Tuần vừa qua, cha mẹ tôi đến Việt Nam lần đầu. Họ sang thăm cô con gái thứ hai bé nhỏ của chúng tôi và gặp gia đình thông gia. Chuyến đi khiến họ vô cùng hứng thú. Trong con mắt của người lần đầu đến Việt Nam, họ phát hiện ra vô số điều bất ngờ.
Chưa có thói quen sử dụng thang máy
Đúng như dự đoán của tôi, điều khiến họ bất ngờ đầu tiên là việc sử dụng thang máy của người dân trong khu chung cư mà chúng tôi sống. Ở đây, người đứng ngoài thường không có thói quen chờ cho người bên trong thang máy ra hết rồi mới vào. Thật là bất tiện cho những ai ở trong đang muốn đi ra khi nhiều người bên ngoài cứ chen vào thật nhanh. Điều này cũng thật phi lý, bởi thang cũng có di chuyển được đâu nếu những ai đang cần ra chưa đi ra hết khỏi thang máy.
Bên cạnh đó, việc nhấn nút lên hay xuống nhiều hơn một lần không có nghĩa là thang máy sẽ đi nhanh hơn hay chậm hơn. Thật ngạc nhiên khi có nhiều người cố ấn mấy lần như thể làm như vậy họ sẽ khiến thang máy tăng tốc. Số lượng người nhấn cùng lúc cả nút lên lẫn nút xuống cũng nhiều đến mức đáng kinh ngạc. Nhiều khi chúng tôi nhìn thấy một người nào đó đã ở trong, thang đóng và đi lên. Một chút sau thang xuống, cửa mở ra và vẫn là người đó ở trong thang máy. Những lần sau đó, đến nhiều khu chung cư khác tôi nhận ra rất ít nơi người dân sử dụng thang máy như ở chung cư tôi đang sống. Tôi nghĩ rằng chẳng qua là trình độ văn minh còn hạn chế ở một số người.
Sự cởi mở và thân thiện của người dân
Trong khi chúng tôi tự đánh giá rằng mình là những người Anh thân thiện, sự hiếu khách và cởi mở của người dân nơi đây vẫn khiến chúng tôi bất ngờ.
Là một nhiếp ảnh gia, cha tôi rất thích chụp lại tất cả những gì mà ông thấy. Ví dụ, có lần ông gặp vài người đàn ông đang hì hục đẩy một chiếc xe hàng to nặng. Ông liền dừng lại, lấy ngay máy ra chụp ảnh. Ban đầu những người đẩy xe có vẻ bối rối, nhưng chỉ sau vài giây, họ cười vui vẻ cho ông chụp và có vẻ rất thích thú khi được quan tâm đến.
Khi đi loanh quanh trong những khu chợ nhỏ, cha mẹ tôi cũng rất ngạc nhiên vì những nụ cười và sự hiếu khách mà ông nhận được. Lúc đầu họ cho rằng sự thân thiện ấy xuất phát từ việc các chủ sạp muốn bán được hàng. Nhưng rồi họ phát hiện ra mình nhầm. Người chủ cửa hàng chỉ muốn mời họ dùng thử ít trà và trái cây. Sau khoảng gần một tiếng trò chuyện vui vẻ, cha mẹ tôi không phải trả chút tiền nào cả. Điều này chắc chắn không thể xảy ra ở Anh.
Giao thông náo nhiệt nhưng vẫn hợp lý
Khi cha tôi đến Sài Gòn, điều đầu tiên ông làm là ngồi lên sau xe máy để tôi chở đi vòng quanh quận 7. Lúc đầu, ông có vẻ rất căng thẳng vì những chiếc xe đạp, xe máy khác có thể xuất hiện bất cứ lúc nào từ mọi phía. Nhưng dần dần, ông thư giãn hơn và nhận ra rằng đường phố Sài Gòn vô cùng đông đúc nhưng vẫn có kiểu trật tự riêng của nó.
Ông nhanh chóng học được rằng có các biển báo không có nghĩa là xe sẽ rẽ trái hay phải. Điều quan trọng nhất là người lái xe chạy sau cần phải cẩn thận bởi vì điều gì cũng có thể xảy ra với chiếc xe đi phía trước. Bấm còi không thật sự có nghĩa là người lái xe nổi giận như ở Anh, mà nó chỉ cho biết người phía sau muốn xin vượt. Thêm vào đó, mặc dù đường phố rất đông đúc và lộn xộn, nhưng tai nạn lại không phải lúc nào cũng xảy ra vì tốc độ lưu thông khá chậm. Cha mẹ tôi dần dần nhận ra giao thông ở đây không đến mức quá nguy hiểm như họ tưởng lúc đầu.
Tóm lại, họ khá ngạc nhiên và có nhiều ấn tượng tốt về Việt Nam. Họ cũng hiểu hơn lý do vì sao tôi thích sống ở đây. Tôi nghĩ những ai mới đến Việt Nam đều nhận thấy những điểm khác biệt trên. Điều quan trọng là hãy tiếp nhận những điểm khác biệt ấy với thái độ cởi mở. Khi ấy, vốn hiểu biết về văn hóa của chúng ta mới có thể đa dạng hơn. Và như mọi người thường nói, sự đa dạng là gia vị của cuộc sống.
Lê Tâm dịch