Hỏi vậy dễ bị “ném đá” lắm. Nói thẳng cho mà biết này, ước mơ bây giờ người ta nói nửa đùa nửa thật: Ước gì giàu tới mức mở tủ bị… tiền đè chết. Cứ việc nói đi, rằng người giàu chẳng ai để tiền ở tủ hết, mà tiền phải chạy vào chứng khoán, nhà đất, buôn bán đầu tư, không ai có thể kể hết cung cách đồng tiền chạy. Tiền phải đẻ càng nhanh, càng nhiều càng tốt.
Nhưng mà thú ngắm tiền đếm tiền vẫn có chứ hả? Ông Grandet (nhân vật chính trong truyện ngắn Lão hà tiện của nhà văn Pháp H. Balzal) đó, hạnh phúc là ngắm tiền.
Lý sự về tiền có thể cãi nhau ngay. Người nói đồng tiền ma lực, đồng tiền bẩn thỉu, đồng tiền xương máu, đồng tiền phi thường. Người nói thế giới hiện đại mới tiêu nhiều tiền chứ ngày xưa khai hoang mở đất thì con cá mớ rau hạt gạo thôi chứ, tiền làm gì, có hàng hóa gì đâu mà mua.
- Xem thêm: Tiền nhàn rỗi cất ở đâu?
Nhiều người còn làm vế đối chan chát kiểu tiền mua được nhà chứ không mua được mái ấm (Đích thị người nói thế không thể ngồi nhậu cùng bàn với ông nói: Khi cái nghèo bước vào cửa chính thì tình yêu bay ra bằng cửa sổ).
Tiền mua được giường tốt chứ không mua được giấc ngủ ngon (chẳng hiểu có ai được nằm trên cái giường tiền tỉ của đại gia chưa mà dám nói không ngủ được). Tiền có thể mua được thuốc chứ không mua được sức khỏe (Vậy lại không cãi nổi những người chết vì không có tiền mua thuốc kìa)… nhiều lý lẽ đối nhau chan chát.
Cô sinh viên nhà nghèo ở quê thuê nhà trọ học, đi làm thêm ở nhà hàng, thức đêm mờ mắt, lo đủ thứ tiền. Nợ tiền học phí thì trường không cho thi… Hoàn cảnh thế nên nhìn bà đại gia, cô không thể nào không… choáng. Vào nhà bà nguy nga, riêng giày đã một tủ. Tiếp đến tủ túi xách đồ hiệu. Áo đầm hai tủ,… còn gì nữa không biết hết.
Hỏi thăm cho có chuyện, bữa trước cô đi xem cái nhà chưa? Bà nói nghe lạnh cả gáy: “Cô mua phắt rồi em. Có năm tỉ chứ mấy mà đi lại cho tốn sức”.
Cánh cửa bật mở, người con trai của bà về, đi thẳng lên lầu, chẳng buồn ngó vào. Bà than: “Cháu thấy đó, nhà cửa chẳng thiếu gì. Nó đổi xe xoành xoạch. Nhưng mà có khi cả tuần chẳng hỏi mẹ được một câu.
Đừng nói chuyện con ra chào khách của ba mẹ. Mỗi người có một cuộc sống riêng gần như hoàn toàn. Mà chẳng phải hư hay giận dỗi gì, cuộc sống đầy đủ, trang bị riêng tư, chẳng ai liên quan đến ai”.
Tiền nhiều mà làm gì? Chẳng có gì quý báu vì chẳng có gì phải thèm khát nữa, cái gì cũng thừa mứa.
Nhưng không thể coi thường tiền được. Người ta nói: Muốn biết tiền có giá trị thế nào, hãy thử… đi vay một ít xem sao. Có người nói từ khi biết câu: “Đứng cho vay, quỳ đòi nợ” thì tôi chẳng bao giờ cho ai vay tiền nữa. Nhưng ông cha ta nói, trọng nghĩa khinh tài đó thôi, tiền cũng chẳng quý bằng tình nghĩa.
- Xem thêm: Chẳng ai sung sướng, tại sao?
Nhưng mà khi có ai đố thế này thì trả lời có dễ hay khó? Biết vì sao người Do Thái giỏi nổi tiếng vậy không? Có hai lý do, thứ nhất họ trọng đạo Do Thái – nghe đâu là đã có từ thời Cựu ước. Và thứ hai là họ… trọng tiền bạc.
Đó, chỉ có đồng tiền mà bao nhiêu định nghĩa. Chuyện “tiền là tiên là phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe tuổi già…” cũ rồi vẫn đúng, cứ lôi ra ứng dụng vào đâu cũng không trật.
Tiền để làm gì, đố bà con biết, đố ai nói mà không bị người khác cãi lại đó. Tiền đa nghĩa thật. Nhưng mà làm gì với tiền thì lại phụ thuộc… văn hóa – thứ chẳng thấy hình thù đâu, cứ như trò đuổi bắt, chẳng biết có bán ở đâu để mua, khỏi phải học?