Daniel You được biết đến với tư cách một họa sĩ tài năng thuộc trường phái siêu thực Pháp. Hội họa của ông là cái nhìn về con người đương đại, diễn tả tâm trạng đầy mâu thuẫn giữa hiện thực và những giấc mơ, thể hiện sự cân bằng giữa sức mạnh và cảm tính, giữa sự vận động và sự tĩnh tại… phảng phất triết lý phương Đông, với những suy tư bạo liệt nhưng tươi sáng về cuộc đời. Mối nhân duyên tình cờ, nhà thiết kế thời trang lừng danh Pierre Cardin đã giúp ông phát lộ một tư chất mới trong con người mình: một doanh nhân. Từ đó ông nhận trách nhiệm thiết kế toàn bộ hệ thống cửa hàng của Pierre Cardin trên toàn thế giới, đồng thời phụ trách kinh doanh cho hãng này tại thị trường Việt Nam.
Mang hai dòng máu Việt Nam và Pháp, Daniel You tinh tế, lịch lãm, pha chút hài hước, ông có vẻ rất cởi mở và khoáng đạt, mái tóc phiêu bồng và ánh nhìn mơ mộng. Nhưng khi nói về kinh doanh, ông đột ngột thay đổi, sắc bén và trầm tư hẳn. Vừa khai trương hai cửa hàng mới của Pierre Cardin tại TP.HCM và Hà Nội, ông đang tất bật chuẩn bị cho Gala từ thiện 2005 trong khuôn khổ tuần lễ Việt Nam – điểm hẹn của 5 giác quan với sự tham dự của ông Pierre Cardin.
____
Ông có thể cho biết rõ hơn về chương trình Gala từ thiện 2005 sẽ diễn ra vào ngày 14/10 sắp tới tại Khách sạn Sheraton Saigon?
Đây là chương trình biểu diễn thời trang của Pierre Cardin nhằm gây quỹ ủng hộ tổ chức Thận – Quà tặng của cuộc sống, nhằm giúp đỡ các trẻ em nghèo Việt Nam mắc bệnh về thận. Được sáng lập năm 2003, Quỹ tài trợ Quà tặng của cuộc sống đã được triển khai với sự giúp đỡ của Đại học Y khoa Toulouse cùng Hiệp hội Midi Pyrénees Santé của Pháp. Sự kết hợp này đã giúp Việt Nam thành công trong việc đào tạo những chuyên viên y tế, thành lập nhóm chuyên gia cấy ghép thận, và đã thực hiện thành công 5 ca ghép thận.
Một trăm bộ trang phục nói lên toàn bộ lịch sử thiết kế của Pierre Cardin sẽ được trình diễn tại đêm Gala, với sự tham gia của người mẫu Việt Nam và người mẫu châu Âu. Hiệp hội doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam và đích thân ông Pierre Cardin cùng ê kíp nghệ thuật của mình sẽ chủ trì đêm Gala, cùng một dạ tiệc ẩm thực do anh em nghệ nhân Pháp Jacques và Lauret Pourcel thực hiện.
Toàn bộ số tiền thu được từ Gala và bán hàng từ thiện sẽ được trao tặng cho Quỹ Món quà của cuộc sống. Một triển lãm ảnh với những thiết kế tuyệt vời nhất trong sự nghiệp của Pierre Cardin cũng được trưng bày tại Viện Trao đổi văn hóa với Pháp (IDECAF) vào thời điểm này.
Đối với Pierre Cardin, một thị trường đang phát triển như Việt Nam hấp dẫn hơn nhiều những thị trường đã ổn định như châu Âu, thậm chí cả Hoa Kỳ.
____
Thời gian đầu kinh doanh tại Việt Nam, khó khăn nhất với ông là gì?
