Với tốc độ phát triển kinh tế nhanh, hai địa phương này thu hút hơn 1 triệu công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp, trong đó lao động nhập cư đến làm việc tại Đồng Nai chiếm hơn 60% trong tổng số 744.000 công nhân, còn tại Bình Dương lao động nhập cư chiếm đến 85,5% trong số gần 819.000 công nhân.
Tại hội thảo “Thực thi quyền của người lao động di cư miền Trung ở các khu công nghiệp” tổ chức tại Đồng Nai ngày 6-12, vấn đề bảo đảm đời sống của người lao động xa xứ được các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đặc biệt quan tâm.
Trong phạm vi hẹp mà nhóm nghiên cứu đưa ra, ở các doanh nghiệp sản xuất giày dép có vốn FDI tại tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, lao động di cư miền Trung đến làm việc chiếm một tỷ lệ lớn, dẫn đầu là Thanh Hóa 37,7%, Nghệ An 22,6%, Hà Tĩnh 14,1%…
Lao động làm việc trong các khu công nghiệp phần lớn đến từ miền Trung
Theo các nhà chuyên môn, do xa nhà, không có người thân, các công nhân này phải ở nhà trọ trong điều kiện thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Xuất thân từ nông dân, nông thôn đến với lao động công nghiệp nên trình độ học vấn, nhận thức còn thấp, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, tính tổ chức kỷ luật chưa cao, cơ hội tìm bạn đời hạn hẹp…
Thực tế tại Đồng Nai, có hơn 120.000 lao động làm việc tại các doanh nghiệp giày da, mà phần lớn là nữ, sinh sống ở các xóm trọ và gần như không còn cơ hội lập gia đình. Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, mức tiền lương cơ bản bình quân của người lao động một tháng là 2,5 triệu đồng. Còn tại Đồng Nai, tiền lương cơ bản của người lao động từ 2,5 đến 2,7 triệu đồng/tháng. Đó là lương cơ bản, để có thêm thu nhập, người lao động phải tăng ca để hưởng phụ cấp ngoài giờ, tiền chuyên cần, tiền ăn… Nhờ vậy mức thu nhập bình quân của người lao động trực tiếp sản xuất tại Đồng Nai là từ 3,8 đến 4,4 triệu đồng/tháng. Đây chỉ là khoản tiền nhỏ trong tình hình giá cả hiện nay.
Gia Minh tổng hợp