Không phải người dân nào ở Brazil cũng bị “phê thuốc” World Cup dù sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh đang diễn ra ngay trên đất nước họ và dù bóng đá được coi là môn thể thao vua ở xứ sở này. Điều đó được thể hiện ngay trong nghệ thuật đường phố. Những ngày này, ở Sao Paulo, Rio de Janeiro cũng như nhiều đô thị khác, người ta chứng kiến hàng loạt tranh graffiti phản ứng mãnh liệt với World Cup.
Mauricio Moura, một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Harvard cho biết: theo một cuộc thăm dò mới đây với 5.000 cư dân tại Sao Paulo, thành phố lớn nhất ở Brazil và cũng là nơi diễn ra nhiều trận đấu ở vòng chung kết Cúp bóng đá thế giới 2014 thì chỉ có 51% số người được hỏi ủng hộ việc đất nước của họ tổ chức World Cup – tỷ lệ thấp nhất từ trước đến nay tại bất kỳ quốc gia nào đăng cai vòng chung kết Cúp bóng đá thế giới. “Đối với người Brazil, bóng đá là môn thể thao số 1 nên thật lạ khi có tới 45% số người được thăm dò phản đối World Cup”, ông Moura nói.
“Không ăn bóng đá, người Barzil muốn ăn cơm” – đó là thông điệp từ những bức tranh tường xuất hiện nhan nhản trên đường phố Sao Paulo và Rio de Janeiro. Chính phủ Brazil đã chi tới 11 tỉ USD để mong World Cup 2014 sẽ trở thành show diễn thể thao vĩ đại nhất hành tinh, thế nhưng các nghệ sĩ đường phố đã quay lưng lại với sự khoa trương đầy tốn kém đó, trong khi theo họ còn biết bao vấn đề lớn trong nước cần đến khoản tiền khổng lồ này thay vì bóng đá. Đói nghèo, sự bất bình đẳng trong xã hội ngày càng lớn và tình trạng băng đảng, bạo lực tràn lan ở nhiều đô thị trong cả nước đòi hỏi các giải pháp căn cơ thay vì tập trung nguồn lực vào bóng đá. Chính vì thế mà các nghệ sĩ giận dữ bày tỏ quan điểm của họ qua tranh đường phố – nơi công chúng dễ dàng thưởng ngoạn tác phẩm và chia sẻ với họ.
Khác với lần đầu tiên Brazil đăng cai tổ chức World Cup 1950, tình hình chính trị – kinh tế – xã hội ở đất nước của điệu samba nay đã rất khác. Giáo sư Roberto DaMatta của Trường Đại học Công giáo nhớ lại cảm giác choáng ngợp xen lẫn tự hào của ông, khi đó còn là một thiếu niên, trước hình ảnh sân vận động Maracaña ở Rio de Janeiro. Thế nhưng ngay trong lần tổ chức đó thì ở trận chung kết người Brazil đã ôm hận khi đội nhà thất bại trước đội tuyển Uruguay với tỷ số 2-1. So với ngày ấy, như ông DaMatta nói: “Bóng đá nay không còn là thuốc phiện của người dân Brazil”. Họ cần nhiều hệ thống hạ tầng, giao thông, trường học, bệnh viện hơn nữa và ngay cả nhu cầu về sân bay cũng rất lớn, cần được nhanh chóng đầu tư hơn là bỏ các khoản chi khổng lồ vào các sân vận động. Để tổ chức World Cup 2014, Brazil đã phải xây mới hoặc nâng cấp hàng loạt sân vận động ở 12 thành phố, tuy nhiên chưa tới một nửa số sân này có ý nghĩa thực sự đối với đội tuyển quốc gia và các sân động lớn nhất thường không mấy khi được sử dụng sau sự kiện này.
Đáng chú ý nhất trong những tranh đường phố ở Rio de Janeiro là tác phẩm của họa sĩ Paulo Ito vẽ một đứa trẻ gầy gò, thiếu đói ngồi ở bàn ăn nhưng đang la khóc thảm thiết vì cái đĩa của nó thay vì chứa bánh mì hoặc cơm và thịt thì chỉ có một… quả bóng! Thông điệp của bức tranh này thật quyết liệt. Trong một bức tranh khác, tác giả mô tả cách mà chính quyền vung tiền cho World Cup giống như ném tiền xuống… cầu tiêu! Còn nhiều nữa những hình ảnh chỉ trích, lên án World Cup cũng như FIFA (Liên đoàn Bóng đá quốc tế), tổ chức mà theo các nghệ sĩ đường phố Brazil chỉ là một tập đoàn kinh doanh khổng lồ, hưởng lợi từ bóng đá. Ngay cả ngôi sao số 1 của Brazil là Neymar và con Tatubola được chọn làm linh vật cho kỳ World Cup này cũng trở thành đề tài cho các họa sĩ đường phố.
- Y Chiêu