Kinh doanh ở đâu cũng đều khó khăn cả, nhưng điều làm tôi buồn lòng nhất khi làm việc với các đối tác là có một số người không tuân thủ hợp đồng mua bản quyền. Việc mua quyền sử dụng thương hiệu chỉ có giá trị trong một thời gian, một lĩnh vực nào đó chứ không phải muốn làm gì cũng được. Một số người lại đòi hỏi ngoài phí bản quyền phải tính thêm tiền phần trăm hoa hồng, mà điều này tối kỵ với các công ty nước ngoài. Là người giám sát việc thực thi và bảo đảm về mặt chất lượng sản phẩm của nhãn hiệu Pierre Cardin đối với các nhà sản xuất Việt Nam, trách nhiệm của tôi rất nặng nề, nhất là trong một thị trường còn quá mới mẻ…
____
Pierre Cardin đã nhượng quyền cho hai nhà sản xuất của Việt Nam là An Phước và Savico, vì sao Pierre Cardin quyết định chọn hai nhà sản xuất này? Ông có thể cho biết những kết quả đầu tiên từ sự hợp tác đó?
Trước hết, chúng tôi chọn những nhà sản xuất đã có thương hiệu trên thị trường, và quan trọng nhất là chính họ thực sự mong muốn làm thế nào để đạt chỉ tiêu chất lượng nổi tiếng hơn, có tham vọng mở rộng thị trường trên toàn thế giới. Xây dựng thương hiệu là một quá trình lâu dài, có thể vài chục năm mới đứng vững trong lòng người tiêu dùng. Nhờ vào việc nhượng quyền sản xuất, Pierre Cardin sẽ cho phép nhà sản xuất Việt Nam đạt được sự nổi tiếng nhanh hơn.
Đó là một quá trình đầy sáng tạo, tận dụng được thế mạnh về nhân lực, nguyên liệu và kỹ thuật của Việt Nam. Hợp đồng nhượng quyền sản xuất có thể từ 2 đến 5-7 năm, dĩ nhiên phải dành cho họ thời gian để phát triển sản phẩm phù hợp với tiêu chí của mình, mang đến cho họ những mẫu mã phong phú, cùng sự hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất, yêu cầu chất lượng, chuyển giao công nghệ, gửi những kỹ thuật viên giỏi để huấn luyện đội ngũ… Chúng tôi sẽ được hưởng phần trăm từ doanh số bán ra, còn nguyên liệu thì nhà sản xuất tự tìm lấy. Hiện toàn bộ lãnh thổ Việt Nam chỉ có hai nhà sản xuất được nhượng quyền từ Pierre Cardin, đó là An Phước được quyền sản xuất những mẫu hàng áo sơ mi và đồ vest nam, còn Savico được quyền sản xuất một số trang phục phụ nữ và trẻ em.
Với An Phước, có thể nói một cách rất thành thực là những chiếc sơ mi, những bộ vest có chất lượng tương đương với sản phẩm cùng loại của Pierre Cardin trên thế giới cả về cách cắt may và hình dáng bộ trang phục. Đối với Savico, một thương hiệu mạnh có hệ thống phân phối rộng khắp, sự kết hợp với nhãn hiệu Em Paris (đã có 20 năm kinh nghiệm trong ngành thời trang Pháp để bổ trợ thêm về mặt kỹ thuật cắt, may) sẽ giúp cho các sản phẩm mang nhãn hiệu Pierre Cardin có thêm sự tao nhã, lịch lãm. So với một số nhãn hiệu thế giới, mức độ nhận biết của người Việt Nam với Pierre Cardin khá cao.
Hiện vốn đầu tư vẫn còn cao hơn nguồn thu được từ trước đến nay, nhưng điều chúng tôi quan tâm là làm thế nào chuyển giao công nghệ, chuyển giao sáng tạo, mang lại nhiều hơn nữa công ăn việc làm cho nước sở tại qua hình thức nhượng quyền. Đó thực sự là thương mại công bằng. Một đầu tư lâu dài không thể đạt được hiệu quả ngay trước mắt, tôi đặt hy vọng vào tương lai, mang lại những giấc mơ về thời trang cho người Việt Nam.
____
Vậy “thương mại công bằng” có phải là triết lý kinh doanh của Pierre Cardin trên toàn cầu?
Phương châm của Pierre Cardin là “Thời trang cho tất cả mọi người”, có nghĩa là làm thế nào để một sản phẩm thời trang cao cấp phải đến được với đại bộ phận công chúng, không chỉ riêng tầng lớp thượng lưu. Thời trang là cái chúng ta mơ ước, nhưng cũng phải làm cho ta với tới được. Và dĩ nhiên thành công của một nghệ sĩ là sáng tạo nghệ thuật ấy phải đến được với đại đa số công chúng, được công chúng ưa chuộng.
