Anh có đôi bàn tay của một người lao động, bản lĩnh của người làm kinh doanh, và một trái tim đam mê. Giữa trưa, bước chân vào ngôi nhà anh ở nằm trong con hẻm nhỏ tràn ngập màu xanh, tôi thật sự ngỡ ngàng khi phát hiện ra một không gian văn hóa cùng những cổ vật mà anh yêu thích. Sách về cổ ngoạn cũng nhiều như những chiếc bình gốm, đồ đồng quý giá được anh cất giữ một cách hệ thống, bày la liệt từ ngoài vườn, trong nhà, đầy ắp trong cả phòng ngủ. Tay nâng niu các mảnh vỡ, anh bình phẩm về hoa văn, kiểu dáng độc đáo của từng chiếc bình…
Tìm đâu ra sự tương đồng giữa hình ảnh người giám đốc nhà in với một nhà sưu tập. Một con người luôn lao về phía trước, và một người tìm thú vui quay ngược thời gian… Chợt hiểu sự phân thân dữ dội trong anh chỉ là những trạng thái tinh thần khác nhau của một con người yêu mãnh liệt, đôi khi cũng cô đơn cùng cực. Phải chăng những dấu lặng này mới giúp anh giàu có thật sự, cân bằng thật sự. Đôi mắt phảng phất buồn, nét ưu tư kín đáo, giọng Thái Bình đặc sệt, phong thái giản dị và dễ mến.
____
Trong giới kinh doanh, anh nổi tiếng là người đổi mới, am tường kỹ thuật và công nghệ, với những bước đi đột phá mở ra thị trường mới trong ngành in?
Lúc tôi mới về, Nhà in Trần Phú như một con tàu ọp ẹp trước bão tố của cơ chế mới. Để con tàu khỏi đắm thì không còn cách nào khác là phải giảm tải, sắp xếp lại bộ máy và tổ chức lực lượng lao động. Chưa có cơ chế giải quyết chế độ cho người lao động, chúng tôi tự đặt ra phương án người ở lại phải thắt lưng buộc bụng để đền bù mỗi năm hai tháng lương cho người ra đi. Số tiền này không phải là nhỏ.
Sau đó, tôi đưa ra một loạt cải cách, khuyến khích người lao động giỏi, xây dựng lại đơn giá sản phẩm, trợ cấp thợ giỏi để thu hút người tài, khắc phục tình trạng cào bằng lâu nay làm triệt tiêu mọi năng lực sáng tạo… nhờ đó năng suất và chất lượng sản phẩm tăng lên gấp đôi, gấp ba so với năm trước. Số người giảm gần một nửa, khách hàng quay trở lại, nhà máy bắt đầu khởi sắc. Đầu tư công nghệ chỉ được thực hiện sau khi đã giải được bài toán về con người và chiến lược sản phẩm.
Tôi đã dùng thuật ngữ “đánh bắt xa bờ” cách đây hơn 10 năm. Đi nhiều nước, lùng sục vào các nhà in, tham khảo những ấn phẩm quốc tế, tiếp xúc với khách hàng nước ngoài, tôi nhận thấy thị trường các ấn phẩm, bao bì, nhãn hàng cao cấp sẽ bùng nổ trong thời gian tới mà trong nước chưa đáp ứng được. Chính nhờ những lần “đầu tiên” đầu tư đúng hướng đã mở ra nhiều luồng khách hàng mới và những hợp đồng lớn cho Trần Phú, thúc đẩy đầu tư tiếp theo, năm nào cũng từ 1 triệu đến trên dưới 5, 6 triệu USD.
Năm 1994 mua máy in bốn màu đầu tiên trị giá 1,2 triệu USD, năm 1995 mua máy in cuộn mới bốn màu đầu tiên của Việt Nam, năm 2000 mua chiếc máy in giấy couché cuộn đầu tiên giá lên đến 3,5 triệu euro… Thậm chí khi máy in bốn màu của một hãng CHLB Đức đang hoạt động tốt, tôi lại tìm mua máy của hãng khác có độ tinh xảo cao hơn. Anh em nhiều lần phản đối ầm ầm, có người cho rằng tôi điên khùng, hoặc quá phiêu lưu quàng lấy cái khó vào mình. Tôi vẫn lắng nghe ý kiến tất cả, cố gắng giải thích, nhưng không “quyết” theo số đông, mà theo những gì mình cho là đúng, vì mình là người nắm thông tin rõ nhất, đầy đủ nhất.
