Dù diễn ra ngắn ngày, triển lãm của cố họa sĩ Trần Trung Tín (tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, 97A Phó Đức Chính, Q.1) vẫn đọng lại nhiều cảm xúc cho người xem.
Trước hết, đây là dịp để những người yêu mến hội họa Trần Trung Tín được ngắm nhìn “mãn nhãn” các tác phẩm của ông – loạt tranh sơn dầu trên giấy được vẽ trong những năm 1970, khi còn chiến tranh cũng như sau ngày hòa bình, một giai đoạn đầy khó khăn nhưng người nghệ sĩ tự học vẽ vẫn vẽ được những bức tranh biểu hiện xuất sắc “bậc nhất Việt Nam” như đánh giá của nhà phê bình nghệ thuật Sherry Buchanan, tác giả cuốn sách Trần Trung Tín: Tranh và thơ từ Việt Nam (Tran Trung Tin: Paintings and Poems from Vietnam) được Asia Ink xuất bản vào năm 2002 khi triển lãm tranh Trần Trung Tín được tổ chức tại Bảo tàng British Museum ở London. Bà Sherry Buchanan còn gọi Trần Trung Tín như một “Edvard Munch của Hà Nội” trong những năm tháng ông sống và vẽ dưới bom đạn chiến tranh. Lần này, hơn 40 tác phẩm của Trần Trung Tín được trưng bày, trong số đó có những bức đã thuộc về một bộ sưu tập ở Singapore.
Bên cạnh tranh Trần Trung Tín là 33 tác phẩm hội họa và sắp đặt của sáu họa sĩ Nhật Bản: Aki Miwa, Yumiko Nomiyama, Hiroko Aoki, Toshiro Yamaguchi, Kinya Nakatani và Makoto Aoki. Nguyên do của sự kết nối này là từ hơn 10 năm qua, sau triển lãm đầu tiên của bốn họa sĩ Nhật được tổ chức thành công tại Việt Nam vào năm 2003, với sự giúp đỡ của bà Trần Thị Huỳnh Nga (vợ cố họa sĩ Trần Trung Tín) nhiều triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm của các họa sĩ Nhật đã được tổ chức tại TP.HCM.
Được coi như một hoạt động giao lưu văn hóa Việt Nhật, triển lãm đã thu hút khá đông khách thưởng lãm, nhất là các du khách Nhật và cộng đồng người Nhật sinh sống, làm việc tại TP. Hồ Chí Minh.
- Y Chiêu