____
Pierre Cardin có quan tâm đến kích cỡ, gu thẩm mỹ của người châu Á, để có thể thiết kế những sản phẩm thích hợp hơn?
Dĩ nhiên chúng tôi có những nghiên cứu để làm những khuôn mẫu phù hợp với kích thước người Việt Nam, nhưng những mẫu trang phục của Pierre Cardin không quá ôm sát vào người, với chúng tôi, yếu tố quan trọng không phải là kích cỡ, mà là tạo dáng.
Từ khi bước sang kinh doanh, đúng là con người nghệ sĩ của tôi cũng giảm bớt đi, nhưng tôi nghĩ con người ta có những chu kỳ.
____
Đây là lần thứ tư nhà thiết kế thời trang Pierre Cardin sang thăm Việt Nam, ông có thể cho biết tình cảm, mong ước của Pierre Cardin đối với vùng đất này?
Trước hết, có thể nói châu Á luôn luôn là vùng đất hấp dẫn với Pierre Cardin, nhất là Việt Nam, nơi đã gắn kết lâu dài với nước Pháp cả về văn hóa, nghệ thuật và kinh tế. Pierre Cardin là người có trí tò mò bất tận, ham tìm hiểu, khám phá những vùng đất mới, và luôn thích là người tiên phong trong lĩnh vực của mình. Việt Nam là một nước dân số đông hơn nước Pháp, sức mua ngày càng lớn, sự đa dạng trong sở thích người tiêu dùng, khả năng thích ứng cao và sự tò mò, thích khám phá cái mới của người Việt đã lôi cuốn Pierre Cardin. Đối với ông, một thị trường đang phát triển như Việt Nam hấp dẫn hơn nhiều những thị trường đã ổn định như châu Âu, thậm chí cả Hoa Kỳ.
____
Ông có nhận xét gì về gu thẩm mỹ của người Việt Nam? Về đội ngũ thiết kế trẻ Việt Nam?
Đa dạng và rất gần với người Pháp. Đối với người làm thời trang, cái đẹp là sự thay đổi, tiến triển không ngừng để sáng tạo cái mới, thuyết phục mọi người chấp nhận cái mới. Có những khái niệm về thời trang cách đây vài năm không thể chấp nhận, nhưng bây giờ người ta mặc đầy đường, ngược lại có những trang phục vài năm trước rất thịnh hành thì bây giờ người ta nhảy dựng lên, không thể chấp nhận. Sự tìm kiếm cái đẹp luôn tạo hứng thú cho nhà tạo mẫu, sau đó tùy thuộc vào sự nhạy cảm, tinh tế của từng nghệ sĩ, để có thể cho ra đời những bộ thời trang mới.
Tôi không dám đánh giá đội ngũ thiết kế trẻ Việt Nam, bởi chúng tôi ngang bằng nhau về tư cách sáng tạo. Thế giới đủ rộng để đón nhận mọi phong cách, không thể áp đặt gu của mình cho người khác, bởi nếu thế mọi người sẽ mặc “đồng phục” hết. Tôi khâm phục những người dám làm, làm hết mình, đi tới cùng, tôi tôn trọng họ.
____
Mối nhân duyên nào đã đưa ông đến với Pierre Cardin và được giao trọng trách phát triển thị trường thời trang Việt Nam?
Trong cuộc triển lãm tranh tại tòa nhà Pierre Cardin vào năm 1991, tôi đã được gặp ông. Ông rất thích những tác phẩm của tôi, và đã mua khá nhiều. Sau đó ông đề nghị trở thành mạnh thường quân đỡ đầu cho tôi với những triển lãm tranh ở nhiều nước trên thế giới như bảo tàng lớn ở Thụy Sĩ, và tôi đã đoạt giải thưởng Họa sĩ xuất sắc trong năm của Viện Hàn lâm thể thao Mỹ (The United States Sports Academy).
Tôi bắt đầu bước vào kinh doanh từ việc quản lý những nhãn hiệu nước hoa Pierre Cardin, trang trí cho vở nhạc kịch của ông, và bước sang lĩnh vực thiết kế nội thất. Trong tôi có phân nửa dòng máu Việt (cha tôi người Việt, mẹ tôi người Pháp), đó cũng là lý do ông chọn tôi là Tổng giám đốc cho Pierre Cardin tại Việt Nam.
