“Tuổi con người tất yếu phải tăng dần lên theo tháng năm, nhưng nó không thể cản trở một tâm hồn lúc nào cũng phơi phới đầy sức sống. Cô là một dấu lặng hết sức trầm tư kiên nhẫn khi dạy chúng con, nhưng cũng là một dấu thăng hết sức đam mê trong lúc phát tiết tài hoa… Đôi khi cô lại là một dấu giáng, chỉ để giúp cho chúng con bơi kịp dòng chảy của một bậc tiền bối lão luyện đang chờ đợi những tâm hồn đồng điệu từ kẻ hậu sinh…”. Những dòng này trích lược từ tấm thiệp mừng sinh nhật mà chị mỉm cười “khoe” khi tiếp chúng tôi tại nhà riêng.
Nằm khiêm nhường trong một con hẻm nhỏ trên đường Trần Quang Diệu, kế bên chùa Pháp Vân, chủ nhân ngôi nhà này luôn rộng cửa đón khách. Nắng chan hòa, tràn qua bậc cửa. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi dù lan man nhưng tựu trung cũng chỉ quanh quẩn từ chuyện đời sang chuyện nghề… Không giống như hình dung ban đầu, đằng sau vẻ bề ngoài mảnh dẻ là một trái tim nghệ sĩ “thổn thức” mỗi khi chạm đến những vấn đề xoay quanh âm nhạc dân tộc.
____
Duyên cớ nào đã đưa chị đến với âm nhạc dân tộc?
Tôi đến với đàn tranh cũng khá tình cờ. Hồi năm tôi 14 tuổi, Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn mới mở và tôi có một người chị theo học ở đó. Một lần theo chị đến trường, tôi cứ đi lang thang từ phòng nọ sang phòng kia, đến phòng đàn tranh là đứng chôn chân ở đó. Thực ra âm nhạc dân tộc rất gần gũi với mỗi con người Việt Nam chứ không chỉ riêng tôi. Đó là một thứ hạt giống ấp ủ trong lòng mỗi con người, chỉ cần có điều kiện thuận lợi là cựa mình vươn dậy. Mới lọt lòng là tiếng ầu ơ trong lời ru của mẹ, của bà. Lớn lên chút nữa là những bài đồng dao, rồi hò, lý… Riêng tôi là người may mắn vì có được sự ủng hộ từ gia đình, đặc biệt là mẹ tôi.
____
Nhưng dường như thứ “hạt giống” ấy ngày càng hiếm điều kiện thuận lợi để “nảy mầm” nếu không muốn nói là hiện nay các bạn trẻ không mặn mà với âm nhạc dân tộc…
Thực tế là như vậy. Điều quan trọng là các bạn trẻ có quá ít cơ hội gần gũi âm nhạc dân tộc. Muốn các bạn trẻ đi theo âm nhạc dân tộc thì trước hết phải làm họ hiểu rõ về nó. Cách đây nửa tháng, có một em sinh viên đến gặp tôi đề nghị giúp đỡ. Em nói nhóm của em còn 4 ngày nữa là sang Thụy Điển trong một chương trình giao lưu văn hóa. Em có đề xuất đem “dân ca đi đấm xứ người” nhưng không thể thuyết phục được các bạn trong nhóm. Đơn giản vì tất cả đều không có ý niệm gì về âm nhạc truyền thống. Sau đó tôi đã dẫn các em đến gặp Giáo sư Trần Văn Khê để nghe giới thiệu một cách khái quát. Còn tôi giúp các em thực hành một vài loại nhạc khí. Như vậy, không phải toàn bộ giới trẻ đều quay lưng lại với âm nhạc dân tộc. Vấn đề là không ai dạy cho các em cả.
Quyết định dấn bước trên con đường nghệ thuật chưa bao giờ làm tôi phải hối tiếc.
____
Phải chăng đó là lý do duy nhất?
