Một người thốt lên ở Phây (Facebook) như vậy. Mà cũng phải thôi, tính chất của Phây là cảm xúc thay đổi từng giờ.
Mới hôm nào ồ ạt chửi những người hôi bia, kêu gọi ủng hộ anh tài xế xe chở bia bị nạn. Mấy hôm sau đã quay ra chửi anh này, kể tội anh gây tai nạn, nhận nhiều tiền.
Anh tài xế này yêu cầu không nhận nữa, xin trả lại tiền ủng hộ vì được hãng bia Tiger không bắt đền, thì lập tức anh khốn khổ bởi những người đến lấy lại tiền có cả những kẻ lợi dụng lừa đảo, dù không gửi cho nhưng nay vẫn đến lấy lại. Đúng là con người lòng dạ không ai đo được. Tai họa cũng đủ kiểu “ngạc nhiên chưa”.
Bà xã là người bận rộn nhất nhà nhưng lại bền bỉ bám Phây hơn ông chồng, thông tin thẩm thấu cũng sâu sắc nhạy bén hơn. Cô ấy nói: Mở diễn đàn về vụ bảo mẫu (quần jeans kính cận chứ không phải dân thất học) kẹp đầu trẻ mầm non vào háng đánh như đánh quân thù, diễn đàn để chửi hay là tìm giải pháp? Chẳng ăn thua. Chỉ mấy bà mẹ trẻ căm hờn nhảy vào… chửi lên trời.
- Xem thêm: Chuyện gì cũng lên phây?
Tức là chửi chẳng ăn thua gì. Tàn ác vô luân xấu xa… không còn từ nào mạnh hơn nữa vì bao nhiêu đem xài vào đây cũng bất lực không diễn đạt hết. Có người nói, phải phân tích tại sao con công nhân nghèo không vào được trường công, phải gửi chui nơi không đạt chuẩn? (Bữa trước có vợ chồng công nhân nhập cư, có bằng đại học nhưng không xin được việc làm, ở nhà trọ, gửi con chui, bị người giữ đạp cho đứa trẻ vỡ cả gan mà chết, bắt cô ta bỏ tù thì lại lòi ra kẻ khác…).
Hoặc sao không viết về giải pháp? “Xin lỗi cuộc đời” (chẳng lẽ chửi thề) chứ tất cả việc này bàn rồi, có ai giải quyết được đâu. Chưa kịp hoàn hồn, lại có chuyện phải chửi tiếp – đám nhà báo xúm vào chụp hai cô bảo mẫu ác quỷ chắc là nhà chức trách bắt đứng cho báo chí chụp – “Đạo đức nghề báo đâu rồi, đám phóng viên “hôi bảo mẫu” khác gì hôi bia”. Tòa soạn phân công phải làm, không có tin tức hình ảnh là không được.
Thế sao không phê phán phóng viên đầu tiên đã quay cảnh đánh đập tàn ác đó, sao không can thiệp ngăn chặn mà cắm vào máy quay lia lịa? Có khác gì cái anh nhiếp ảnh nước ngoài chụp đứa trẻ da đen đang hấp hối vì đói, con kền kền đang chờ bên cạnh. Anh bị lên án, ám ảnh đến mức sau này tự tử. Bài học đạo đức báo chí quá cao sang không thể nào học được chăng?
Cô vợ cứ thế bàn luận. Anh chồng nói, bệnh tâm thần của xã hội đó, phải để chuyên gia tâm thần học phân tích, cả xã hội… “bị thần kinh” căng thẳng quá đó. Người lớn phát khùng, trẻ thơ lãnh đủ.
Cô vợ nói, hai cô bảo mẫu này trông văn minh lắm, có tâm thần gì đâu. Bảo họ tâm thần coi như gỡ tội cho họ à. Thế thì phải có chuyên gia tâm lý xã hội. Một xã hội không còn gì là cơ chế tự kìm giữ của con người nữa thì sẽ như thế.
Chẳng còn gì đáng sợ, ác mấy vẫn bình thường vì còn nhiều kẻ ác hơn. Ngày mai lại có cái ác hơn hôm nay, đấy, cứ ăn cướp của dân hàng ngàn tỉ đồng đó, gã chồng chém vợ mang bầu lòi cả con ba mươi bảy tuần đó…
Chưa kịp kết luận gì, cô vợ reo lên, anh nghe này, có người viết này: “Theo tin rò rỉ của Cục Điều tra Liên bang Mỹ và Cục Tình báo Anh, xăng đã tăng giá lúc thiên hạ đang bận sôi máu chửi bảo mẫu đánh trẻ em”.
- Xem thêm: Vui buồn chuyện “phây”
Thông minh quá cái status chửi này. Là vì bữa trước cũng có quan chức ngành xăng dầu gì đó lên báo thanh minh, không phải chúng tôi lừa lúc bà con chúi vào xem đội nhà Việt Nam đá banh với câu lạc bộ Arsenal để tăng giá xăng đâu. Giờ thì đúng nhé, đang sôi máu chửi mấy bảo mẫu đánh trẻ, xăng lại tăng cái vù.
Hèn gì lãnh đạo một số nước phát triển họ xài mạng xã hội, ở đó lắm thứ chửi, nhiều kiểu hành xử nhưng họ nghe không phải để “bắt thù địch” mà là để thấy rõ lòng dân chúng, rõ thêm trách nhiệm của mình. Chắc tại bên đó không có làng Vũ Đại. Tội nghiệp quá…