Một báo cáo mới được đăng trên tạp chí Lancet Neurology cho thấy số lượng hóa chất có nguy cơ gây ra những tổn hại não của trẻ em đã tăng gấp đôi kể từ năm 2006.
Trong năm 2006, các nhà nghiên cứu tại Trường Y tế công cộng Harvard và Trường Y Icahn (Ai Cập) đã xác định được năm hóa chất công nghiệp gây hại cho não, gồm chì, metyl thủy ngân, polychlorinated biphenyl (có trong máy biến áp điện, động cơ và tụ điện), thạch tín (có trong đất và nước cũng như trong chất bảo quản gỗ và thuốc trừ sâu) và toluene (được sử dụng trong chế biến xăng dầu, sản xuất sơn, chất đánh bóng móng và thuộc da). Khi tiếp xúc với phụ nữ mang thai, các chất độc này gây ra những biến đổi trong phát triển tế bào thần kinh ở thai nhi khiến sau này khả năng học tập của trẻ bị giảm sút, chỉ số IQ giảm, trong khi đó vi phạm pháp và hiện tượng thần kinh bất thường dễ xảy ra.
Năm nay, các nhà nghiên cứu trên tiếp tục xem xét các tài liệu về hóa chất thường được sử dụng trong công nghiệp và tìm ra thêm sáu hóa chất khác có thể cản trở sự phát triển bình thường của não, gồm mangan, florua, chlorpyrifos, dichloro diphenyl trichlorothane (DDT), tetrachloroethylene và polybrominated diphenyl ethers (PBDE). Mangan được tìm thấy trong nước uống, có thể khiến trẻ học toán kém và mắc chứng hiếu động quá mức. Còn nếu trẻ dùng nước uống chứa florua nồng độ cao thì có thể bị giảm đến 7 điểm trong chỉ số IQ trung bình. Các hóa chất còn lại được tìm thấy trong các dung môi và thuốc trừ sâu đều có tác động đến hiện tượng gia tăng hành vi hung hăng của trẻ.
Các nhà nghiên cứu còn tìm ra mối liên hệ và tác động xấu của các hóa chất này trong máu và nước tiểu của các bà mẹ. Hậu quả mà chúng có thể gây ra chứng rối loạn não ở con họ. Trẻ nhỏ nếu trực tiếp tiếp xúc với các loại hóa chất đó thì não bộ dễ bị ảnh hưởng nhất, trong nhiều trường hợp không có biện pháp chữa trị thành công.
Trước nguy cơ đó, các nhà khoa học đã đề xuất hai biện pháp để bảo vệ trẻ em. Thứ nhất, cần vận dụng chế độ thử nghiệm kỹ các hóa chất công nghiệp và tìm cách hạn chế tác động xấu của chúng lên não người trước khi đưa vào sử dụng rộng rãi. Thứ hai, các cơ quan hữu quan phải áp dụng nghiêm ngặt hơn chế độ quản lý hóa chất độc hại.
Hiền Hạnh theo Healthland.time.com