So với sự ồn ào và lan truyền nhanh của dịch vụ Uber tại Việt Nam thì Airbnb, mô hình chia sẻ nơi lưu trú cho khách du lịch còn khá im ắng dù Airbnb vào Việt Nam chỉ sau Uber hơn một tháng.
Dù cũng gặp những thách thức từ rào cản pháp lý nhưng Airbnb trên thế giới ít bị phản ứng từ các nhóm “đối thủ” như khách sạn hay nhà nghỉ. Tại Việt Nam, trước hết dịch vụ này đã mang lại thêm thu nhập cho nhiều cá nhân có phòng hoặc căn hộ không sử dụng hết công suất.
Thành lập vào năm 2008, Airbnb hiện có trụ sở tại Mỹ và có mặt tại 33.000 thành phố ở 192 quốc gia. Cung cấp dịch vụ cho thuê chỗ ở ngắn hạn, Airbnb kiếm tiền bằng cách tính phí giao dịch cho mỗi lần đặt chỗ thành công. Sau khi nhận đợt đầu tư mới nhất vào giữa năm nay, Airbnb đã đạt giá trị 10 tỉ USD, cao hơn các tập đoàn khách sạn cả trăm tuổi như Hilton hay Accord.
Có những giao dịch đầu tiên tại Việt Nam vào đầu tháng 9-2014 nhưng đến cuối tháng 11-2014 Airbnb mới tổ chức buổi ra mắt tại TP. Hồ Chí Minh với lời giới thiệu: “Bạn có dư phòng và mong muốn cho thuê? Với Airbnb bạn có thể dễ dàng kiếm nhiều gấp ba lần cho thuê dài hạn. Chúng tôi kết nối bạn trực tiếp tới hàng chục triệu khách du lịch trên toàn thế giới”. Du khách chọn Airbnb vì tiết kiệm, bởi giá một nơi ở so với khách sạn có cùng tiện nghi và vị trí thường thấp hơn khoảng 30 – 40%. Ngoài ra, du khách thuê phòng cũng có dịp làm quen với chủ nhà, qua đó tìm hiểu thêm văn hóa, đời sống địa phương và nhận được nhiều hướng dẫn thiết thực miễn phí.
Hiện nay tại Việt Nam đã có trên 1.000 nơi lưu trú đăng ký cho thuê trên Airbnb.com, trong đó Hà Nội chiếm hơn 400, TP. Hồ Chí Minh gần 600, Hội An, Phú Quốc, Hạ Long mỗi nơi có khoảng chục chỗ đăng ký. Ban đầu, người đăng ký cho thuê đa số là người nước ngoài và Việt kiều đang sinh sống ở Việt Nam, vài tháng sau, số người sở hữu các căn hộ cao cấp ở các thành phố lớn cũng tham gia ngày càng nhiều. Dễ cho thuê nhất là các căn hộ ở gần trung tâm như Saigon Pearl, The Manor, Tropic Garden với mức giá khoảng 2 triệu đồng/ngày.
Để người thuê nhà được yên tâm, Airbnb giải quyết vấn đề xác nhận danh tính chủ nhân thông qua Facebook, điện thoại, hình chụp, bản scan hộ chiếu hoặc chứng minh thư… và phản hồi đến từ những người khách đã sử dụng dịch vụ trước. Còn để tránh khiếu nại, trên “góc riêng” của mình ở Airbnb, chủ nhà sẽ liệt kê rõ các chi tiết như giá thuê, tiện nghi, nội quy nhà ở, hình ảnh và cả thông tin về hàng xóm xung quanh… Trong tất cả các giao dịch, phần thanh toán đều được thực hiện bởi Airbnb, người thuê trả tiền qua thẻ ngay khi đặt phòng, còn người cho thuê chỉ nhận được tiền sau khi khách đến ở được 24 giờ. Airbnb cũng có bảo hiểm tổn thất tài sản lên đến 1 triệu USD cho chủ nhà, còn khách thuê thì được hưởng dịch vụ hỗ trợ khách hàng 24/7. Tại TP. Hồ Chí Minh đã có những căn phòng hay căn hộ được đặt kín lịch trước 4, 5 tuần sau khi đưa lên Airbnb chỉ một tháng. Tất nhiên những rủi ro như mâu thuẫn giữa khách và chủ, khách hoặc chủ làm trái với thỏa thuận, các kiểu tai nạn hay quấy rối đều có thể xảy ra và chưa có nước nào áp dụng luật lệ lên Airbnb, nhưng dịch vụ này vẫn tăng trưởng rất nhanh bởi lợi ích kinh tế của nó quá lớn.
Tuy những cản trở pháp lý gặp phải có thể còn nhiều hơn Uber, Airbnb trên thế giới chưa vấp phải sự cản trở dữ dội nào. Airbnb không phải là đối thủ của khách sạn cao cấp vì đối tượng khách doanh nhân, công vụ không sử dụng dịch vụ này. Hơn nữa, các chủ nhà thường chỉ đồng ý giao dịch với các du khách ở lại ít nhất ba đêm. Tại các thành phố lớn trên thế giới, các khách sạn, nhà nghỉ chưa nhận thấy sự sụt giảm rõ rệt nào đến từ Airbnb (với hơn 500 ngàn phòng cho thuê mỗi ngày), nên đến nay, dịch vụ này vẫn đang được coi là chỉ đem đến cho du khách thêm sự lựa chọn.