Đến tháng 3, chợ Bến Thành tròn 100 năm tuổi. Ngày 26-4, rất đông người dân thành phố và khách du lịch đã cùng với hàng ngàn tiểu thương, mừng chợ Bến Thành sau một thế kỷ đang tiếp tục phát triển.
Không ngại tiếng “chợ nhà giàu”
Không ai tuyên bố nhưng dường như từ thuở chợ Bến Thành mới được khai sinh, người ta mặc định đây là chợ dành cho giới thượng lưu, nhà giàu. Những tiểu thương có 50, 60 năm gắn với chợ cho rằng danh xưng là do chính người đi mua sắm tạo nên, bởi họ luôn kén chọn hàng ngon nhất khiến người bán phải chiều theo.
Trước đây, các vựa tuyển “hàng nhứt” đưa vô chợ Bến Thành, còn hàng nhì bán sỉ cho bạn hàng tỉnh và các chợ khác, hàng dạt mới ra chợ Cầu Muối bán lẻ cho người lao động. Dần dần hình thành thói quen: nhà giàu, người từ nước ngoài về, khách ngoại quốc muốn đi chợ thì nghĩ đến chợ Bến Thành. Bây giờ thì những người bình dân hay trung lưu cũng đi chợ Bến Thành để tìm được những thứ vừa túi tiền mình và hài lòng tin chắc là nó ngon, nó tốt hơn ở chợ khác.
Qua bao thế hệ kinh doanh nối tiếp nhau, người bán vẫn duy trì truyền thống chọn “hàng nhứt” để bán.
“Hàng nhứt” dễ thấy nhất là trái cây. Hàng phải thật ngon như trái to nhất, chất lượng ngon nhất, hàng mới hái, vỏ ngoài không trầy xước…, vựa nào giao hàng không đúng thì mất mối như chơi. Với những loại trái cây trong nước hiện nay nhà vườn có thể trồng cho trái quanh năm thì vào đúng mùa, hàng loại một phải về chợ Bến Thành; vào trái mùa ở đâu không có hàng chứ chợ Bến Thành phải có.
Mua thịt, cá, hải sản tươi ở chợ Bến Thành, các bà nội trợ thấy an tâm không phải do tâm lý đi chợ lớn, mà chính là hàng rất phong phú, tươi ngon. Khu bán gia cầm luôn có thêm loại “cao cấp” như bồ câu, gà ác, đến mùa Noel có cả ngỗng, gà tây. Muốn có thịt bê hay thịt dê ngon cứ ra chợ Bến Thành.
- Xem thêm: Chợ Bến Thành biểu tượng của Sài Gòn
Hàng thủy hải sản đảm bảo có loại lớn và tươi như mua tại cảng đánh bắt. Siêu thị có khi không có cá ngừ đại dương, cá hồi sống, chứ chợ Bến Thành đủ cả, mua dạng philê đóng vỉ hay còn nguyên chưa làm cũng có. Rau củ quả, nấm ở chợ Bến Thành phong phú hơn các chợ lớn khác trong thành phố, từ giống mới nghiên cứu, mới nhập được trồng ở VN là đều đưa về đây.
Thường bắt đầu tháng Chạp mới thấy mứt, hạt dưa ở các chợ, còn ngày thường muốn ăn bất cứ lúc nào thì vào chợ Bến Thành. Chợ Bến Thành hiện giờ là nơi tiêu thụ hạt điều, hạt bí, hạt sen sấy và một số loại hạt nhập khẩu khác nhiều nhất. Ai bảo ăn cá khô là nhà nghèo, chứ vô chợ Bến Thành mà mua cá khô, ai cũng đòi cho được những “thương hiệu địa phương” đã định hình chất lượng như khô lóc Đồng Tháp, khô sặt Cà Mau, cá tra Biển Hồ, cá dứa Cần Giờ, tôm khô phải là hàng Trà Vinh, Ba Tri…
Còn đối với vải vóc, hàng may mặc, giày dép, thủ công mỹ nghệ, trà, cà phê, tạp hóa… thì “nhứt” của chợ Bến Thành là có nhiều mẫu mã, cập nhật nhanh hàng mới nhất. Từ một chợ chỉ chuyên bán lẻ, giờ chợ Bến Thành đã có nhiều gian hàng đủ uy tín bán sỉ cho các nhà hàng, quán cà phê, tiệm may; một số tiểu thương trở thành chủ cơ sở sản xuất hàng bán cho siêu thị.
