Hai ông bà chênh nhau một tuổi, nghỉ hưu cách nhau bốn năm, con cái có gia đình riêng sống ở thành phố. Từ khi nghỉ hưu, thỉnh thoảng bà lại đi thăm con.
Ông đã quen với việc bà ở lại với con cháu hằng tháng, coi là “chuyện nhỏ” khi phải tự lo cơm nước một mình. Ông cũng biết con cháu cần bà. Lên thành phố, bà còn cực gấp mấy lần ở nhà với ông, hai vợ chồng già ăn uống thật đơn giản.
Nghe bà kể chuyện một cảnh hai quê, năm ra vô thành phố có khi bảy, tám lần, người bạn hỏi một câu rất không… bình đẳng giới: “Bồ đi vậy ai nấu cơm cho ổng ăn?”.
Bà hỏi lại nhanh: “Mắc mớ gì phải nấu cơm cho ổng ăn. Tôi về hưu, ông ấy cũng về hưu. Tay chân lành lặn, khỏe mạnh, mỗi việc nấu cơm mà cũng cần người chuyên trách sao?”. Rồi cả hai cười xòa theo nghĩa nói đùa.
- Xem thêm: Chuyện cái bếp
Tuy trả lời cứng vậy, nhưng trên đường về nhà bà suy nghĩ nhiều về câu nói của bạn. Hai từ “nấu cơm” không chỉ đơn thuần là việc nấu bữa cơm mà thể hiện vai trò của người phụ nữ trong gia đình.
Vừa là vợ, vừa bầu bạn, lại tay hòm chìa khóa… Tóm lại, “nấu cơm” hiểu theo nghĩa rộng là nhiệm vụ của một “mama tổng quản”.
Như vậy, bình đẳng cho phụ nữ thế nào đây khi chính bà cũng cảm thấy áy náy từ câu hỏi của bạn (mà lâu nay bà không nghĩ tới vì nhiệm vụ và công việc cứ cuốn lấy bà).
Mình bỏ ổng đi như vậy không đúng lắm dù ổng chưa bao giờ than phiền việc phải tự nấu cơm, rửa chén, quét nhà một mình một bóng.
Thêm nữa, bà phải thú nhận rằng ở với con cháu vui hơn ở với ông chồng. Vui ở đây còn có nghĩa hợp lý. Con gái cần bà giúp đỡ, cháu ngoại thích chơi với bà, có bà kể chuyện, chăm bón miếng ăn…
Về nhà với ông một tuần bà lại muốn đi. Nhà rộng, hai ông bà ra vô có khi cả ngày nói với nhau vài câu; rồi bà ôm iPad, ông thì tivi hay làm vài ly với bạn bè. Trong khi đó, căn hộ chung cư kia lúc nào cũng rộn rã tiếng trẻ thơ, làm gì có chuyện rảnh quá như ở nhà.
Ngay mẹ của bà cũng thế, hôm bà đến thăm cụ, câu đầu tiên cụ hỏi: “Con đi lâu như vậy chồng con ở nhà cơm nước ra sao, ai đi chợ?”.
Thời trẻ bà cụ đã dạy con gái phải luôn chu đáo với chồng. Con gái đến tuổi nghỉ hưu rồi mà cụ vẫn băn khoăn con chưa làm tròn bổn phận người vợ.
Dù cụ dư biết ở thành phố, các cháu ngoại, cháu cố của cụ rất cần sự giúp đỡ của người mẹ, người bà chúng nó. Bà cụ tuổi cao lắm rồi mà còn minh mẫn để áy náy giùm cho hoàn cảnh con gái.
Cụ nhớ lại, một thời tất bật vì các con khi chúng đi làm công sở. Trông nom cháu ngoại, nấu cơm cho gia đình con gái, nuôi con gái, con dâu sinh nở…, nhưng còn phải lo cho ông chồng mâm bát đầy đủ nữa.
- Xem thêm: Bây giờ thứ gì cũng tiện
Các cô thời nay nghe chuyện như vậy lập tức giãy nảy lên, dứt khoát không chấp nhận quan niệm phụ nữ phải suốt đời loay hoay xó bếp.
Nhưng các bà mẹ thời nay cũng hiểu – đó chỉ là phản ứng tức thời, sâu xa hơn ý các cô là muốn phụ nữ phải được chồng tôn trọng, được thương yêu, chiều chuộng kiểu phụ nữ phương Tây. Rồi các bà mẹ thủng thỉnh phân tích.
Chuyện bếp núc ngày nay đã khác hẳn, đặc biệt là nhờ sự hỗ trợ của các thiết bị, đồ dùng nhà bếp hiện đại.
Chỉ cần chút khéo léo, người phụ nữ dễ dàng “quản lý” cái bếp mà không tốn nhiều công sức. Cũng không khác người lãnh đạo giỏi biết điều hành công việc của mình.
Phụ nữ ngày nay có thể ngồi cà phê với bạn, lên “phây”, làm “bà tám” đủ chuyện nhưng vẫn lo được bữa ăn ngon, cơm nóng canh sốt cho chồng con! Đó cũng là cách tự tạo bình đẳng giới vậy.