Mười tám năm trước, năm 1996, bùng phát trào lưu vay nợ nước ngoài qua L/C (thư tín dụng) trả chậm. Hồi đó nhiều doanh nghiệp nhập hàng hóa về, được người bán nước ngoài cho trả chậm tới 9-12 tháng, giống như được chiếm dụng vốn mà không phải trả lãi. Các ngân hàng cũng nhờ thế mà “ăn theo”. Nhà nhập khẩu và ngân hàng phối hợp với nhau, bán nhanh hàng nhập, lấy tiền kinh doanh cái khác. Họ đã tính một bài toán sai lầm bởi sự biến động tỷ giá và tiền không thu hồi kịp. Kết cục nhiều ngân hàng phải trả giá cho những khoản nợ tổng cộng hàng trăm triệu đôla Mỹ và tên tuổi một số ngân hàng TMCP như Châu Á – Thái Bình Dương, Việt Hoa, Đại Nam đã biến mất khỏi thương trường.
Nợ ngầm
Rút kinh nghiệm từ đó, sau này vay nợ nước ngoài qua L/C trả chậm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quản lý chặt. Ngoài ra sự mất giá của tiền đồng so với đôla Mỹ kéo dài trong nhiều năm cho đến trước năm 2012 đã khiến cho hoạt động vay nợ nước ngoài dưới nhiều hình thức, chủ yếu ngắn hạn, chùng xuống. Nó chỉ gia tăng trở lại những năm gần đây và bắt đầu mạnh lên ở thời điểm thắt chặt tiền tệ, lãi suất tiền đồng “nhảy” vọt tới 15 – 20%/năm. Ngoài các hình thức cũ như vay nợ thông qua kiều hối; nước ngoài nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam ứng trước tiền mua cho người bán nội địa; L/C trả chậm, xuất hiện một số phương thức mới như đối tác hỗ trợ lẫn nhau; góp vốn có kỳ hạn vào dự án; thuê mua tài chính của nước ngoài…
Không có bất kỳ số liệu thống kê nào về những khoản vay ngầm như thế của doanh nghiệp và rộng hơn là của nền kinh tế. Tổng giám đốc một tổ chức tài chính ở TP.HCM nhận xét kể từ khi tỷ giá ổn định và biến động không quá 1 – 2%/năm, việc vay vốn ngoại ngầm càng được tiếp sức vì lãi suất đôla Mỹ bên ngoài Việt Nam thấp hơn hẳn vay ngoại tệ trong nước và càng thấp hơn lãi suất vay tiền đồng. Ông cho biết một số quỹ đầu tư nước ngoài, nếu có sự bảo lãnh của ngân hàng, sẵn sàng cho doanh nghiệp vay đôla Mỹ ngắn hạn dưới sáu tháng với lãi suất tầm 2 – 3%/năm. Một số công ty tư nhân có nhu cầu vay chừng 10-15 triệu đôla Mỹ đã tiếp cận phương thức này.
Theo quy định, các doanh nghiệp vay vốn nước ngoài thời hạn từ một năm trở lên phải đăng ký với NHNN, dưới một năm không phải đăng ký. Vì thế ngay cả khi có thể vay mượn đàng hoàng, doanh nghiệp cũng không muốn đăng ký. Để tránh các thủ tục giấy tờ cồng kềnh và tốn kém thời gian, bên vay cũng như cho vay thỏa thuận ngắn hạn là xong.
Nợ công khai
Nợ nước ngoài của Việt Nam được công bố bởi Bộ Tài chính hàng quý, hàng năm bao gồm nợ của Chính phủ, nợ do Chính phủ bảo lãnh và nợ có đăng ký của doanh nghiệp. Định mức nợ, chỉ tiêu vay và trả nợ hàng năm được Chính phủ phê duyệt. Theo Quyết định 477/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch vay và trả nợ năm 2014 vừa được ban hành ngày 7-4-2014, năm nay Chính phủ sẽ vay nước ngoài 4,52 tỉ đôla Mỹ, tương đương 95.800 tỉ đồng, đồng thời trả nợ nước ngoài 49.200 tỉ đồng.
Chính phủ cũng có kế hoạch phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế, nhưng từ đầu năm đến nay chưa có thông tin cụ thể nào về việc phát hành này. Giới quan sát cho rằng việc phát hành trái phiếu quốc tế sẽ sớm được khởi động cho năm nay và năm sau vì năm 2016 là đáo hạn khoản trái phiếu quốc tế 750 triệu đôla Mỹ mà Việt Nam phát hành cuối năm 2005 với lãi suất 7,125%/năm. Khi ấy khoản này được Bộ Tài chính ký hợp đồng ủy thác toàn bộ cho Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (Vinashin, nay tên gọi mới là SBIC) và Bộ là người giám sát chặt chẽ tiến trình sử dụng vốn. Nhưng ai cũng biết hiện SBIC khó có khả năng trả khoản nợ nói trên đúng hạn và nhiều khả năng Nhà nước là người phải đứng ra trả.
Quyết định 477 chỉ ra năm nay Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp, tổ chức tín dụng vay nước ngoài 2,8 tỉ đôla Mỹ. Hạn mức thương mại nước ngoài của doanh nghiệp, ngân hàng theo phương thức tự vay tự trả là 3,8 tỉ đôla Mỹ. Hạn mức tự vay tự trả, như vậy, cao hơn so với hạn mức bình quân những năm gần đây.