____
Là người gần gũi với Pierre Cardin, điều ông học được lớn nhất từ người thầy của mình là gì?
Khả năng sáng tạo, mà trước hết là vẻ đẹp của sự đơn giản. Sự đơn giản giúp cho Pierre Cardin sống mãi. Mang sự đơn giản đến với mọi người, ông tìm cách làm cho sản phẩm của mình thích nghi với sở thích người sẽ mua sản phẩm, và sản xuất với số lượng lớn mà vẫn bảo đảm tính đồng nhất về chất lượng. Ý tưởng của ông luôn có sự tham gia của nhiều người, bản thân ông rất nhiệt tình lắng nghe, chăm chú quan tâm đến người khác.
Chính sự ham tìm tòi đó đã giúp ông dễ dàng nắm bắt sở thích của số đông, từ đó có nhiều ý tưởng sáng tạo. Là người am tường nhiều lĩnh vực, mỗi lần gặp gỡ các nghệ sĩ, ông chỉ đàm đạo về hội họa, ca hát, mà rất ít khi nói đến thời trang. Trong đời thường, ông là người giản dị, tinh tế, giao tiếp với ông rất dễ dàng, y như sản phẩm của ông vậy. Hiện tại đã 83 tuổi, nhưng óc ham hiểu biết của ông vẫn như một chàng trai trẻ. Ông luôn đi khắp thế giới với một năng lực và tâm huyết đáng ngạc nhiên.
Trên thế giới hiện có 450 dòng sản phẩm khác nhau mang nhãn hiệu Pierre Cardin, trong đó có cả chén đĩa, đồ nội thất cho máy bay. Hiện ông đang nghiên cứu mẫu ô tô và sản phẩm mũ bảo hiểm. Pierre Cardin đang kinh doanh phong cách của mình, một phong cách tinh tế và đơn giản. Nhiều nhãn hiệu khi thương mại hóa thường bị mất đi cái hồn của nó, nhưng trong mỗi sản phẩm của Pierre Cardin luôn ẩn chứa tinh thần và tư tưởng của ông.
Mối quan hệ giữa Pierre Cardin và tôi không phải là quan hệ giữa ông chủ với người làm thuê, mà hoàn toàn xuất phát từ cơ sở tình bạn, bởi trước hết tôi là một nghệ sĩ chứ không phải là một doanh nhân. Chính nhân cách của Pierre Cardin đã ảnh hưởng sâu sắc đến mọi người xung quanh ông, trong đó có tôi.
____
Từ một họa sĩ, nhà thiết kế, nhà tổ chức biểu diễn, khi bước sang kinh doanh có bao giờ ông có cảm giác tự mâu thuẫn với chính mình?
Khi kinh doanh trách nhiệm sẽ lớn hơn nhiều, vì mỗi quyết định của mình ảnh hưởng đến tất cả mọi người trong công ty, còn khi là họa sĩ thì việc bán được hay không một bức tranh chỉ ảnh hưởng đến cá nhân hoặc gia đình mình. Trong hội họa, mình có thể bộc lộ cái tôi, bộc lộ tình cảm một cách tận cùng, chân thực, nhưng trong kinh doanh thì nhiều khi không thể để cho đối thủ biết mình đang nghĩ gì, làm gì. Lao động của một nghệ sĩ mang tính độc lập rất cao, vì thế nó quá riêng tư và không phải ai cũng có thể chia sẻ.
Còn kinh doanh lại cần sự hợp tác giữa nhiều bên mới có thể làm ăn được với nhau. Từ khi bước sang kinh doanh, đúng là con người nghệ sĩ của tôi cũng giảm bớt đi, nhưng tôi nghĩ con người ta có những chu kỳ. Lúc tôi tình cờ gặp Pierre, đó là thời gian tôi không có cảm hứng gì để nói trong nghệ thuật. Mà khi không có gì để nói thì thà im lặng, không vẽ còn hơn. Nhờ cuộc tao ngộ này, tôi có dịp thử sức mình trong nhiều lĩnh vực khác, điều đó giúp tôi phát hiện thêm về bản thân mình.
