Trong quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 thì đây là đô thị đặc biệt có vị trí quan trọng của cả nước, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và cũng là đầu mối giao lưu quốc tế. Tuy nhiên, hiện tại TP.HCM đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm cao mà nguyên nhân chính là do hệ thống quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực chất thải chưa theo kịp tốc độ phát triển của thành phố, còn thiếu rất nhiều cơ sở hạ tầng tái chế, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường.
Mới đây, tại TP.HCM, Trung tâm Con người và Thiên nhiên, Viện Khoa học Môi trường – Phát triển tổ chức hội thảo “Bảo vệ môi trường trong hệ thống các khu công nghiệp ở ViệtNam: Các lỗ hổng chính sách, vấn đề minh bạch thông tin và các tác động đối với môi trường”. Tại hội thảo, các chuyên gia môi trường và đại diện các ban ngành liên quan cùng đánh giá thực tế, nhìn nhận những bất cập trong chính sách bảo vệ môi trường nói chung và đánh giá tác động môi trường nói riêng, cũng như đóng góp các khuyến nghị chính sách cho tiến trình sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường 2005.
Phát triển khu công nghiệp ồ ạt: Lợi bất cập hại
Cùng với chính sách đổi mới kinh tế, hệ thống khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) ở ViệtNambắt đầu hình thành và phát triển mạnh từ những năm 1990. Đến cuối 2013, cả nước đã hình thành 289 KCN, KCX, khu công nghệ cao, trong đó có 184 KCN đã đi vào hoạt động (63,67%), gần 1.000 khu công nghiệp cụm công nghiệp (CCN) nhỏ do địa phương quản lý. Hầu hết các KCN đều có quy mô nhỏ, có diện tích dưới 200 hécta. Tại TP.HCM, KCX Tân Thuận là KCN đặc thù đầu tiên được cấp giấy phép hoạt động năm 1991. Sau 25 năm, hệ thống các KCN đã có nhiều đóng góp tích cực cho thành công về mặt kinh tế – xã hội: Hằng năm doanh nghiệp trong các KCN, KCX tạo ra: Khoảng 33 tỉ USD trị giá hàng công nghiệp, chiếm gần 40% giá trị sản xuất công nghiệp; gần 50% giá trị xuất khẩu của cả nước; nộp ngân sách hằng năm khoảng 20.000 tỉ đồng; giải quyết việc làm cho khoảng trên 1,5 triệu lao động làm việc trực tiếp (chưa kể đến việc làm gián tiếp qua dịch vụ và hiệu ứng lan tỏa).
Có thể nói, việc thành lập các KCN, CCN là xu hướng tất yếu để quản lý tập trung hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, công tác quy hoạch và quản lý các KCN, CCN còn nhiều bất cập. Một số nhóm lợi ích gắn liền với sự phát triển của KCN, CCN gồm chính quyền các cấp, nhà đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp thuê đất,… có những mối quan tâm khác nhau đến KCN, CCN gây ra những khó khăn nhất định trong công tác quản lý. Ngoài ra, hiện nay việc phân quyền quản lý cho các bên liên quan chưa thật sự rõ ràng dẫn đến sự chồng chéo, những lỗ hổng trong việc quản lý, nhất là việc bảo vệ môi trường ở các KCN.
Một số KCN vẫn còn vi phạm những quy định về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm
Theo GS-TS Võ Thanh Thu, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, bên cạnh việc đóng góp lớn cho nền kinh tế tăng trưởng, mặt trái của việc phát triển hệ thống KCN là gây ra những hệ quả về môi trường, xã hội. KCN được xây dựng một cách ồạt, hầu như tỉnh nào cũng phát triển KCN, nhưng hiệu quả không cao là một sự lãng phí lớn. Hà Nội là trung tâm hành chính của cả nước và cũng là một trong những trung tâm công nghiệp lớn, hiện có 19 KCN-KCX tập trung với tổng diện tích 7.526ha và 40 KCN nhỏ, CCN, nhưng đến nay mới có 8/19 KCN hoạt động. Đồng bằng Sông Cửu Long có 74 KCN và 214 CCN đã được phê duyệt với tổng diện tích 42.559ha, đến nay qua kiểm tra, diện tích đất tại KCN, CCN hoàn thiện hạ tầng được doanh nghiệp thuê chỉ 14.632ha, còn lại 27.927ha (chiếm 65,6% tổng diện tích phê duyệt) bị bỏ hoang.