Không hẳn vậy. Trở lại vấn đề là tại sao nhạc trẻ cuốn hút các bạn thanh niên. Dòng nhạc này có ưu thế là tiết tấu nhanh, sôi nổi, rất hợp với tuổi trẻ. Hơn nữa, cuộc sống bây giờ hối hả, gấp gáp. Người ta có quá nhiều thứ để lo lắng. Người ta bỏ tiền xem tấu hài, mua lấy tiếng cười cho đầu óc nhẹ nhõm. Đi làm về mệt nhoài khiến nhiều khán giả bây giờ “ngại” xem những chương trình đòi hỏi sự động não… Quỹ thời gian dành cho thưởng thức nghệ thuật mang tính hàn lâm hay những thú vui tao nhã đang lụi dần.
____
Phần đông những bạn trẻ cho rằng âm nhạc dân tộc đã lỗi thời…
Tôi tôn trọng sở thích của các em. Nhưng tôi cũng mong các em hiểu rằng có những cái mình chưa biết nên mình chưa thích. Thậm chí có những cái mình không thích mình cũng phải biết. Nếu có điều kiện ra nước ngoài, các em mới thấy người ta trân trọng âm nhạc của chúng ta như thế nào. Âm nhạc dân tộc chính là một yếu tố cấu thành bản sắc. Người ta trọng mình cũng vì lẽ đó.
Mặt khác, cái đúng không phải bao giờ cũng bắt đầu từ số đông. Tôi thích một câu nói đại ý rằng theo thời gian những gì còn lại là văn hóa.
____
Dường như ngay cả những nghệ sĩ đeo đuổi âm nhạc truyền thống cũng không còn tha thiết như trước kia do sự thúc bách từ những toan lo cơm áo…
Đúng. Người sống bằng tiếng đàn đếm trên đầu ngón tay. Không dưới một lần những bậc phụ huynh đã hỏi ý kiến tôi liệu con em họ có nên đi hẳn về con đường này hay không. Biết các em có khả năng phát triển nhưng tôi không dám trả lời, chỉ nói là nếu theo đuổi thì phải hy sinh nhiều lắm, gia đình có điều kiện nên cho em học song song một ngành nữa. Nghệ thuật nếu bị chi phối, không toàn tâm toàn ý, trước sau cũng chững lại.
Tuy nhiên, đây là tình trạng chung mà ngay cả các nước phương Tây cũng gặp phải. Chính phủ của họ đầu tư để nuôi dưỡng tất cả những bộ môn nghệ thuật mang tính hàn lâm. Giá trị của văn hóa phi vật thể lớn lắm, không thể định giá bằng tiền.
____
Nghĩa là chúng ta “bó tay”?
Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta đổ hết trách nhiệm lên nhà nước. Cách đây mấy năm, tôi được biết có một vị mạnh thường quân đã từng nuôi cả một dàn nhạc giao hưởng. Năm đầu tiên ông ấy bao 100% vé, năm thứ hai rút xuống 75%, năm kế tiếp còn phân nửa rồi cứ thế giảm dần cho đến khi dàn nhạc giữ chân được khán giả. Dịp kỷ niệm 300 năm Sài Gòn – Gia Định vừa rồi, ban tổ chức gom các nghệ sĩ trong thành phố, gấp rút tập luyện để biểu diễn, xong rồi thôi, ai về nhà nấy. Thật là tiếc. Nhìn sang các nước láng giềng, hầu như thành phố nào của họ cũng đều có một dàn nhạc dân tộc mà thấy sốt ruột quá.
____
Vậy nếu có một vị mạnh thường quân, chị cần bao nhiêu thời gian để “dựng” được một dàn nhạc?
Không quá một năm. Thực ra bản thân Tiếng hát Quê hương đã là một cái nền tương đối vững chắc rồi. Ban đàn tranh của câu lạc bộ này đã từng biểu diễn giao lưu với nhiều ban đàn tranh các nước như tại Nhạc hội đàn tranh châu Á năm 2000, Hội đàn tranh Singapore, Hội đàn tranh Hàn Quốc 2003… Gần đây nhất, đoàn đàn tranh Trường San Chi (Đài Bắc) đã đến Cung Văn hóa Lao động Thành phố xem Tiếng hát Quê hương sinh hoạt. Người ta đến với mình bằng văn hóa thì mình phải tiếp người ta bằng văn hóa.
