Bốn mươi lăm bức tranh sơn dầu của họa sĩ Dương Sen tại triển lãm “Làng quê Việt” (Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, 218A Pasteur, Q.3, từ 28-7 đến 4-8-2014) là thành quả của một hành trình đi qua nhiều địa phương từ Bắc chí Nam, qua đó tác giả ghi lại những cảm xúc của mình trước cảnh sắc thiên nhiên và cuộc sống ở những miền quê yên bình.
Cho tới cận kề ngày khai mạc triển lãm, họa sĩ Dương Sen vẫn chăm chút “tút” lại những chiếc khung tranh sao cho hợp với tác phẩm. Ông đã vẽ loạt tranh này trong nhiều tháng, từ năm ngoái tới những ngày gần đây. Theo lời họa sĩ thổ lộ, qua các chuyến đi thực tế sáng tác, ông có cơ hội nhìn ngắm biết bao cảnh đẹp ở những miền quê dọc dài đất nước, rất có thể những gì ông thấy được ngày hôm nay rồi sẽ biến mất mãi mãi bởi nhiều nguyên nhân: do bàn tay con người vô tình hay cố ý hủy hoại, do quá trình phát triển đất nước, đô thị hóa… “Nhiều chiếc cổng làng cổ kính ở nông thôn miền Bắc nay không còn nữa vì phải mở rộng đường làng, hay những chiếc cầu khỉ đặc trưng một thời ở nông thôn miền Nam cũng dần được thay thế bằng cầu bê tông. Tôi đã ghi chép, ký họa những hình ảnh ấy để vẽ loạt tranh này”, Dương Sen nói.
Đó là con đường chạy qua thôn xóm ở vùng quê Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa… với những mái nhà ngói đỏ nấp dưới bóng cây, đụn rơm vàng và cái cổng làng thân thuộc tự bao đời với người nông dân. Là dáng núi chập chùng ở vùng đất Ninh Bình, nơi có danh thắng Tam Cốc, Bích Động. Là cái ao làng với những nếp nhà quần tụ bên bờ ao và chiếc cầu ao không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày ở vùng nông thôn Hà Tĩnh. Là rặng tre xanh hiền hòa ở Quảng Bình mà bóng mát tỏa ra như che chở những đời người sống bên dưới nó. Là chính nơi chôn nhau cắt rốn của tác giảở một làng quê tại Quỳnh Đôi, Nghệ An – một ngôi nhà ngói cổ kính với giếng nước, hàng cau vươn lên bầu trời và những luống hoa đang nở rộ ngoài sân vườn… Xuôi vào phía Nam, tác giả đã vẽ tháp Chăm ở thánh địa Mỹ Sơn của Quảng Nam; những ngôi nhà cổ kính của Hội An… nhưng nhiều nhất là cảnh và người nhiều địa phương miền Tây Nam bộ: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… mà theo ông đây là sự tiếp nối của loạt tranh “Phong cảnh miền Tây” từng được triển lãm cách đây gần tròn hai năm cũng tại địa chỉ mỹ thuật này. Lập nghiệp ở miền Nam từ nhiều năm nay, đối với họa sĩ thì hình ảnh các miền đất vùng châu thổ phương Nam, những kênh rạch ở Năm Căn um tùm cây mắm, cây đước; những bến nước ở Bạc Liêu tấp nập ghe thuyền; những nhà bè nuôi cá ở An Giang… cũng lay động tâm hồn ông như chính quê hương bản quán.
Những bức tranh mới của Dương Sen được trau chuốt về mặt kỹ thuật, cách vẽ bằng dao của ông khá điêu luyện, nhìn gần chỉ thấy những vết, những nét màu quyện chặt vào nhau trên một bảng màu được phối sinh động nhưng lui ra xa thì rõ từng chi tiết trong tranh. Tuy nhiên, nhìn chung về bố cục tranh dễ thấy hơi đều đặn. Có lẽ đó là một chút gợn khi xem phòng tranh ấm áp tình cảm quê nhà này.
- Diên Vỹ