Câu chuyện thủy điện lại một lần nữa làm nóng diễn đàn Quốc hội hồi tuần rồi. Bây giờ cứ nhắc đến thủy điện thì người dân, đặc biệt là những người sống ở vùng hạ du các con sông, không còn nghĩ đây là nguồn năng lượng sạch như ngày xưa họ đã từng được biết mà nó chính là nguồn gốc gây ra tai họa. Vậy mà đối với các vị lãnh đạo ở trung ương thì việc chỉ đích danh ai là người chịu trách nhiệm về những bất cập trong việc quy hoạch, cấp phép cho các dự án thủy điện vừa qua xem ra là điều vô cùng khó.
[dropcap style=”1″ size=”3″]T[/dropcap]ại phiên thảo luận của Quốc hội chiều ngày 13-11 về kết quả rà soát quy hoạch thủy điện, những người có quan tâm đến lĩnh vực thủy điện đều không khỏi ngạc nhiên với lời khẳng định của Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng.
Ông nói: “Quy hoạch thủy điện trải qua nhiều thời kỳ là quy hoạch chung của cả nước chứ không phải quy hoạch riêng của Chính phủ hay Bộ Công thương… Chúng ta nói về chúng ta chứ không phải chúng ta nói về Chính phủ, cũng không phải chúng ta chỉ nói về bộ, ngành này hay bộ, ngành khác mà chúng ta nói về chúng ta”.
Sự ngạc nhiên đầu tiên chính là nằm ở chữ “chúng ta”.
Thực ra, lâu nay, người dân vẫn thường được nghe các vị lãnh đạo trong Chính phủ, Quốc hội, thậm chí đến các chuyên gia kinh tế, khi đề cập đến những nguyên nhân chủ quan gây ra khuyết điểm, sai sót trên một lĩnh vực hay một vụ việc cụ thể nào đó thường hay dùng chữ “chúng ta”. Ví dụ: khi nói đến các sai phạm xảy ra tại các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước nguyên nhân thường được chỉ ra là do chúng ta buông lỏng quản lý nhà nước. Chúng ta cụ thểở đây là ai? Có lần một người bạn nước ngoài cũng đã thắc mắc với người viết như vậy. Và câu trả lời là có thể do tâm lý né tránh đụng chạm, “anh không đụng đến tôi thì tôi cũng sẽ không đụng đến anh” hoặc là do thói quen sống lâu trong một xã hội mà trách nhiệm cá nhân không được đề cao, mọi việc đều dựa vào tập thể.
Quay trở lại với sự việc trên, có lẽ người nghe khó bị thuyết phục khi bộ trưởng bảo rằng “chúng ta nói về chúng ta chứ không phải chúng ta nói về Chính phủ, cũng không phải chúng ta chỉ nói về bộ, ngành này hay bộ, ngành khác mà chúng ta nói về chúng ta”.
Thủy điện sông Ba Hạ (Phú Yên) xả lũ
Tại sao bộ trưởng không thể chỉ đích danh “chúng ta” ở đây là ai mà phải dùng một cụm từ rất mơ hồ là “chúng ta nói về chúng ta”? Làm gì có cái quy hoạch nào là quy hoạch của chúng ta?
Thực tế, từ năm 2006 trở về trước, Thủ tướng phê duyệt quy hoạch các thủy điện bậc thang, Bộ Công nghiệp lúc đó phê duyệt các dự án vừa, nhỏ. Từ năm 2006 đến nay, theo phân cấp thì tất cả dự án thủy điện nhỏ đều do địa phương phê duyệt quy hoạch. Trước khi ký phê duyệt, địa phương có tham khảo ý kiến các bộ, ngành trung ương nhưng quyền quyết định vẫn là của địa phương. 65% thủy điện nhỏ đã được quy hoạch là do địa phương phê duyệt. Trung ương chỉ có 35%.
Đến đây có thể thấy địa phương là một thành phần trong nhóm được gọi là “chúng ta”, còn trung ương là ai?
Vậy thì việc chỉ ra ai phải chịu trách nhiệm về những bất cập trong việc quy hoạch thủy điện thực ra không phải là điều quá khó nếu như những người có trách nhiệm muốn làm.