Theo Cục Cảnh sát môi trường, trong năm 2009-2010, có tới 50% KCN-KCX trong cả nước chưa xây dựng hệ thống xử lý chất thải rắn và lỏng đúng quy định. Đáng lo ngại là các doanh nghiệp chỉ xây dựng có hình thức để đối phó và cố tình vi phạm, xả thải trực tiếp ra môi trường bằng hệ thống bí mật. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước do hoạt động của KCN gây ra cũng đáng lo ngại. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỷ lệ các KCN có trạm xử lý nước thải tập trung chỉ chiếm 66%, có khoảng 70% lượng nước thải từ các KCN xả thẳng ra môi trường không qua xử lý. Các chuyên gia môi trường đều có chung nhận định: “Vấn đề ô nhiễm môi trường KCN, CCN đang trở thành một vấn đề môi trường cấp bách, làm suy thoái môi trường, đe dọa trực tiếp đến các thành quả về phát triển kinh tế – xã hội và tác động trực tiếp đến sức khỏe của người dân”. Như vậy, hoạt động của các KCN chỉ mới tác động tới nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa chứ chưa tham gia tích cực vào quá trình “hiện đại hóa” nền kinh tế đất nước.
Công tác kiểm tra, bảo vệ môi trường ở KCN còn lỏng lẻo
Trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật và các cơ chế, chính sách về quản lý môi trường, nhưng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường các KCN, CCN vẫn thiếu hoặc chưa đồng bộ, một số văn bản thiếu tính liên kết, chưa phù hợp với tính đặc thù của loại hình hoạt động này nên phần nào đã gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình thanh tra, kiểm tra cũng như các cơ sở sản xuất. PGS-TS Phùng Chí Sỹ – Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ môi trường cho biết, mặc dù công cụ chính sách đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được ban hành nhằm sàng lọc những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tuy nhiên thực tế là sau quá trình ĐTM, một số dự án đầu tư trong KCN, CCN có trình độ công nghệ lạc hậu vẫn được đưa vào sản xuất, gây ô nhiễm môi trường kéo dài, rất khó giải quyết.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (TP.HCM) cho biết, hiện nay vấn đề bảo vệ môi trường nói chung và vấn đề giải quyết các tranh chấp, các vi phạm về môi trường nói riêng vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi phải có sự can thiệp của các cơ quan tư pháp. Vấn đề ô nhiễm, suy thoái môi trường ngày càng trầm trọng làm phát sinh và gia tăng các tranh chấp môi trường giữa một bên là doanh nghiệp gây ô nhiễm và bên còn lại là người dân bị thiệt hại. Đã có nhiều sự việc xảy ra tranh chấp trong thời gian qua, điển hình như các vụ người dân Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM kiện Công ty Vedan Việt Nam vì hành vi xả thải sai quy định của công ty này tại lưu vực sông Thị Vải gây ô nhiễm, thiệt hại lớn cho các hộ dân vào tháng 9-2008; tranh chấp giữa người dân Đồng Nai và Công ty Sonadezi Long Thành tại Đồng Nai vào tháng 8-2011 cũng do công ty này xả thải không qua xử lý; vụ người dân Hải Dương kiện Công ty Tung Kuang (đặt tại huyện Cẩm Giàng) vào 4-2011 do công ty này xả thải có hóa chất độc hại vượt quy định; hoặc gần đây là tranh chấp giữa người dân huyện Cẩm Định, Thanh Hóa và Công ty Nicotex Thanh Thái do việc công ty này chôn thuốc bảo vệ thực vật, chất thải xuống lòng đất, gây ô nhiễm môi trường xung quanh…
Hệ thống xử lý nước thải của KCN Tam Phước đang xây dựng
Giải pháp phát triển bền vững KCN
Luật sư Hậu cho rằng ngoài ý thức của doanh nghiệp, nguyên nhân dẫn đến các sự việc trên còn do chính quyền chưa nhận thức đầy đủ, đúng mức về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường đối với sự nghiệp phát triển bền vững đất nước; còn tồn tại khoảng cách lớn giữa nhận thức và hành động, giữa cam kết và thực hiện. Đặc biệt, trong chỉ đạo, điều hành, tư tưởng “ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế” mà xem nhẹ yêu cầu bảo vệ môi trường còn phổ biến ở chính quyền các cấp.
Vì vậy, những giải pháp phát triển bền vững KCN đã được các chuyên gia đưa ra sát với tình hình thực tế, và thực hiện từng bước. Xây dựng chiến lược phát triển các KCN theo vùng kinh tế: Vùng trọng điểm miền TâyNambộ; vùng kinh tế trọng điểm phíaNam; miền Trung và phía Bắc… Mỗi vùng phải thể hiện thế mạnh của mình trong phát triển KCN, không nên xây dựng các vùng kinh tế có lợi thế khác nhau mà lại có một mô hình phát triển KCN giống nhau. Bên cạnh đó, hoàn thiện các bộ luật và các văn bản pháp quy tạo hành lang pháp lý cho việc chống ô nhiễm môi trường, sử dụng tốt nguồn nhân lực, khuyến khích thu hút các dự án công nghệ cao, dự án xanh thân thiện với môi trường.
Ngân An
Ảnh Tuấn Phạm