Cấp trên lo lắng cho rằng tôi quá mạo hiểm, nhưng tôi hiểu bài toán đầu tư rất phức tạp, phải nắm bắt được xu thế để tạo ra thị trường, chọn đúng thời cơ, xác định rõ quy mô đầu tư, chứ đầu tư sớm quá cũng chết. Ngược lại đầu tư vuốt đuôi, chạy theo thị trường thì càng chết. Đầu tư theo phong trào là điều cấm kỵ, vậy mà nhiều doanh nghiệp của chúng ta thường mắc phải, dẫn đến “chết chùm”, hoang phí. Lúc ấy tôi còn đang độ tuổi bốn mươi, sự nghiệp còn rất dài, nếu lo thì tôi là người lo đầu tiên.
Tính tôi từ xưa đến giờ rất kỹ, bởi đây là sinh mạng của cả một nhà máy chứ đâu chỉ riêng tôi? Chỉ hai năm sau, Trần Phú đã khai thác hết công suất của máy in couché bốn màu, và mua tiếp máy thứ hai, thứ ba, rồi những máy in cuộn cao cấp, khiến nhiều đối thủ cạnh tranh phải ngỡ ngàng. Hiện thu nhập của công nhân công ty tôi còn cao hơn cả công nhân in các nước trong khu vực, chỉ thua Singapore.
Tôi làm được, đứng được có lẽ nhờ “công tư phân minh, nghĩa tình trọn vẹn” với từng người lãnh đạo, từng người lao động…
____
Làm thế nào một người “xa xứ khác miền” như anh lại chấp nhận thách thức là “giám đốc bỏ phiếu” chứ không chịu là “giám đốc bổ nhiệm” như nhiều doanh nghiệp nhà nước khác?
Thực sự ban đầu tôi không muốn vào Nam vì gia đình đều đã ổn định ngoài Bắc, con thì còn nhỏ xíu. Ngay cả bố tôi cũng lo lắng vì tưởng rằng tôi bị kỷ luật nên mới từ cơ quan trung ương bị điều động về “địa phương”. Mới ba mươi mấy tuổi, để tồn tại trong một cơ chế như thế, ở thời điểm như thế quả là không dễ dàng. Tôi xin lãnh đạo Bộ VHTT được làm Phó Giám đốc kinh doanh một năm, nếu anh em tín nhiệm bỏ phiếu bầu tôi là giám đốc thì tôi sẽ ở lại, nếu không sẵn sàng ra đi.
Đến khi được anh em tín nhiệm, Bộ cho tôi quyền chọn ê kíp, tôi trả lời: “Ê kíp của tôi chính là anh em ở đây”. Tôi làm được, đứng được có lẽ nhờ “công tư phân minh, nghĩa tình trọn vẹn” với từng người lãnh đạo, từng người lao động… Giảm hơn 300 con người trong một công ty đâu có đơn giản, lại là người quen thân, đâu có xa lạ gì. Một mặt làm công tác tư tưởng cho những người không có nghiệp vụ hiểu và chia sẻ với khó khăn của công ty và khuyến khích họ tìm hướng đi mới phù hợp hơn.
Một mặt đề ra ba nguyên tắc: (1) Người ra đi phải làm đơn tự nguyện (2) Quản lý cơ sở phải bảo đảm rằng người đó ở lại không phù hợp nữa (3) Ban giám đốc, công đoàn phải xem xét từng trường hợp để tránh mâu thuẫn cá nhân làm chảy máu chất xám… Nhờ cách giải quyết có tình có lý như thế nên tôi đã được mọi người ủng hộ. Đến bây giờ thì anh em đều yêu quý và thấu hiểu tôi. Tôi cũng cảm thấy gắn bó ruột thịt với mảnh đất này và biết rằng đây là nơi mình có thể đóng góp được nhiều nhất.
____
Anh nghĩ gì về tính thời cơ trong làm ăn cũng như trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp?
Trong thâm tâm tôi muốn Trần Phú trở thành công ty cổ phần, để mọi người cùng góp vốn, cùng gánh vác trách nhiệm với công ty. Cổ phần trễ sẽ cản trở nội lực doanh nghiệp. Nhiều khách hàng nước ngoài đã từng hỏi tôi đây là công ty của ông phải không? Tôi đáp là công ty nhà nước 100%, nhưng làm việc theo tinh thần tự quyết là chính.
