục tiêu hình thành một cộng đồng chung của khối.
Người ta vẫn thường nói các nguyên tắc của ASEAN lỏng lẻo, không đủ khả năng để giải quyết các cuộc xung đột. Năm 2012 với nhiều biến cố đã dần khép lại nhưng nhận định này lại càng rõ nét hơn. Trong năm này, ASEAN đã hứng chịu sự chỉ trích từ dư luận do thất bại trong nỗ lực tìm kiếm một công cụ pháp lý để quản lý xung đột tại Biển Đông. Việc AMM 45 không ra được thông cáo chung vào tháng 7-2012 cũng như những kết quả nhạt nhòa của Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 21 vào tháng 11-2012 thường được giới quan sát trích dẫn như là bằng chứng sinh động về sự thiếu lập trường chung trong giải quyết các xung đột tại khu vực ASEAN.
Rõ ràng, sự thất bại của ASEAN trong năm 2012 cũng cảnh tỉnh các quốc gia thành viên rằng sự thống nhất chưa thể trở thành hiện thực. Vấn đề Biển Đông đã phản ánh rõ nét sự thống nhất mong manh của ASEAN khi phải đối mặt với những thách thức chiến lược đầy cam go. Trong vấn đề này, do ASEAN không có lập trường chung nên khả năng tạo ra tâm lý lạc quan để giải quyết khủng hoảng là không thể. Như vậy, không có sự thống nhất đã hạn chế khả năng hành động của khối.Sự thống nhất, do đó đã trở thành một nhu cầu cấp bách, một điều kiện tiên quyết để duy trì vai trò trung tâm của ASEAN.
Nếu chỉ nhìn nhận ASEAN qua những thất bại trong năm 2012 có thể dẫn đến nguy cơ đơn giản hóa và mô tả sai lầm bản chất ASEAN. ASEAN dù chỉ là một khối lỏng lẻo vẫn cần được nhận thức một cách toàn diện hơn. Điều này đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận ASEAN trong cả quá trình từ khi được sáng lập đến nay. ASEAN được thành lập vào tháng 8-1967 không chỉ để tìm kiếm các cơ chế giải quyết xung đột, nó chỉ là sự thử nghiệm trong quản lý các xung đột giữa các nước sáng lập mà thôi.
Nhu cầu hợp tác an ninh rõ ràng đã vắng bóng trong các văn bản đầu tiên của ASEAN. Thậm chí khi vấn đề an ninh chính thức được ASEAN đưa vào chương trình nghị sự năm 1992, nó chỉ được xem như là phản ứng của ASEAN trong bối cảnh quan hệ quốc tế có nhiều biến động trong kỷ nguyên hậu chiến tranh lạnh hơn là nhu cầu tăng cường hợp tác an ninh nội khối. Do đó, một trong những thành quả lớn nhất của ASEAN chính là khả năng ngăn chặn các tranh chấp vũ trang giữa các thành viên. Chiến tranh giữa các nước thành viên, về lý thuyết vẫn có thể xảy ra, ngày càng trở nên không thể hình dung được.
Chỉ đến tháng 10-2003, ASEAN mới quyết định chuyển đổi từ một tổ chức khu vực chuyên tìm kiếm các giải pháp ngăn chặn xung đột giữa các thành viên sang giải quyết các tranh chấp trong và ngoài khu vực thông qua các biện pháp hòa bình. Trong khi đang loay hoay nâng cao khả năng ngăn chặn xung đột, ASEAN vẫn cam kết phát triển khả năng giải quyết xung đột. Tuyên bố Bali 2003 đánh dấu lộ trình chuyển đổi ASEAN thành cộng đồng an ninh.
Nói cách khác, ASEAN đang ở giai đoạn đầu trong tiến trình trở thành một tổ chức đủ sức gánh vác trách nhiệm giải quyết các cuộc xung đột.ASEAN trước sau như một chỉ đặt ưu tiên cao nhất là ngăn chặn xung đột giữa các thành viên, các cơ chế của nó chưa đủ khả năng để giải quyết xung đột. Khả năng giải quyết xung đột biên giới Thái Lan – Campuchia xung quanh khu vực đền Preah Vihear năm 2011 là một ví dụ điển hình. Tuy nhiên, dù đã thành công thì ASEAN vẫn cần phải nỗ lực hơn nữa để cải thiện khả năng ngăn chặn xung đột.
Từ quan điểm này không nên quên một sự thực rằng ASEAN chưa bao giờ cố gắng giải quyết vấn đề Biển Đông. Điều mà ASEAN đang cố gắng tìm kiếm là quản lý các xung đột vũ trang giữa các bên tranh chấp, đặc biệt là giữa Trung Quốc và các nước thành viên có tuyên bố chủ quyền. Nỗ lực can dự và thuyết phục Trung Quốc thảo luận về COC (Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông) chỉ là hành động quản lý xung đột, không phải là giải quyết xung đột.
Do đó, thật không khôn ngoan nếu chỉ xem thất bại của ASEAN tại Phnom Penh trong năm qua là một sự thành công đang bị trì hoãn, ASEAN cần phải hết sức nỗ lực để quản lý tốt vấn đề Biển Đông trong năm 2013 và thậm chí là các năm tiếp theo. Để thực hiện được nhiệm vụ này, ASEAN cần cân nhắc ba vấn đề sau:
– Thứ nhất, ASEAN phải cấp thiết tìm giải pháp thoát khỏi sự bế tắc hiện nay ngay cả khi Trung Quốc công khai “đây chưa phải là thời điểm phù hợp” để chính thức đàm phán về COC. Đặt vấn đề sang một bên vô hạn định không phải là một sự lựa chọn tốt. ASEAN và Trung Quốc cần phải cho dư luận thế giới thấy rằng họ có khả năng quản lý vấn đề bằng nỗ lực tìm giải pháp cho tương lai.COC phải được đưa vào chương trình nghị sự trong năm chủ tịch ASEAN 2013 tại Brunei.
– Thứ hai, các nước ASEAN không tuyên bố chủ quyền, đặc biệt là Indonesia, và cũng có thể là các nước có tuyên bố chủ quyền phải nhìn nhận rằng COC không chỉ cung cấp khung pháp lý, mà còn khuyến khích phát triển chung, thiết lập cơ chế ngăn chặn xung đột. Do đó, thảo luận chính thức cần phải bắt đầu, cần sớm có kết luận, COC không tác động đến bất cứ bên tuyên bố chủ quyền nào đối với vấn đề lãnh thổ.
– Thứ ba, để đảm bảo sự tiếp tục và tập trung, ASEAN nên đề ra “tiêu điểm” chung giữa các thành viên để phối hợp thực hiện. Chẳng hạn, ASEAN có thể cử Indonesia và Singapore đảm nhiệm vấn đề này vì thực tế là hai nước này không có tuyên bố chủ quyền nên có thể “trung lập” trong quá trình đàm phán.
Thất bại trong năm 2012 đối với việc quản lý vấn đề Biển Đông sẽ không thể ngăn cản ASEAN tiếp tục cố gắng trong năm 2013. Trên tất cả, quản lý xung đột đòi hỏi sự thiện chí, sự thật và tính kiên nhẫn.
T.L theoBưu điện Jakarta, 12-2012