Chợ quốc tế, xuất khẩu hàng Việt
Có sự thay đổi lớn gần 20 năm qua, đó là người dân thành phố đi chợ Bến Thành lo bữa ăn hằng ngày hay mua sắm cho gia đình dần chiếm tỷ lệ thấp hơn khách du lịch trong và ngoài nước. Hàng hóa ở chợ Bến Thành bây giờ không chỉ phục vụ cho cư dân thành phố hay khách các tỉnh, thành khác đến, mà còn xuất khẩu đi các nước thông qua khách du lịch nước ngoài và người Việt về thăm quê nhà.
Hầu như ngành hàng nào trong chợ cũng bán được cho người nước ngoài. Có một điều đặc biệt là trong khoảng mươi năm gần đây tiểu thương có khuynh hướng chọn hàng sản xuất trong nước. Họ giới thiệu với khách một cách đầy tự hào rằng hàng Việt Nam “hạng nhứt”, “number one”. Tiếp xúc với khách nhiều quốc tịch, tiểu thương đúc kết được thị hiếu khác nhau của khách.
Phụ nữ nước ngoài thích mua những tấm khăn trải bàn, tấm trải giường, áo gối thêu hoa. Các cô gái Nhật, Hàn Quốc thì mê túi xách, ví, giày dép thêu hoa, kết cườm. Theo các cô thì mẫu mã, đường thêu của thợ Việt Nam khéo hơn những nơi khác. Du khách châu Âu, Nhật rất thích những chiếc áo dài Việt Nam. Nhiều cô gái Nhật mua áo dài rồi qua ngày sau mặc ngay đi dạo phố hay chụp hình.
- Xem thêm: “Trả lại em yêu”: Bùng binh cây liễu
Một dịch vụ mà du khách đến Việt Nam rất thích là “may trong một ngày”. Thoạt đầu, đến Sài Gòn, du khách chỉ biết các cửa hàng thời trang, hiệu may trên phố có dịch vụ này, sau vào chợ Bến Thành thấy vải vóc ở đây nhiều, đẹp, khách hỏi đặt may nên đã phát triển mạnh năm, sáu năm nay. Giờ nhiều hàng vải treo bảng “Make suits in one day” để khách khỏi mất công hỏi.
Khoảng ba năm gần đây, lượng khách Malaysia tập trung về chợ Bến Thành mua vải và đặt may đông vô kể, trở thành lượng khách chủ lực của ngành hàng vải chợ Bến Thành. Họ mua nhiều ngỡ như đi buôn vì người ít nhất cũng ba, bốn xấp vải, có người cả chục áo. Họ cũng may những bộ trang phục truyền thống của người Malaysia.
Khu hàng thủ công mỹ nghệ thu hút khách mọi quốc tịch vì hầu như du khách nào cũng cố tìm mua hàng lưu niệm. Người trẻ tìm mua trang sức bằng đá, pha lê, những món quà lưu niệm ngộ nghĩnh; người lớn tuổi thích sưu tập vật dụng bằng mây tre lá, gỗ mỹ nghệ, đồ gốm Việt Nam lạ, độc đáo, đồ vật mang bản sắc văn hóa Việt Nam hay khắc biểu tượng chợ Bến Thành.
Mặt hàng phát triển mạnh nhờ khách nước ngoài nữa là cà phê. Khẩu vị thưởng thức cà phê của người các nước khác nhau, nhưng cứ vào chợ Bến Thành, được tiểu thương cho thử ly cà phê pha phin nóng hổi, thì ai cũng mua về uống, riết rồi quen “gu” cà phê Việt Nam.
Các loại hạt, nhất là hạt sen sấy, hạt điều, hạt bí, các loại trái cây, rau củ sấy như mít, khoai, thơm… được khách ngoại quốc ưa thích. Chị Tâm – chủ gian hàng Ngọc Châu cho biết, người Hàn Quốc thích mứt xoài dẻo, người Nhật thích mứt gừng, mít sấy, khách Trung Quốc, Đài Loan thích mứt dừa, bánh pía, kẹo dừa. Khách châu Âu thấy khách châu Á mua nhiều cũng dùng thử… Còn trái cây thì mùa nào thức đó, trở thành những thùng quà không thể thiếu khi rời VN.
Từ một ngôi chợ phục vụ cho đời sống cư dân đô thị, chợ Bến Thành nay đã là chợ của khách du lịch, chợ xuất khẩu hàng Việt Nam. Sau hàng trăm năm, chỉ hình ngôi chợ có tháp đồng hồ trên bảng hiệu, trên danh thiếp hay trên bao bì là đủ để “cầu chứng” cho hàng hóa trong chợ và người bán bao đời nay đã cố gắng gìn giữ “thương hiệu tập thể” đó.