Chị bạn thân của tôi một hôm đến chơi. Chị ngày trước có chức vụ khá lớn, con nhà cách mạng nòi, có cha ông làm lớn trong tỉnh, kinh tế, nhà cửa khá. Hai đứa con du học cả hai. Chị nói: “Bây giờ em bán đất hết đi, có đồng nào thu gom cho con học tiếp, chứ cuộc sống bây giờ… nguy hiểm và chán quá”.
Bà xã tôi cười lớn: “Chị ơi, cẩn thận không lại bị quy là… tự diễn biến bây giờ đó. Đủ ăn đủ mặc, lo cho con cái học hành, có gì phải chịu khổ đâu mà cũng than. Em thấy nhiều cụ hưu trí ai cũng nhà to cửa lớn mà hễ đám giỗ đám tiệc là thi nhau nói, than thở, bức xúc cái này cái kia. Sản phẩm của các cụ chứ ai? Làm như mình vô sự…”.
Nghe chuyện nhà “chuyển hướng chính trị” nên tôi tham gia bằng câu: “Chị có khỏe không?” (một câu chung chung nhất để đối ngoại hoặc khi không có chuyện gì để nói, nhưng lại rất hiệu quả nhé).
Chị kể ngay: “Ông xã chị bị tiểu đường, chị thì tim mạch, chẳng ăn gì thấy ngon. Sụt đến hơn mười ký lô”. Bà xã tôi “tham chiến”: “Chết, sụt ký là một trong dấu hiệu của ung thư đó (lại đem ung thư ra dọa). Chị đã đi bệnh viện khám chưa? Tim mạch hả, theo em là ông bác sĩ X…”.
Chị bạn cắt ngay lời: “Đi cả chục bác sĩ rồi, mỗi ông phán một kiểu, mà đến ông nào cũng việc đầu tiên là phát cho mình một mớ giấy đi xét nghiệm, xòe ra như bộ bài Tiến lên! Thuốc thì cả ngày canh giờ để uống.
Trong nhà lủ khủ mật ong, nghệ, trái nhàu, bây giờ sang thuốc Mỹ thuốc Pháp. Khổ dễ sợ”. Tôi hối hận là đã khui đề tài các cụ ra, nên chuyển hướng: “Các cháu nghe nói học giỏi lắm hả chị?”.
- Xem thêm: Con tàu đắm
Đòn này quả nhiên phát huy tác dụng, chị bạn tươi hẳn lên: “Chúng giỏi lắm, được giải thưởng luôn đó, đi làm thêm ở những công ty gì xịn lắm tên Tây chị quên rồi…”. Các con chị rất ngoan và tình cảm. Nhất là đứa con gái đã lớn mà cứ ôm lấy mẹ hôn má chùn chụt. Bây giờ các cô cậu đều sắp về nước.
Chị nói: “Nếu mà chúng xin được việc bên đó, mình sang sống với chúng, bế con quét nhà cho chúng, đó là kế hoạch đời già cuối cùng của chị đó các em ạ…”.
Thế là hết hình ảnh một bà cán bộ cơ quan ngày xưa diễn thuyết phát biểu cả hội trường lắng nghe. Về hưu một cái là khác liền. “Người mới vào, họ có biết mình là ai đâu.
Thời mình làm khổ nghèo chết cha, bây giờ lãnh đạo mới khôn lắm, chia chác nhiều, đủ các thứ quỹ. Mà họ nhàn lắm, chẳng có đi cơ sở như mình ngày xưa chăm chỉ đâu. Giờ làm việc mà họ cũng đi nhậu, đi lo việc riêng.
Dễ lắm, cẩn thận thì ghé qua văn phòng thò cổ vào nói với cô nhân viên: “Anh ra đây có chút việc nhé”. Rồi biến luôn có khi. Chẳng có ai lại dở hơi mà hỏi đi đâu”.
Nghe chị bạn than vãn về cuộc sống và kế hoạch tuổi già giờ đây mũ mão danh hiệu chức tước vứt hết, chỉ còn mơ được hầu con (cứ như một bà nội trợ ít học), bà xã tôi nói: “Bọn em thì tính toán khác, cứ sống cứ lo cho con cái, để cho của không có, thì cho tri thức.
Rồi nếu về già là chuyện khác. Còn cả vợ chồng thì nương dựa nhau, ai chết trước thì sướng. Còn ai chết sau thì vào nhà dưỡng lão, chứ không ở với con. Không phải con bất hiếu, mà là con mình sẽ sống kiểu khác. Ở với con cái thì cả hai bên đều khổ. Phải để dành tiền chị ạ”.
Chị bạn giãy nảy: “Cô đừng tính vậy. Không phải nhà y tế như bên Mỹ đâu, họ gọi là “Nurse house” hay sao đó. Cô đã đi thăm người già cô đơn trong các trại tế bần ở ta chưa? Kinh hoàng lắm, có người ăn chẳng được mấy, suốt ngày hoang tưởng trông chờ con cháu vào thăm…”.
- Xem thêm: Chuyện “nấu cơm”
Bà xã tôi nói: “Đó là trận đánh cuối cùng của đời người. Những ông bà nào thề thốt chiến đấu đến hơi thở cuối cùng thì không biết sao, chứ như em, những ngày đó mới khủng khiếp hơn cả đói nghèo, chiến tranh, bom đạn hay chịu nạn tham nhũng độc đoán, xã hội tiêu cực, lòng người đổi thay. Người già sống bằng tinh thần, có tốn thì tốn tiền thuốc chứ ăn có bao nhiêu.
Họ khổ vì phải nhìn thấy cái xã hội lý tưởng mà mình xả thân nay lại không như mình muốn. Do đó, nhà cửa con cái đàng hoàng mà các cụ về hưu bức xúc. Là vì họ đâu chỉ cần mình ăn no, nhà cửa mà đủ. Có ông còn nhắc cả câu của Nguyễn Khải, đại ý là trí thức biết buồn nỗi buồn của người khác.
Cho nên, “âm mưu cuối cùng” của em là vào viện dưỡng lão, sẽ tránh được nhiều thứ, như đi tu. Bây giờ có nhiều loại viện dưỡng lão lắm, nếu có tiền thì vẫn sống được”.
Tôi nghe chuyện các bà tính toán tiêu cực, bỗng buồn cười chợt vận vào câu thơ: “Giấc mơ con, đè nát cuộc đời… to”.