Song hành với tiến trình dân chủ hóa tại Myanmar, chính quyền Mỹ cũng hỗ trợ những nỗ lực cải tổ về kinh tế của nước này, trong đó có việc vạch ra kế hoạch cho các doanh nghiệp Mỹ tham gia vào các hoạt động kinh tế của Myanmar, vừa khai thác một thị trường còn nhiều tiềm năng, vừa giúp người dân địa phương cải thiện đời sống. Trước tiên, Washington dỡ bỏ hầu hết những lệnh trừng phạt kinh tế trước đây và tạo điều kiện cho doanh nghiệp Mỹ đổ vốn đầu tư vào Myanmar, trong những lĩnh vực không dính đến Bộ Quốc phòng và các tổ chức quân sự của Myanmar. Trong một tương lai gần, chính phủ Mỹ sẽ mở một văn phòng thương mại tại Myanmar để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở đây. Họ sẽ dựa vào những báo cáo của các doanh nghiệp này để đánh giá tình hình và đề ra những biện pháp thích hợp. Căn cứ vào chín báo cáo của sáu công ty vừa đệ trình cho Bộ Ngoại giao Mỹ, các nhà phân tích nhận thấy chỉ có một báo cáo của Công ty Coca-Cola là đạt yêu cầu, trong đó có việc đáp ứng một tiêu chí quan trọng mà chính phủ Mỹ đã đặt ra, đó là tôn trọng quyền con người trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều công ty khác đã hoạt động tại Myanmar nhưng chưa đáp ứng được những yêu cầu do Washington đề ra, trong đó có những công ty danh tiếng như Western Union, Clipper Holdings, Capital Group Companies, Hercules Offshore, Crowlwy Marine Services. Hiện nay, một trong những trở ngại lớn mà các công ty Mỹ gặp phải là yêu cầu họ phải liên kết với những đối tác tại địa phương, không ít trong số này đã có một thời gian dài gắn bó với quân đội Myanmar. Người ta ghi nhận có ít nhất ba doanh nghiệp địa phương đang có vấn đề trong các hoạt động trước đây của họ.
Công nhân trên một công trình xây dựng ở Myanmar
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất mà các doanh nghiệp Mỹ đang gặp phải là thị trường lao động tại Myanmar được mô tả là tệ nhất trong số những thị trường lao động tại Đông Nam Á. Điều đó khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ không mặn mà với việc đầu tư vào Myanmar, cho dù đây là một đất nước giàu tiềm năng đang thật sự cởi mở về mặt dân chủ hóa đời sống chính trị. Chỉ mới ghi nhận được một vài nỗ lực có hiệu quả, chẳng hạn như công ty hàng may mặc Gap Inc. của Mỹ đang mở rộng hoạt động tại Yangon và sẽ trở thành cơ sở bán lẻ đầu tiên của Mỹ tại Myanmar. Gap cũng sẽ kết hợp với Cơ quan Viện trợ USAID cùng tổ chức nhân đạo CARE International để đầu tư “vào sự phát triển kinh tế và xã hội” nói chung của Myanmar. Bên cạnh những nỗ lực như thế, sự tham gia vào nền kinh tế Myanmar của giới doanh nghiệp Mỹ vẫn còn nhiều dè dặt, do đất nước này nằm dưới sự điều hành của giới quân phiệt quá lâu. Điều đó buộc chính quyền Obama phải phối hợp với chính phủ Myanmar cứu xét những biện pháp bổ sung giúp cho việc đầu tư vào đời sống kinh tế của Myanmar có một sức thu hút mới và Văn phòng Dịch vụ Thương mại Mỹ sắp mở tại Yangon sẽ là nơi xúc tác để cho giới doanh nhân Mỹ gắn bó hơn nữa với đất nước ASEAN này.
Lê Nguyễn theo NYTimes, IPS