Tết là dịp để gặp gỡ, chúc tụng và thưởng thức những món ăn ngon. Từ ngày xưa, dân gian đã gọi là “ăn tết” để chỉ ra rằng ăn uống là hoạt động chính trong những ngày đầu năm mới. Chỉ trong “ba ngày tết”, người Việt phải bày biện khá nhiều tiệc tùng lớn nhỏ. Từ tiệc tạ ơn và tiễn đưa ông Táo về trời vào ngày hai mươi ba tháng Chạp, đến tiệc tất niên của gia đình, cơ quan vào ngày hăm chín, ba mươi rồi tiệc trưa mùng Một mừng gia đình quây quần bên nhau, đến mùng Ba lại có tiệc rước ông Táo trở về. Đó là chưa kể nhiều tiệc nhỏ khác mừng ngày hội ngộ họ hàng, bạn bè với đa dạng các loại thức ăn, bánh trái, kẹo mứt, rượu bia, thuốc lá, hoa quả. Khổ nỗi, món ăn ngày tết lại thường nhiều chất đạm, chất béo, đường như bánh chưng, bánh tét, lạp xưởng, chả giò, thịt đông, bánh mứt… khiến nhiều người vừa ăn tết vừa lo lắng cho sức khỏe. Những hướng dẫn sau đây của ThS Quách Trọng Đức, Tổng Thư ký hội Khoa học Tiêu hóa TP. Hồ Chí Minh, Giảng viên phân môn Tiêu hóa Bộ môn nội Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh sẽ giúp chúng ta ăn uống ngon miệng mà vẫn đảm bảo sức khỏe trong dịp tết. Bác sĩ cho biết:
“Xuân sang, tết đến là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của tất cả các gia đình Việt Nam với niềm hạnh phúc được sum vầy bên nhau, tạm gác qua những vất vả lo toan đời thường và tất nhiên là không thể thiếu được những bữa cơm họp mặt với những món ăn truyền thống từ bánh chưng, bánh tét, lạp xưởng, dưa món, củ kiệu, thịt kho nước dừa… Ngoài ra còn có những món ăn vặt làm cho câu chuyện gặp mặt đầu năm thêm rôm rả như các loại mứt truyền thống, bánh kẹo, hạt dưa. Đặc biệt, các quý ông khi gặp mặt bạn bè cũng không thể thiếu một chút rượu bia và các món đồ nhắm. Nói chung, dịp tết chúng ta ăn nhiều thức ăn giàu đạm động vật, dầu mỡ, đường, muối, thiếu các chất xanh (rau cải và hoa quả), uống rượu bia và các loại nước ngọt công nghiệp nhiều hơn so với ngày thường. Quan điểm của tôi là không cần phải quá kiêng khem trong ăn uống. Chúng ta cứ ăn tất cả những món mình thích vì nhịn ăn nhịn uống thì còn gì là tết.
Ăn uống không cân bằng các chất dinh dưỡng liệu có gây ra nguy cơ gì đối với sức khỏe không, thưa bác sĩ?
Chỉ nguy hiểm đối với bệnh nhân bị một số bệnh mãn tính (đặc biệt là bệnh tăng huyết áp, suy tim, đái tháo đường, bệnh gan thận, bệnh gout…). Vì chế độ dinh dưỡng được xem là một trong hai phần quan trọng quyết định hiệu quả điều trị và kiểm soát bệnh (phần quan trọng còn lại là chế độ dùng thuốc). Vì vậy, bệnh nhân cần phải tuân thủ thật nghiêm túc chế độ dinh dưỡng đã được bác sĩ đưa ra. Lưu ý là việc ăn nhiều các thức ăn chế biến mặn, ngâm ướp và uống nhiều rượu bia có thể làm cho tình trạng huyết áp và đường huyết khó kiểm soát hơn, tình trạng suy tim nặng nề hơn…
Với người khỏe mạnh thì có thể ăn uống thoải mái. Mặc dù các món ăn trong ngày tết không cân bằng về mặt dinh dưỡng nhưng nếu chỉ ăn trong ba ngày tết hầu như không gây ra một tác động xấu trên cơ thể chúng ta về lâu dài.
Tuy không gây những nguy cơ lâu dài nhưng ăn nhiều thức ăn giàu đạm và dầu mỡ hẳn có thể gây nguy cơ tức thời cho hệ tiêu hóa?
Đúng vậy. Thức ăn giàu đạm, dầu mỡ có thể làm chúng ta dễ bị đầy bụng khó tiêu (do thiếu các men tiêu hóa). Trong cơ thể, gan – mật – tụy là hệ cơ quan giúp bài tiết các men để tiêu hóa thức ăn. Triệu chứng đầy bụng khó tiêu là dấu hiệu cho thấy hệ thống men của bạn đã bị quá tải và nên chú ý giảm ăn uống những loại thực phẩm này.
Ăn không đúng bữa và ăn vặt nhiều có gây ra tình trạng đầy bụng, khó tiêu không?
Có chứ. Hệ tiêu hóa của chúng ta có hoạt động bài tiết và co bóp theo chu kỳ bữa ăn thường ngày của chúng ta. Ăn vặt nhiều, đặc biệt là khi ăn nhiều thức ăn ngọt và các loại nước ngọt có gas, ăn không đúng bữa cũng dễ làm bụng đầy hơi, khó tiêu.
Nhiều người hay ăn kèm gừng vào thức ăn, ăn mứt gừng hoặc uống trà gừng để tránh được đầy bụng, khó tiêu. Bác sĩ có cho đây là một bài thuốc hay?