Việc vay vốn nước ngoài theo phương thức tự vay tự trả thông thường được NHNN xem xét kỹ căn cứ vào khả năng sử dụng vốn và trả nợ. Bên vay chủ yếu là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước với số tiền vay tương đối lớn, phục vụ cho các dự án trọng điểm.
Điểm nhấn ở đây có lẽ là các khoản vay của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh. Đối tượng được Chính phủ bảo lãnh vay vốn nước ngoài nhiều nhất là dự án điện, hàng không, dầu khí, xi măng, giấy và bột giấy… Đã có thời hàng loạt dự án xi măng, sắt thép, mía đường được Chính phủ bảo lãnh vay vốn nước ngoài, song hoạt động không hiệu quả, không trả được nợ, cuối cùng ngân sách phải trả thay. Năm ngoái Tổng công ty Vinaconex đã phải chuyển nhượng dự án xi măng Cẩm Phả cho Tập đoàn Viettel với giá được giới tài chính nhận định là rẻ vì nhà máy thua lỗ, “ăn” cả vào vốn chủ sở hữu. Đáng nói là một phần không nhỏ vốn đầu tư cho Xi măng Cẩm Phả được Bộ Tài chính bảo lãnh vay của các ngân hàng nước ngoài. Cho đến ngày chuyển nhượng, một số khoản vay nước ngoài đã được Vinaconex trả do Vinaconex là công ty mẹ, nhưng báo cáo tài chính của Xi măng Cẩm Phả không nói rõ người trả là ai. Với một số nhà máy xi măng khác, ngân sách đã phải trả thay cho doanh nghiệp và nợ được ghi vào tài khoản của doanh nghiệp. Cái khó là ở chỗ nợ đó không biết bao giờ doanh nghiệp mới hoàn trả lại được cho ngân sách?
Lo cho nợ
Theo Bộ Tài chính đến 31-12-2012 nợ nước ngoài của Chính phủ là 726.314 tỉ đồng, chiếm 57% tổng nợ (phần còn lại 43% là nợ vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu). Tính ra nợ nước ngoài của Chính phủ bằng gần 30% GDP. So với các nước, mức độ đi vay như vậy chưa phải quá cao. Tuy nhiên, như trên đã nói, không ai tính toán được nợ ngầm nước ngoài bao nhiêu, nên rất khó đánh giá chính xác nợ nước ngoài thật của cả nước.
Mối quan tâm khác là trong khi nợ nước ngoài ngày càng tăng, hiệu quả việc sử dụng vốn vay chưa tăng tương ứng, đồng thời nguồn bổ sung cho Quỹ Tích lũy trả nợ nước ngoài ngày càng giảm. Quý IV năm ngoái, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị đã liên tiếp có văn bản xin Bộ Tài chính cho ứng vốn từ Quỹ Tích lũy trả nợ nước ngoài để trả nợ cho các dự án xi măng. Trước đó tiền lệứng vốn đã xảy ra nhiều lần và hiện càng diễn ra thường xuyên hơn, đến nỗi Bộ Tài chính phải lên tiếng trong vòng 3-5 năm tới Quỹ Tích lũy trả nợ nước ngoài còn phải trả nợ thay cho xi măng 30-40 triệu đôla Mỹ/năm nữa.
Nguy cơ tiền vay nước ngoài không “đẻ” ra tiền đủ để trả nợ không còn là cảnh báo, mà đang trở thành hiện thực. Nếu một đồng vốn vay không làm ra 1, 2 đồng đủ để trả nợ gốc và lãi, ngân sách tức người dân đóng thuế sẽ phải thắt lưng buộc bụng để trả. Tình trạng này không thể nào kéo dài mãi.
Tạp chí Economist đầu năm ngoái, trong một bài viết về nợ công toàn cầu, cho biết hiện mỗi người Việt Nam đang gánh 790 đôla Mỹ nợ công. Nếu tính theo số liệu công bố của Bộ Tài chính năm 2012 là nợ nước ngoài của Chính phủ chiếm 57% nợ công, thì mỗi người Việt đang nợ nước ngoài 450,3 đôla Mỹ. So với thu nhập bình quân đầu người của những thành phố như Hà Nội, TP.HCM, nợ trên đã là cao, nói gì đến các vùng sâu, vùng xa, nơi thu nhập của người dân cả năm có lẽ chỉ ngang bằng số nợ nước ngoài phân bổ cho họ.
Trong Quyết định 477, có hai vấn đề được nêu ra. Thứ nhất Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế mở rộng diện cho vay lại từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ cho chính quyền địa phương để nâng cao tính chủ động và trách nhiệm của địa phương. Thứ hai các bộ, ngành rà soát lại dự án BOT, FDI lớn, dự án cơ sở hạ tầng được Chính phủ cam kết đảm bảo cho nhà đầu tư để giám sát mức vay nước ngoài, nghĩa vụ nợ dự phòng, đảm bảo nợ nước ngoài của quốc gia đến năm 2020 không vượt quá 50% GDP.
Đối với một đất nước đang phát triển và sự tăng trưởng trông chờ vào vốn là chính như Việt Nam, vay nợ nước ngoài là tất yếu. Hai vấn đề nêu trên hướng tới kiểm soát tốc độ vay nợ. Cái đó đúng. Nhưng trên hết phải là hiệu quả sử dụng vốn vay. Cơ chế là một chuyện, chuyện khác là đối tượng được phân bổ để sử dụng nguồn vốn đó. Nếu thành phần dân doanh biết sử dụng vốn vay đúng cách và hiệu quả, tại sao không tái phân bổ nguồn vốn vay nước ngoài cho họ? Xin nhường câu trả lời cho cơ quan quản lý.
Hải Lý