[dropcap style=”1″ size=”3″]Đ[/dropcap]iều gây ra sự ngạc nhiên thứ hai trong phát biểu của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đó là “quy hoạch thủy điện chủ yếu mang tính định hướng, thể hiện mong muốn, vì thế quy hoạch thủy điện không phải quy hoạch bất biến, cố định mà là quy hoạch mở, động, luôn phải được rà soát, sửa đổi, loại bỏ những cái không khả thi và bổ sung những cái khả thi”.
Nói như vậy cũng có thể hiểu là vẫn còn cửa cho các nhà đầu tư muốn làm thủy điện ở Việt Nam, kể cả là thủy điện nhỏ.
Hiện nay, theo báo cáo của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, trên 90% tiềm năng kinh tế kỹ thuật thủy điện ở nước ta đã được khai thác. Hiện số lượng dự án thủy điện nhỏ, dưới 30MW, chiếm đến 90% tổng số dự án trong quy hoạch. Cụ thể là có đến 1.109 dự án thủy điện nhỏ trong tổng số 1.239 dự án đã được phê duyệt, nhưng chỉ chiếm 26% tổng công suất phát điện.
Và điều đáng nói hơn ở đây là những hậu quả do các dự án thủy điện nhỏ và vừa gây ra lại vô cùng lớn. Cái quy trình ngược “tích nước vào mùa khô, và xả lũ vào mùa mưa” mà các nhà máy thủy điện đang thực hiện đã khiến nhiều địa phương thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, còn đến mùa mưa lũ thì nhiều khu vực, làng mạc ngập chìm trong biển nước, tài sản, tính mạng của người dân lâm vào tình thế sẵn sàng trôi theo dòng nước.
Thật đáng buồn là những chuyện ngày xưa vốn là bất thường nay đang dần trở nên quen thuộc vì tần suất xuất hiện ngày càng dày hơn, như chuyện người dân bị nước cuốn trôi do thủy điện xả lũ. Giờ đây khi nói đến thủy điện, người ta thường nghĩ ngay đến những tai họa mà nó mang lại chẳng khác gì bão, lũ thiên tai vẫn kéo đến hằng năm.
Kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư và vận hành các dự án thủy điện của chính phủ cho biết gần 30% số đập thủy điện nhỏ chưa được kiểm định, khoảng 66% số đập chưa được phê duyệt phương án bảo vệ, gần một nửa các chủ đập chưa có phương án phòng chống bão lũ… Thực trạng này cho thấy sự an toàn của các đập thủy điện vẫn chưa được quan tâm đúng mức trong khi hậu quả đã nhãn tiền. Có lẽ đã đến lúc phải đóng cửa với thủy điện nhỏ chứ không thể nói như người đứng đầu Bộ Công thương được nữa rồi.
Và điều gây ngạc nhiên thứ ba là “riêng về mặt tổn thất, hôm nay trước diễn đàn Quốc hội, với tư cách bộ trưởng Bộ Công thương, tôi xin khẳng định trong số 424 dự án bị loại bỏ, trừ dự án Đồng Nai 6 và 6A thì tất cả hầu như không có chi phí gì vì mới ở giai đoạn nghiên cứu. Nếu có ý kiến cho rằng việc dừng như thế là gây tổn thất cho nhà đầu tư thì tôi xin khẳng định không có căn cứ”, ông Vũ Huy Hoàng cam đoan.
Thông thường, để một dự án được đưa vào quy hoạch chủ đầu tư phải tốn không ít tiền bạc, công sức để đáp ứng các yêu cầu thẩm định của các cơ quan chức năng. Nhưng ở đây, Bộ trưởng đã khẳng định tất cả dự án bị loại ra khỏi quy hoạch, trừ dự án Đồng Nai 6 và 6A, đều mới ở giai đoạn nghiên cứu, hầu như không có chi phí gì.
Với nội dung này, người dân không thể không đặt câu hỏi. Vì sao có những dự án không khả thi vẫn được đưa vào quy hoạch? Ai ký quyết định đưa vào và họ chịu trách nhiệm đến đâu? Vì sao không có luật lệ hay ít hơn cũng là biện pháp hành chính hay chế tài nào đó đối với những người đã tạo ra tình trạng loạn quy hoạch thủy điện?
Rõ ràng việc loại bỏ được 424 dự án và tạm dừng 136 dự án khác chỉ sau chín tháng rà soát đã cho thấy việc phê duyệt dự án để đưa vào quy hoạch trước đó là không xác đáng và thiếu cẩn trọng ra sao.
Quế Thanh