Tôi có thể nói chuyện thoải mái với khách hàng nước ngoài, giao dịch bằng thư điện tử về mọi hợp đồng và quyết ngay tại chỗ “được” hay “không”, chứ không chần chừ, tìm kế “hoãn binh”. Nhiều khi thời cơ chỉ đến trong tích tắc, phân vân chậm trễ một chút là bỏ lỡ bạc tỉ… Tôi nhớ mãi lần ký kết hợp đồng in trị giá hơn chục tỉ với một tạp chí mang tính giải trí của nước ngoài. Nhìn máy móc thiết bị, giá cả, họ hoàn toàn bị chinh phục, chỉ lo ngại về chuyện giấy phép.
Lẽ ra phải bảo đảm với họ vì đây là một sản phẩm có thể giải quyết thuận lợi về mặt thủ tục pháp lý, nhưng tôi lại trả lời… rất đúng theo luật rằng sẽ gặp phải thủ tục thế này, thế kia. Họ lập tức chuyển sang in ở Myanmar liền. Đau không chịu được. Tôi đã nhắc lại bài học xương máu này trong buổi thảo luận góp ý sửa đổi Luật xuất bản. Thời kỳ hội nhập quốc tế rồi mà cách làm luật của chúng ta vẫn một chiều, nhiều khi chỉ nghĩ đến thuận lợi cho người quản lý.
Luật pháp nước ngoài luôn đặt quyền lợi của công dân, của doanh nghiệp lên hàng đầu, sau đó mới tính đến khía cạnh quản lý nhà nước để bảo đảm cho sự phát triển đúng hướng. Họ còn có cả một điều khoản quy định rằng nếu pháp lý chưa rõ ràng, thì phải giải quyết thế nào có lợi nhất cho doanh nghiệp. Còn ở ta, luật pháp không nghiêm cũng chính là do cách xây dựng luật không minh bạch, mập mờ, vui nói thế này, buồn “bẻ” thế khác, doanh nghiệp chỉ biết kêu trời!
Thời kỳ hội nhập quốc tế rồi mà cách làm luật của chúng ta vẫn một chiều, nhiều khi chỉ nghĩ đến thuận lợi cho người quản lý.
____
Động cơ nào đã khiến một giám đốc như anh dám mạo hiểm, đi trước cơ chế như thế dù nhiều lúc gặp phải sự chống đối dữ dội?
Về mặt quản trị doanh nghiệp, giám đốc Nhà nước và giám đốc tư nhân cũng như nhau. Khác nhau là quan hệ sở hữu, tinh thần trách nhiệm, và điều đó quyết định tất cả. Khó khăn nhất với tôi là giai đoạn cần bứt phá để tạo thương hiệu bằng những giải pháp quản lý mà nhiều khi cơ chế chưa có hoặc chưa rõ ràng, thậm chí đụng chạm dữ dội. Khi phải quyết một điều trái ngược hẳn với mọi người, phương châm của tôi là nếu điều đó có lợi cho xã hội, cho công ty, cho mọi người thì cứ mạnh dạn làm và sẵn sàng chịu trách nhiệm.
Đó cũng là sự can đảm, là lương tâm của người lãnh đạo. Chắc doanh nhân nào cũng phải đối đầu với những lúc như thế chứ chẳng riêng gì tôi. Một người bình thường có thể về nhà ăn ngon, ngủ yên với gia đình, còn giám đốc về nhà ngủ có ngon đâu. Hai, ba giờ sáng bị đánh thức là chuyện bình thường. Nhưng quả thật so với giám đốc tư nhân thì giữa quyền hạn và trách nhiệm là không tương xứng. Cái nhìn của xã hội về doanh nhân cũng chưa được trân trọng. Báo chí hàng ngày đề cập rất nhiều đến những giám đốc phạm tội, nhưng thiếu những bài viết chia sẻ khó khăn, trăn trở với công việc thể hiện tinh thần của doanh nhân.
Để thành đạt, doanh nhân phải phấn đấu rất nhiều. Các cụ đã nói: “Một người lo bằng một kho người làm”, kiếm một doanh nhân giỏi đâu phải dễ dàng. Việt Nam đã từng có nhiều doanh nhân giỏi, và ở một cơ chế nào đó mới có thể xuất hiện nhiều doanh nhân giỏi, điều đó phụ thuộc vào cách cư xử, đánh giá, môi trường pháp lý của xã hội. Là doanh nhân khổ lắm, vừa phải chăm lo đời sống anh em, vừa phải đối phó với pháp luật, mà hai điều này nhiều khi không “đi” với nhau.