____
Câu lạc bộ Tiếng hát Quê hương khởi đầu như thế nào?
Năm 1981, nhóm ca nhạc dân tộc Tiếng hát Quê hương ra đời là nhờ hai chị em Hải Yến và Hải Phượng. Hai con nói với tôi cho phép các bạn cùng trường Triệu Thị Trinh (Q.10) vào tập chung. Dần dần lớn mạnh, Tiếng hát quê hương chuyển địa điểm qua nhiều nơi như Nhà Thiếu nhi Thành phố, Trường Đuốc Sống… trước khi chính thức ổn định tại Cung Văn hóa Lao động như ngày hôm nay. Trong một buổi lễ của trường, các em đàn bài Quốc ca. Mọi người ngạc nhiên và xúc động lạ lùng. Không hiểu sao tôi vẫn cứ “lấn cấn” với ý nghĩ tại sao không sử dụng nhạc khí Việt Nam để hòa tấu quốc ca Việt Nam.
Tôi tin âm nhạc dân tộc làm lòng người ta dịu lại.
____
Là người hoạt động nghệ thuật từ khi đất nước chưa thống nhất, chị có thể mô tả sơ nét sự khác biệt về việc dạy âm nhạc truyền thống trước và sau giải phóng?
Nhìn từ góc độ đào tạo, Giáo trình của Trường Quốc gia âm nhạc và Kịch nghệ ngày đó chủ trương tuyệt đối chỉ dạy những điệu dân ca cổ Việt Nam và nhạc cổ điển Tây phương, loại trừ âm nhạc đương đại. Sau năm 1975, tỷ lệ được phân chia lại là 50/50. Ở khía cạnh thu nhập, đời sống nghệ sĩ lúc đó tương đối “dễ thở”. Bằng chứng là sự nở rộ của nhiều gánh hát hoặc nhóm đờn ca tài tử. Có thể là do thời đó chưa có nhiều phương tiện và loại hình giải trí như hiện nay.
____
Sống khá ổn bằng nghề. Phải chăng đó là lý do khiến chị “ ung dung” đầu tư cho sự nghiệp?
Tôi là người sống khá đơn giản. Công việc sáng tác cho đàn tranh là niềm hạnh phúc của tôi. Quyết định dấn bước trên con đường nghệ thuật chưa bao giờ làm tôi phải hối tiếc.
____
Dự định sắp tới của chị là gì?
Tôi ấp ủ viết một cuốn sách về Đàn Tranh, giải đáp mọi thắc mắc về loại nhạc khí này. Nước ngoài người ta đã làm xong từ lâu. Sốt ruột lắm nhưng mình cao tuổi rồi, chỉ sợ không còn kịp… (nén tiếng thở dài).
Được biết người bạn đời của chị là nhà thơ nổi tiếng Hải Phương, một thi sĩ với nhiều bài thơ rất hay về nhạc khí dân tộc. Tôi còn nhớ anh tả người thiếu nữ với tiếng đàn tranh u buồn bằng hai câu thơ đặc sắc:
Tay em ướp lệ bao giờ
Giọt rơi cung Oán, giọt chờ cung Ai
____
Nguồn cảm hứng này có lẽ xuất phát từ chính hình ảnh của vợ và hai con gái yêu?
Quả thật chồng tôi luôn có những cái nhìn đầy thi vị về những nhạc khí nhạc cụ dân tộc. Chẳng hạn như khi ngắm con gái cưng Hải Phượng ngồi đàn tỳ bà, anh đã ghi lại:
Dáng liễu ôm đàn xinh dáng liễu
Tay mềm lượn sóng bóng trăng rung
Bốn dây tơ mảnh mà chiêng trống
Mà vó câu dồn thuở kiếm cung
Hay khi nhìn người nghệ sĩ mới nghiêng cánh nhạn để chỉnh dây mà anh như đã nghe tiếng đàn tranh:
Lênh đênh mười sáu dây tình
Mới nghiêng cánh nhạn đã thành câu rao!
