Nước Anh hiện đứng vị trí đầu trong số các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) về khối lượng đầu tư trực tiếp của Trung Quốc, với xu hướng gia tăng đầu tư vào các cơ sở hạ tầng và sản xuất kỹ thuật nhiều hơn, trong khi các lĩnh vực tài chính và sản xuất thực tế giảm mạnh.
Đây được xem là một trong những ưu tiên chiến lược của các công ty Trung Quốc. Năm 2012, Công ty China Investment Corporation mua 8,68% cổ phần của Công ty Thames Water Utilities Ltd. và 10% cổ phần tại Heathrow Airport Holdings. Một năm trước đó, Công ty Cheung Kong Infrastructure Holdings của Trung Quốc đã thực hiện hợp đồng mua Công ty Northumbrian Water.
Khi rót tiền ngày càng nhiều vào những cơ sở hạ tầng, các công ty đến từ Trung Quốc dự định tận dụng chúng như bàn đạp để mở rộng sự hiện diện của mình tại châu Âu.
Việc các công ty nhà nước Trung Quốc đầu tư mạnh vào những dự án và hạng mục quan trọng chiến lược, gia tăng ảnh hưởng và thâu tóm các công ty của Anh trong các lĩnh vực công nghệ cao, đang gây ra sự lo ngại cho chính phủ mới ở Anh trong dài hạn về việc kiểm soát những cơ sở hạ tầng và sản xuất chiến lược sẽ bị suy yếu.
Việc người dân Trung Quốc ngày càng tích cực mua nhà ở và bất động sản ở Anh cũng đang gây lo ngại đối với London. Ví dụ trong sáu tháng đầu năm 2016, các công ty Trung Quốc và người dân nước này đã mua bất động sản tại xứ sở sương mù lên tới 560 triệu bảng. Anh không phải là quốc gia duy nhất trong thời gian gần đây thận trọng đối với chính sách đầu tư bành trướng của các công ty nhà nước Trung Quốc.
Theo đánh giá mới đây của các nhà khoa học Trường Đại học Kinh tế London, việc Anh rời khỏi EU sẽ dẫn đến việc giảm khối lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài khoảng 22%, kéo theo thu nhập thực tế của người dân giảm 3,4%. Do đó Anh đang nỗ lực thu hút những đối tác đầu tư từ các nước mà đứng đầu danh sách này là các công ty Trung Quốc, vốn dư thừa nguồn lực đầu tư. Chính sách đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài được Bắc Kinh thực thi sẽ giúp thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Anh và Trung Quốc.
Triển vọng hợp tác đầu tư giữa Anh với châu Âu và nước thứ ba, trong đó có Trung Quốc, sẽ phụ thuộc vào những yếu tố sau: Thứ nhất là kịch bản rời EU được hiện thực hóa. Thứ hai là chính sách kinh tế đối ngoại của chính phủ mới ở Anh. Hiện nay, tất cả vẫn chưa rõ ràng.
Không chỉ ở Anh, chính phủ các nước khác cũng tỏ ra lo ngại về đồng vốn đầu tư ồ ạt của Trung Quốc. Chính phủ Đức mới đây đã ngăn chặn Quỹ đầu tư Phúc Kiến (Trung Quốc) mua lại Công ty Điện tử Aixtron. Tại Pháp, nỗi lo này cũng không kém khi các nhà đầu tư Trung Quốc đổ vốn vào các lĩnh vực nguyên tử, hóa học, công nghệ robot, trang trại trồng nho. Ở Úc, chính phủ đã ngăn chặn một số thương vụ do doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện trong các lĩnh vực chăn nuôi, điện lực.
V.Đ (DNSGCT)