____
Anh còn nổi tiếng trong giới doanh nhân với bộ sưu tập đồ gốm công phu, thú vui này cũng lại rất… phiêu lưu? Anh đã tìm thấy những triết lý nhân sinh nào không?
Tôi bắt đầu sưu tầm từ sáu năm nay. Mỗi khi ngắm một bức tranh đẹp, một chiếc bình gốm cổ, tôi thấy lòng nhẹ nhõm, thanh thản. Muốn chơi đồ cổ phải đọc rất nhiều, nhờ thế tôi có thêm kiến thức về lịch sử, nhân văn. Có lần ra công tác Hà Nội, trời chập tối nghe người ta mách ở vùng hẻo lánh của Thanh Hóa có một đồ gốm quý, tôi lập tức bỏ cả cơm nước lên đường. Vượt qua mấy trăm cây số, 4 giờ sáng đến nơi mới biết mình bị lừa. Vừa thất vọng, vừa đói, thấy mấy bắp ngô sống treo lủng lẳng ngoài chuồng trâu, tôi chộp lấy nhai ngấu nghiến.
Chưa bao giờ tôi ăn cái gì mà cảm thấy ngon như thế (cười giòn tan). Tôi say mê đồ gốm đến mức một mảnh vỡ cũng mua, và điều kỳ lạ là đã nhiều lần tôi tìm thấy mảnh vỡ thứ hai của chiếc bình, lắp vào y chang, dù một mảnh trong Nam, một mảnh ở tận ngoài Bắc… Kinh doanh luôn cuốn mình đi, có lúc say mê quá tôi không thể cưỡng lại được, nhưng nhiều khi quá mệt mỏi cũng thèm có thời gian để tĩnh lại, kìm hãm bớt sự hăng hái của mình. Con người rất cần những khoảng lặng.
Mỗi chiếc bình cổ là sự kết tinh của nghệ thuật, của kiến trúc và hội họa, văn hóa từng thời kỳ. Tôi đặc biệt yêu thích gốm thời Lý – Trần, thời kỳ rực rỡ nhất của văn hóa Phật giáo Việt Nam, thích tìm hiểu về những bậc tiền bối có công cao đức dày, để thấm nhuần đức độ và tính nhân văn, tu tâm và hoàn thiện mình thêm một chút. Tôi cũng muốn hướng con cái vào việc tìm hiểu đời sống tâm linh, lịch sử, văn hóa dân tộc. Tất nhiên không thể đòi hỏi tuổi trẻ phải như mình, nhưng nếu không duy trì hướng dẫn, cứ để con chạy theo những gì trước mắt mà lãng quên quá khứ sẽ rất bất lợi cho con cái sau này.
Dù công việc bận rộn tôi vẫn dành thời gian gặp gỡ bạn bè, đi du lịch và giải trí lành mạnh. Mồ côi mẹ từ nhỏ nên nhiều lúc tôi rất ít nói, sống khép kín. Đến khi lớn lên tôi cũng hay rơi vào những chu kỳ trầm cảm, buồn nhớ vu vơ. Những lúc như thế phải tự tìm cách thoát ra, đến với những môi trường mới lạ, tìm lại sự lạc quan. Đi nhiều, đọc nhiều, cố gắng thu thập vốn sống cho mình cũng là cách để đối đầu với những khó khăn.
____
Suy nghĩ của anh về đồng tiền?
Vẫn biết cuộc sống không thể thiếu tiền, nhưng tôi không quá coi trọng đồng tiền. Tôi nghĩ nhiều tiền quá chưa chắc đã hay. Cuộc đời tôi nếu không có một tuổi thơ quá khổ cực, chắc gì đã có hôm nay. Tham vọng con người là vô hạn, đừng để lòng tham lôi kéo mình đi đến mức không kiềm chế được. Chính vì thế mà tôi rất nghiêm khắc với con cái, không chiều theo ý thích của con, vì như thế các cháu sẽ rất dễ hư.
____
Theo anh kinh doanh có cần sự lãng mạn?