____
Trong bộ hồi ký của Giáo sư Trần Văn Khê, ông có nhắc đến một chi tiết là chị đã từng hỏi ý kiến ông khi nhận được giấy mời định cư theo diện đoàn tụ ở bên Mỹ. Nhưng giáo sư không nêu cụ thể lý do đã níu chân chị ở lại…
Thật tình hồi đó cũng khó khăn lắm. Chồng tôi muốn đi. Tôi và hai cô con gái muốn ở lại. Lúc đó tôi đã viết thư hỏi ý kiến thầy Khê. Thư hồi âm, Thầy nói sẽ không khuyên vì hoàn toàn tôn trọng quyết định của tôi. Thầy chỉ nói nếu tôi lựa chọn lý tưởng phụng sự âm nhạc dân tộc thì không ở đâu bằng đất nước mình. Cùng lúc đó thì nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cũng gọi điện cho tôi. Chú rất thương Tiếng hát Quê hương, hầu như các buổi diễn của chúng tôi, chú đều tới dự và động viên. Chú nói: “Ai cũng biết ba mẹ con Thúy Hoan rất tâm huyết với nhạc dân tộc, vậy mà bây giờ cũng tính bỏ đất nước ra đi thì mọi người sẽ nghĩ sao đây”. Và chúng tôi quyết định ở lại.
____
Có vẻ như chị là một người cầu toàn?
Đúng thế. Trong cuộc sống tôi rất dễ tính, nhưng trong nghệ thuật tôi rất khó tính, rất cầu toàn, đặc biệt là trong quá trình dạy học và sáng tác (cười). Cũng may là học trò hiểu và thương mình.
____
Công luận đã nói quá nhiều về sự xuống cấp của đạo đức xã hội, là một nghệ sĩ, chị có bao giờ nghĩ rằng âm nhạc dân tộc có tác động tích cực, khiến con người ta hướng thiện?
Tôi tin âm nhạc dân tộc làm lòng người ta dịu lại. Nhạc của chúng ta khá “hài hòa”, không quá vui và cũng không quá buồn, quá ảo não. Vui quá hại tâm, buồn quá hại can (cười).
____
Chúng ta vẫn luôn tự hào về kho tàng dân ca rất phong phú và có giá trị. Chị đã đi nhiều nơi trên thế giới, bạn bè quốc tế nghĩ sao về dân ca Việt Nam?
(Trầm ngâm) Người nước ngoài cân nhắc rất kỹ, đặc biệt là trong nghệ thuật. Quyết định gửi giấy mời cũng là cách gián tiếp họ thừa nhận âm nhạc của mình. Nhưng có một câu chuyện khiến tôi nhớ mãi. Đó là lần sang Đài Loan. Trước buổi tiệc chiêu đãi, chúng tôi cùng các giáo sư Nhật Bản, Hàn Quốc… đi tham quan một làng nghề gốm cao cấp.
Vào một căn nhà, biết chúng tôi là các cầm thủ, ông chủ nhà mang ra một cây cổ cầm và dạo một khúc dân ca địa phương. Sau khi thử dây, lần lượt từng người khảy đàn. Mỗi khi một giai điệu kết thúc, mọi người đều vỗ tay và gọi tên giai điệu đó. Đến phiên tôi, hết Trống cơm rồi Lý Ngựa Ô, không ai biết hết trơn. Họ vỗ tay theo phép lịch sự, làm mình cảm thấy buồn vô cùng.
