Mỗi chúng ta đều cần một giấc ngủ sâu và đủ thời gian mỗi đêm để phục hồi hoàn toàn cơ thể lẫn trí não sau một ngày dài mất nhiều năng lượng. Vì vậy, người thường xuyên bị thiếu ngủ hay cảm thấy mệt mỏi và trí nhớ giảm sút đáng kể, nhất là từ sau tuổi 40. Đáng quan tâm là không ít người cho biết họ ngủ đủ bảy, tám tiếng mỗi đêm nhưng hôm sau vẫn cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ. Tại buổi hội thảo “Hội chứng ngưng thở khi ngủ” diễn ra tại Phòng khám Đa khoa quốc tế Yersin (TP. Hồ Chí Minh), bác sĩ Nguyễn Xuân Bích Huyên, Nguyên Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết nguyên nhân là do chúng ta đã mắc phải một số bệnh lý hô hấp, thường gặp nhất là hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn là hay gặp nhất
Hội chứng ngưng thở khi ngủ (HCNTKN – OSAS) là một trong những rối loạn rất thường gặp ở độ tuổi trung niên và có thể đe dọa mạng sống. Vì việc ngưng thở làm lượng oxy trong máu giảm đột ngột, gây tăng huyết áp và tạo ra gánh nặng cho hệ tim mạch. Khoảng một nửa trong số những người bị HCNTKN tắc nghẽn bị mắc bệnh cao huyết áp và không ít bệnh nhân này có nguy cơ xuất hiện biến chứng bệnh về mạch máu, suy tim, thậm chí đột quỵ.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể do tắc nghẽn ở đường thở hoặc do bất thường của hệ thần kinh trung ương. Trong đó, tình trạng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn rất hay gặp, chiếm hơn 80% các trường hợp mắc bệnh. Mỗi khi bệnh nhân ngủ sâu, các cơ vận động vùng hầu họng giãn ra làm hẹp đường thở, gây ngưng thở trong vài chục giây. Lượng oxy trong máu bị thiếu hụt do ngưng thở sẽ tạo một phản ứng lên não, đánh thức bệnh nhân. Theo đó, một phản ứng khác kích thích các cơở họng co lại, giúp nới rộng đường thở. Nhưng không bao lâu sau khi quay trở lại giấc ngủ, các cơ họng lại giãn và gây hẹp đường thở. Cứ như vậy quy trình ngưng thở – thức dậy được lặp lại nhiều lần trong suốt thời gian ngủ, làm chúng ta không thể có giấc ngủ ngon.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ thường gặp ở lứa tuổi trung niên, nam giới hay bị hơn nữ giới. Ngoài ra, người béo phì và người nghiện rượu là hai đối tượng hay bị ngưng thở khi ngủ nhất, thường ngáy lớn về đêm do cổ họng và đường thở dễ bị chèn ép hơn người bình thường.
Khi mắc phải HCNTKN, mỗi đêm chúng ta sẽ bị ngưng thở hơn 30 lần, mỗi lần khoảng từ 10-30 giây. Bệnh nhân khó có giấc ngủ sâu nhưng hiếm khi nhận biết mình mắc bệnh, ngay cả khi chứng ngưng thở xảy ra lúc sắp thức dậy. Người thân nằm chung giường thường dễ phát hiện bệnh hơn. Bệnh nhân thường thức giấc ban đêm, hay thức dậy đi tiểu đêm. Người bệnh ban đầu ngáy to, sau đó thở hổn hển vào cuối thời kỳ ngưng thở. Dù ngủ đủ bảy, tám tiếng mỗi đêm nhưng chúng ta vẫn không có cảm giác sảng khoái khi thức vào sáng hôm sau. Bệnh nhân hay than nhức đầu buổi sáng, ngáp vặt cả ngày, hay gà gật trong các buổi họp, giảm trí nhớ, mất tập trung, đau ngực, tim đập không đều. Tình trạng này kéo dài có thể gây lo lắng, dễ cáu kỉnh hoặc thậm chí gây bệnh trầm cảm.
Tầm soát bệnh để có hướng điều trị thích hợp
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Xuân Bích Huyên, nếu có những biểu hiện mệt mỏi, mất tập trung và buồn ngủ cả ngày như trên, chúng ta nên đến bệnh viện để tầm soát HCNTKN, đặc biệt là người ở tuổi trung niên bị béo phì, nghiện rượu và ngáy to, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ những người xung quanh.
Bác sĩ sẽ kiểm tra về bệnh sử sức khỏe và bệnh sử gia đình, kiểm tra kỹ về họng và lỗ mũi, làm xét nghiệm máu về các chỉ số nhịp tim, sóng của não, nồng độ oxy trong máu trong lúc ngủ… nhằm xác định bệnh cũng như độ nặng của bệnh để có kế hoạch điều trị cụ thể. Với những người nghi ngờ bị HCNTKN, cần tập trung vào mức độ của tình trạng thiếu ngủ, kém hoạt động và những dấu chứng, triệu chứng nghi ngờ có liên quan đến rối loạn này. Ngủ ngáy và sự ngưng thở thấy được khi bệnh nhân ngủ là tiêu chuẩn quan trọng trong đánh giá. Xác định ngủ ngáy liên tục, ngắt quãng hoặc chỉở một số tư thế là quan trọng. Những dấu hiệu khác bao gồm: tiền sử tăng cân, sử dụng thuốc, rượu hoặc các chất giảm đau khác và một tiền sử về rối loạn giấc ngủ. Những vấn đề về tim mạch, cao huyết áp, bệnh thần kinh cũng nên được xem xét chi tiết. Nhiều trường hợp ngạt mũi do cuống mũi phát triển phình to cũng thường gặp ở những bệnh nhân HCNTKN. Những nếp niêm mạc thừa dày lên ở hạ họng, lưỡi gà và khẩu cái mềm, viêm amidal đôi khi cũng là nguyên nhân của bệnh.
Như đã nói, HCNTKH nếu diễn ra trong thời gian dài có thểảnh hưởng đến huyết áp và tim mạch. Vì vậy, việc phát hiện bệnh để điều trị dứt điểm là vô cùng quan trọng. Những phương pháp điều trị đối với bệnh nhân bị HCNTKN thường là dùng máy thở áp lực dương liên tục, hay phẫu thuật như cắt amidal, tái tạo màn hầu – lưỡi gà…
Cách phòng HCNTKN tốt nhất, theo bác sĩ Nguyễn Xuân Bích Huyên, là giảm cân, tránh rượu, thuốc an thần, chất gây nghiện… Muốn như vậy thì chúng ta nên chú ý đến ăn uống và vận động. Chúng ta nên cố gắng theo đuổi một chỉ số cơ thể lý tưởng từ sau 30 tuổi và quan trọng hơn là lứa tuổi trung niên. Trong các bữa ăn hằng ngày, chúng ta nên hạn chế mỡ động vật, giảm muối thay thế bằng các loại dầu đậu nành, dầu mè, dầu ôliu… Các loại fast-food luôn chứa nhiều muối và chất béo, chúng ta nên hạn chế ăn. Đi liền với chuyện ăn uống, chúng ta cũng cần chú ý đến việc tập thể dục tối thiểu ba lần mỗi tuần.
Trọng Đức