Rất cần, vì kinh doanh là nghệ thuật. Tôi là người rất lãng mạn, quan tâm đến cái đẹp, đến sự thưởng ngoạn cái đẹp. Kinh doanh đẹp và có văn hóa thì sự thành công mới bền vững, có ý nghĩa.
Tôi luôn tiếp nhận những ưu việt của miền đất khác để hoàn thiện mình. Bây giờ thì trong tôi có 50% là người Thái Bình và 50% là người Sài Gòn.
____
Đam mê công việc, đam mê đồ cổ, vậy trong tình yêu anh là người như thế nào?
Đã yêu là yêu hết mình. Tôi yêu ghét rạch ròi, không giấu được lòng mình, nên mọi người cũng rất dễ cảm nhận. Sống mà không có cảm xúc, không yêu thì khó có thể dâng hiến được nhiều, cả về tình cảm, sức lực, trí tuệ… Tình yêu là nguồn cảm hứng cho mọi sáng tạo. Tình yêu đòi hỏi sự tự nguyện. Khi đã yêu quý rồi thì không thể làm điều gì xấu, cho đi mà không đòi hỏi nhận lại, thậm chí còn cố gắng vượt quá cả sức mình.
____
Đến bây giờ anh thấy mình có bao nhiêu phần trăm là người Sài Gòn và bao nhiêu phần trăm là người Thái Bình? Tính cách phiêu lưu, quyết liệt của anh được hình thành từ khi nào?
Tôi sinh ra từ làng quê nghèo, yêu một tuổi thơ lam lũ nhưng thật đẹp. Quê tôi đồng chiêm nước trũng, ngày xưa quanh năm mất mùa đói kém, là nơi bị ảnh hưởng nặng nhất của chất độc màu da cam, vì Thái Bình là vựa lúa và cũng là vựa người, con em đi bộ đội nhiều. Mấy ngày qua còn bị bão lũ tràn về cuốn trôi bao cánh đồng sắp vào mùa gặt, trong lòng tôi lại canh cánh nỗi lo, muốn làm gì ngay cho quê hương mình.
Dù có đi đâu thì khi trở về, tôi vẫn giữ nguyên giọng nói, cách cư xử của người Thái Bình. Mỗi lần tôi về quê, các cụ trong làng quý lắm, kéo sang chơi đầy nhà. Nhưng tôi vẫn buồn vì rất nhiều người Thái Bình chỉ đến khi thoát ly khỏi quê mới thành đạt… Phải chăng Thái Bình cần một cơ chế, một môi trường tốt hơn cho các doanh nghiệp, cho các nhà đầu tư…
Mỗi vùng có một đặc thù riêng, tôi luôn tiếp nhận những ưu việt của miền đất khác để hoàn thiện mình. Bây giờ thì trong tôi có 50% là người Thái Bình và 50% là người Sài Gòn (cười)… Nỗi ám ảnh lớn nhất thời thơ ấu của tôi là làm sao cho đời mình hết nghèo, hết khổ. Mẹ tôi là người làm ăn giỏi, nhưng tôi mồ côi mẹ từ năm mới lên bảy tuổi, nên lúc nào cũng khát khao tình mẹ. Tôi đã phải chăn trâu, cắt cỏ, làm hết mọi việc đồng áng để phụ giúp gia đình.
Chưa vào lớp một, tôi đã tự học và đọc được chữ quốc ngữ, bập bẹ chữ nho ngoài đình. Học giỏi và được chọn vào đội tuyển toán của trường, thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc, nhưng đã có lúc tôi định bỏ học để kiếm sống vì gia đình khổ quá. Cũng may bố tôi nhất quyết không cho. Tôi là người chịu khó, không muốn thua kém người khác, rất ham hiểu biết và luôn muốn là người dẫn đầu. Tôi rất biết ơn cha mẹ, những thầy cô đã từng dạy dỗ tôi, động viên, khuyến khích tôi vượt qua những khó khăn và mặc cảm thời niên thiếu, để tôi được nên người như ngày nay.
Được đi du học tại Liên Xô về quản lý ngành in, tôi muốn chứng tỏ rằng người Việt Nam học hành cũng chẳng thua kém ai và cố gắng đạt bằng đỏ (bằng loại ưu), mang lại thành quả tốt nhất mà mình có thể. Nhưng tôi không phải là người ham danh vọng, chức quyền… Kinh doanh là một nghề mạo hiểm. Nếu không muốn mạo hiểm nữa thì đừng làm kinh doanh.