Những bài dân ca của mình quen thuộc và hay như vậy mà vẫn không “bật” lên được. Rõ ràng âm nhạc truyền thống của chúng ta chưa được “tiếp thị” nghiêm túc. Về nước, tôi tâm sự với bạn bè và các học trò, thống nhất chọn bài Cò Lả để biểu diễn bất cứ khi nào có dịp. Chừng nào người ta quen thuộc với Cò Lả mới chuyển sang điệu khác. Từng bước một, chúng tôi muốn âm nhạc dân tộc được cả thế giới biết đến.
Tôi sợ đến một lúc nào đó, nếu người Việt mình muốn học nhạc dân tộc phải tìm đến những người thầy nước ngoài!!!
____
Đó có phải là chuyến đi đáng nhớ nhất của chị không?
(Lặng đi một lúc lâu) Không, lần sang Hàn Quốc biểu diễn… Người ta chuẩn bị công phu lắm. Tháng Mười diễn nhưng tôi đã nhận được giấy mời từ tháng Giêng. Trong là chồng con, ngoài là Thầy Khê, mọi người đều ủng hộ tôi đi. Thầy viết thư về nói rằng đấy không chỉ là vinh dự của cá nhân tôi mà còn là vinh dự cho cây đàn tranh Việt Nam nữa.
Nhưng sát ngày lên đường, căn bệnh tiểu đường của chồng tôi đột nhiên trở nặng, phải nhập viện. Nằm trên giường bệnh nhưng anh nhất quyết không cho tôi bỏ cuộc. Anh còn dặn tôi sang bên đó cố tìm loại sâm trắng mang về chữa bệnh cho anh. Dù đã lường trước nhưng có sang đến nơi tôi mới thấy sự chuẩn bị công phu của Ban tổ chức, mọi khâu từ quảng cáo đến bán vé đều đã hoàn tất.
Buổi tổng duyệt cuối cùng, tôi nhận được mail của Hải Yến, báo tin cha không còn nữa. Tôi bàng hoàng, cố kìm lòng để nước mắt không trào ra. Tôi yêu cầu Giáo sư Lee Chae Suk – Hội trưởng Hội đàn Kayagum giúp tôi đổi vé về sớm hơn một ngày. Buổi diễn thành công tốt đẹp, đài truyền hình mời thâu hình và tới dự tiệc chia tay. Ba giờ chiều hôm sau, thâu hình xong là Giáo sư Lee lái xe đưa tôi ra phi trường.
Chờ cân hành lý, tôi mới nói với bà ấy nguyên nhân buộc tôi phải về gấp là nhìn mặt chồng tôi lần cuối. Bà ấy sững sờ rồi ôm lấy tôi và cả hai cùng khóc… Bà nói: “Chúng tôi vô cùng cảm ơn và ngưỡng mộ giáo sư đã can đảm, chịu đựng, vượt lên nỗi đau cá nhân để buổi diễn trọn vẹn…”.
____
Xin được hỏi chị câu cuối cùng, dành cả cuộc đời theo đuổi âm nhạc dân tộc, đến giờ này còn điều gì khiến chị day dứt hay không?
Tôi có một người bạn Nhật Bản, cô Midori Thúy từng được Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn mời sang Việt Nam giảng dạy. Biết cô ấy dành thời gian học thêm đàn bầu, một số bạn Việt Nam tỏ ra rất ngạc nhiên, dường như họ nghĩ rằng đàn bầu có gì đâu mà học! Về nước, cô viết thư khoe với tôi được mời đi biểu diễn ở nhiều nơi trên khắp nước Nhật và đã “thâu nhận” ba đồ đệ, một người Ấn Độ, một người Pháp và một người Việt Nam. Đọc thư của cô ấy, thoạt đầu tôi vui lắm. Vui vì có thêm những người gắn bó với âm nhạc dân tộc Việt Nam. Nhưng liền sau đó là một nỗi sợ hãi mơ hồ cứ đeo đẳng tôi mãi. Tôi sợ đến một lúc nào đó, nếu người Việt mình muốn học nhạc dân tộc phải tìm đến những người thầy nước ngoài!!!
____
Xin được chia sẻ với chị suy nghĩ này và cảm ơn chị về cuộc trò chuyện.