Từ xưa, gừng đã được xem là bài thuốc dân gian có tác dụng làm giảm tình trạng đầy bụng khó tiêu rất tốt nhưng thực tế thì không phải lúc nào cũng hiệu quả. Như đã đề cập ở trên, biện pháp hiệu quả hơn là chúng ta nên cố gắng duy trì bữa ăn đúng giờ, khi chớm có triệu chứng thì không nên tiếp tục ăn thức ăn ngọt, thức ăn nhiều dầu mỡ và uống các loại nước ngọt có gas.
Mọi người có thể sử dụng loại thuốc nào chữa nhanh tình trạng khó chịu này?
Chúng ta có thể mua một số loại thuốc bổ sung men tiêu hóa và tăng cường vận động dạ dày có bán phổ biến ở các nhà thuốc.
Ngoài ra, ngày tết chúng ta phải uống đủ nước để tránh tình trạng táo bón, khoảng 1,2-1,5 lít/ngày.
Uống rượu bia thay nước được không, thưa bác sĩ?
Hoàn toàn không. Ngược lại, khi uống rượu bia cơ thể còn bị mất nước nhiều hơn khi chưa uống. Vì vậy, khi uống rượu bia thì cần uống nước nhiều hơn.
Dân gian có câu: “Nam vô tửu như kỳ vô phong”, mà đàn ông sợ nhất là bị chê không phong độ. Vì vậy, dù biết uống nhiều rượu, bia là không tốt nhưng nam giới khó tránh bia, rượu, nhất là dịp tết. Xin bác sĩ hướng dẫn cách uống rượu bia sao cho “ít” hại nhất?
Không như thức ăn, cơ thể hấp thu rượu, bia rất nhanh nhưng lại mất nhiều thời gian để chuyển hóa và thải ra ngoài. Khả năng chuyển hóa của gan thay đổi theo từng người, trung bình mỗi giờ có thể chuyển hóa được khoảng 350ml bia, 150ml rượu vang hoặc 40ml rượu mạnh. Do đó, chúng ta nên uống chậm rãi để thưởng thức và cho cơ thể có thời gian để chuyển hóa. Không nên uống rượu, bia khi chưa ăn gì vì thức ăn trong dạ dày làm giảm tốc độ hấp thu rượu vào máu. Chúng ta cũng không nên uống đồng thời vừa rượu vừa bia, hoặc rượu bia và các loại nước có gas khác vì các bọt hơi làm cho rượu được hấp thu vào máu nhanh làm cho người uống dễ say hơn.
Làm thế nào để tránh những nguy cơ về sức khỏe khi bị say rượu quá mức dẫn đến ngộ độc rượu?
Rượu gây ức chế hô hấp, nhịp tim. Nồng độ rượu trong máu quá cao có thể dẫn đến tình trạng ngưng thở, ngưng tim và hạ thân nhiệt. Người say rượu có thể bị co giật do tình trạng thiếu đường trong máu. Tình trạng ngộ độc rượu nặng có thể gây tử vong.
Nếu lay gọi mà người say rượu vẫn còn nhận biết được thì người thân nên túc trực bên họ và giúp họ nôn ói. Nôn ói là một cơ chế bảo vệ cơ thể nhằm thải trừ bớt một phần lượng rượu bia còn chưa được tiêu hóa ở đường tiêu hóa. Bổ sung nước uống là rất cần thiết vì tình trạng nôn và tình trạng say rượu sẽ làm cho người bệnh mất nước nghiêm trọng. Nước gừng nóng cũng có tác dụng giải rượu vì hóa giải chất cồn trong cơ thể nhanh hơn. Trong trường hợp người say rượu hoàn toàn không có phản ứng gì khi lay gọi hay kích thích đau thì nên đưa đi bệnh viện ngay.
Ngộ độc thực phẩm cũng là một tình trạng dễ gặp ngày tết vì chúng ta ăn nhiều thức ăn chưa chín kỹ, thức ăn nhiều màu sắc… Trong trường hợp bị ngộ độc thực phẩm thì nên xử lý như thế nào?
Những biểu hiện thường thấy của ngộ độc thực phẩm là tình trạng đau quặn bụng vùng rốn kèm theo tiêu chảy, nôn ói, một số trường hợp có kèm sốt. Thường thì các triệu chứng sẽ xảy ra trong 24 giờ. Sau đó, cơ thể sẽ tự đào thải được các chất độc từ đường tiêu hóa ra ngoài. Khi bị ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là khi nôn ói nhiều, cần phải đảm bảo cơ thể không bị thiếu nước và các chất khoáng. Người bệnh nên dùng dung dịch muối đường (Oresol – có bán phổ biến ở các nhà thuốc) để bổ sung nước và các chất khoáng cần thiết. Nếu tình trạng nôn ói nhiều, đau bụng kèm theo sốt cao không thuyên giảm trong 24 giờ thì cần đưa bệnh nhân đến các trung tâm y tế để giải độc.
Tình trạng ngộ độc thực phẩm cũng do thức ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh. Chẳng hạn như có đến 80% hạt dưa bán trên thị trường đều có chứa chất
rhodamine B (nguyên nhân gây ung thư), lạp xưởng thì sử dụng nguyên liệu (mỡ, thịt, cá) bốc mùi hôi thối và phẩm màu độc hại… Liệu chúng ta có cần tuyệt đối không dùng các loại thực phẩm được khuyến cáo này?
Nguy cơ độc chất, tạp chất chỉ có trong các loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng hoặc từ các thương hiệu không uy tín. Nếu thiếu hạt dưa, lạp xưởng, giò lụa… thì hương vị ngày tết truyền thống cũng giảm đi ít nhiều. Điều tôi cho là thiết thực hơn là tìm mua sản phẩm từ những nhà cung cấp đáng tin cậy.
Cảm ơn bác sĩ về buổi trò chuyện.