Yếu tố nhân khẩu học tại TCS phản ánh khá rõ về hiện tượng lao động trẻ đang bùng nổ tại Ấn Độ, góp phần tạo ra một lợi thế cạnh tranh giúp nền kinh tế lớn thứ ba châu Á này trở nên khác biệt so với phần còn lại của thế giới vốn đang nhanh chóng già đi.
Theo ông Ranjan Bandyopadhyay – Giám đốc phụ trách nhân sự của TCS, lao động trẻ đồng nghĩa với sự sáng tạo, cũng như khả năng vận dụng tốt công nghệ mới, nhờ đó hiệu quả lao động của công ty ông được đánh giá cao. Trên thực tế, tương tự như trường hợp TCS, độ tuổi trung bình của dân số toàn Ấn Độ hiện nay là 28, thấp hơn rất nhiều so với hai quốc gia khác trong khu vực là Trung Quốc (37,6) và Nhật Bản (44,4). Ngoài ra, lực lượng lao động tại Ấn Độ trong độ tuổi từ 15 đến 64 sẽ gia tăng, có xu hướng chiếm 67% tổng dân số vào 2020 (năm 2009 đã đạt mức 64%), trong khi lao động của Trung Quốc sẽ bắt đầu đi vào giai đoạn tụt giảm dần từ năm 2014 và theo dự báo của các chuyên gia dân số học thì đến năm 2050, nước này sẽ bị thiếu hụt lao động. Giới phân tích kinh tế châu Á tại Credit Suisse và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đều khẳng định rằng Ấn Độ đang sở hữu một nguồn tiềm năng nhân khẩu vô cùng lý tưởng để bứt phá mạnh mẽ trong vài ba thập niên tới vì chính lực lượng lao động trẻ dồi dào sẽ bổ sung trung bình 2% vào tỷ lệ tăng trưởng GDP hằng năm của nước này. Mặt khác, dân số trẻ còn góp phần tăng cường sức mua của thị trường nội địa. So sánh giữa năm 2006 và 2011, người ta nhận thấy chỉ số tiêu dùng bán lẻ tại Ấn Độ đã tăng gần gấp đôi, từ mức 549 tỉ USD lên 1,06 ngàn tỉ USD. Bên cạnh 200 triệu người thuộc nhóm tuổi 18 đến 25 hiện nay, đến năm 2030 sẽ có thêm 250 triệu thanh niên gia nhập lực lượng lao động nên sẽ có một đợt bùng nổ mới về nguồn thu nhập và tiêu thụ, mở ra vô số cơ hội cho giới bán lẻ thế giới.
Tuy nhiên, nếu dân số trẻ là một lợi thế để thúc đẩy tăng trưởng GDP thì tận dụng cho hiệu quả nguồn tiềm lực này là một thách thức vô cùng lớn cho các nhà lãnh đạo Ấn Độ vì hầu hết những người trẻ đều xuất thân từ những khu vực phát triển kinh tế còn yếu kém. Hiện nay, tỷ lệ nam giới Ấn Độ biết chữ chỉ khoảng 75%, thấp hơn hẳn con số hơn 90% của Trung Quốc. Hơn thế, đảm bảo cung cấp đủ việc làm cho thanh niên là một thách thức rất lớn khi Ấn Độ đang muốn từ bỏ hướng xuất khẩu sản phẩm đơn giản giá rẻ ra thế giới như Trung Quốc để đi theo hướng cung cấp dịch vụ có hàm lượng chất xám cao (tài chính, chứng khoán, phần mềm vi tính…). Một trong những hậu quả lớn nhất từ tình trạng thiếu việc làm chính là bất ổn xã hội. Nếu Chính phủ Ấn Độ không thể giải quyết tốt công ăn việc làm cho lực lượng lao động trẻ thì chuyện người dân nổi dậy chống lại chính quyền, tương tự những gì đang diễn ra tại thế giới Ả Rập trong thời gian qua, là điều có thể xảy ra.
Lâm Kiên theo CNBC