Đợt mưa lũ từ đêm 14 đến rạng sáng ngày 17-11 ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên là một minh chứng hùng hồn cho sự kết hợp giữa thiên tai và nhân tai. Lũ trên các sông từ Thừa Thiên – Huế đến Phú Yên đã dâng đột ngột, xấp xỉ báo động 3. Các nơi như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đã lặp lại mức lũ lịch sử năm 1999 và 2009. Theo thống kê sơ bộ của báo Lao Động mưa lũ đã làm 36 người chết, 10 người mất tích, hàng trăm ngàn dân phải sơ tán trong đêm để tránh lũ, hàng trăm ngàn nhà dân bị chìm sâu trong nước. Trong đó, nặng nhất là Quảng Ngãi có 15 người chết, Bình Định: 13, Quảng Nam: 5, Kom Tum: 1, Gia Lai: 1; Phú Yên: 1 người chết.
Diễn biến lũ càng trở nên hung hãn, bất thường, khó đoán định khi có sự tham gia xả lũ của hàng loạt nhà máy thủy điện.
Theo Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung – Tây Nguyên, tính đến 6 giờ sáng ngày 16-11, 15 nhà máy thủy điện trong khu vực đã đồng loạt xả lũ, trong đó chín hồ xả lũ với lưu lượng lớn hơn 400 m3/s như Bình Điền (Thừa Thiên – Huế) 654 m3/s; Hương Điền (Thừa Thiên – Huế) 636 m3/s; Sông Tranh 2 (Quảng Nam) 2.352 m3/s; Sông Ba Hạ (Phú Yên) 2.400 m3/s; Ya Ly (Kon Tum) 2.000 m3/s; PleiKrông (Kon Tum) 602 m3/s; Sê San 3 (Gia Lai) 1.920 m3/s; Sê San 4 (Gia Lai) 2.356 m3/s; Sê San 4A (Gia Lai) 2.472 m3/s.
Một lần nữa, chuyện các nhà máy thủy điện không thể vô can trong việc gây ra thảm họa cho người dân cần phải được các vị đại biểu Quốc hội, các nhà điều hành kinh tế mổ xẻ tới nơi tới chốn.
Thủy điện nhỏ nên công suất phát điện không lớn, nhưng nó mang lại nguồn lợi rất lớn cho một nhóm lợi ích. Chỉ số ít người được hưởng lợi từ thủy điện nhỏ, nhưng một số đông, thậm chí là rất lớn, đang phải gánh chịu hậu quả từ thủy điện nhỏ do nạn phá rừng, bán gỗ. Cái giá phải trả cho việc có điện là quá lớn.
Đây là lúc phải nêu đích danh ai phải chịu trách nhiệm chính khi đặt bút ký phê duyệt quy hoạch hàng trăm thủy điện nhỏ ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên; ai chịu trách nhiệm liên đới khi đã tham mưu, cho ý kiến, nói khác hơn là tiếp tay, cho các quy hoạch này. Và không thể lặp lại cái cảnh người dân phải ngụp lặn, vùng vẫy giữa dòng nước lũ để giành giật và giữ lại sinh mạng, tài sản của chính họ.
Được biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa yêu cầu chính phủ khẩn trương nghiên cứu sửa đổi bổ sung Nghị định số 72/2007 về quản lý an toàn đập thủy điện thủy lợi để bảo đảm an toàn tuyệt đối mùa mưa lũ.
Quỳnh Như