Nhờ kinh doanh, tôi được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa. Khi trở về Việt Nam, nơi tôi đã từng triển lãm, tôi có một cảm giác rất thân thương, quen thuộc, như thể mình đã sống ở đây từ rất lâu rồi. Tôi có thêm những kinh nghiệm mới, cảm xúc mới từ Việt Nam – quê hương thứ hai của mình, cảm xúc mạnh mẽ đến nỗi khiến tôi muốn vẽ trở lại. Tôi đang chuẩn bị cho triển lãm mới tại Paris vào sang năm. Mơ ước lớn nhất của tôi hiện nay là thành lập trường Thiết kế mỹ thuật và trang trí nội thất tại Việt Nam. Dự án này đã lập xong, chúng tôi sẽ mời những chuyên gia nước ngoài đến dạy cho sinh viên, còn về kỹ thuật có thể mời giáo viên Việt Nam và những nhà thiết kế Việt Nam cùng tham gia.
Phải luôn sáng tạo, giống như một trang giấy trắng, mỗi ngày phải viết ra một câu chuyện mới. Nỗi sợ lớn nhất với tôi là bị cạn ý tưởng.
____
Tình cảm của ông với mảnh đất này, nơi đã gợi cho ông những cảm hứng để có thể vẽ trở lại?
Không chỉ là phong cảnh, hương vị, mà chính là con người. Người châu Á thường ít khi bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc của mình, nhất là người Trung Quốc, Nhật Bản. Nhưng người Việt Nam hơi khác, từ chữ viết đến văn hóa cũng mang chất La tinh nhiều, cởi mở, nồng nhiệt, thân thiện hơn. Phụ nữ Việt Nam nữ tính hơn phụ nữ Pháp rất nhiều.
Trong khi phụ nữ Pháp đang có xu hướng ăn mặc giống đàn ông, đi giày bata, mặc quần bò, thì phụ nữ Việt lại rất trau chuốt. Tôi để ý thấy ngoài đường, phụ nữ đi xe máy thường xoay gương chiếu hậu vào trong để… soi gương! Trên đường phố của Pháp, nếu bạn cười với người phụ nữ nào đó, rất ít khi nhận được nụ cười đáp lại, còn ở Việt Nam đi đến đâu tôi cũng bắt gặp nụ cười…
____
Đảm nhận việc xây dựng hình ảnh cho chuỗi cửa hàng của Pierre Cardin trên toàn thế giới, thách thức lớn nhất với ông là gì?
Phải luôn sáng tạo, giống như một trang giấy trắng, mỗi ngày phải viết ra một câu chuyện mới. Nỗi sợ lớn nhất với tôi là bị cạn ý tưởng. Hiện tôi đang chuẩn bị những thiết kế hoàn toàn mới để thay đổi toàn bộ hình ảnh của các cửa hàng Pierre Cardin tại Paris và Mexico. Tạo sự nhận biết thống nhất cho khách hàng về phong cách của Pierre Cardin, nhưng ở mỗi nước, mỗi địa điểm, vị trí, đòi hỏi sự linh hoạt trong thiết kế và kiến trúc, để phù hợp với vẻ đẹp văn hóa của từng dân tộc.
Đó là một niềm hứng thú vô tận. Internet giúp cho mọi nhà thiết kế, từ châu Phi đến Việt Nam đều có thể tung sản phẩm của mình lên mạng và bán khắp nơi trên thế giới, nhưng ngược lại luôn phải đối đầu với việc bị nhái lại, rủi ro cao hơn. Để thoát khởi sự bị bắt chước, chẳng còn cách nào khác là phải luôn sáng tạo. Thực ra tôi cũng như tất cả mọi người, nếu không còn ước mơ nữa thì coi như đã chết.
____
Trong kinh doanh và cuộc sống, ông trọng điều gì nhất?
Phải luôn cố gắng tìm được sự cân bằng giữa âm – dương, giữa nhu và cương trong tất cả mọi lĩnh vực. Sống có niềm tin. Luôn tự xem xét lại bản thân mình. Biết coi trọng những mối quan hệ cởi mở, đơn giản, chân thật. Thời gian trôi nhanh lắm, hãy biết sống hết lòng với từng giây phút để đừng bao giờ phải nuối tiếc.
____
Ông định nghĩa thế nào về hạnh phúc?
Hạnh phúc là ngày mai, là tương lai, là cái mình sẽ có.