Ở quê tôi, nhà nào cũng có một cây cầu ván, hay lót những tấm xi măng, đôi khi có nhà dùng thân cây dừa, bắt dưới bến sông. Ví nôm na như một bến cảng thu nhỏ, đi chợ huyện, hay đi xa mua bán cũng từ chiếc cầu này dẫn bước chân xuống ghe, xuồng.
Mỗi ngày là nơi hội tụ gia đình tắm giặt, gánh nước lên cho vào lu, khạp lóng phèn dành cho việc nấu nướng, rửa mặt, súc miệng. Sau hai bữa cơm trưa, chiều, mẹ hay chị xuống ngồi rửa chén. Đây cũng là nơi ngồi câu cá lý tưởng của bọn trẻ tôi. Khi gió chướng ùa về trong những ngày sắp cạn kiệt hạt mưa, cá lòng tong hay tụ tập về đây vào thời điểm mẹ rửa chén. Những giề mở nổi lều bều trên mặt nước sông, hấp dẫn bầy cá lòng tong háu ăn kéo đến tranh nhau đớp mở và lặn tìm nhặt thức ăn thừa, đặc biệt là cơm. “Dài lưng hẹp nách là cá lòng tong”. Đây là giống cá lòng tong đá, thích hợp sống những nơi có nước sâu như sông, thân lớn, có chỉ viềng màu vàng, thịt dai, thơm, ngọt.
Cá lòng tương đối ăn tạp như: trùn chỉ, cơm nguội, nhưng nói gì thì nói, mồi khoái khẩu của chúng vẫn là món trứng kiếng vàng. Việc câu cá đối với lũ trẻ trâu chúng tôi hồi đó là thú vui giải trí, bên cạnh cũng là câu có cá để mà ăn. Rất đơn giản, chỉ cần ra vườn tìm chặt một cây tre già, cưa một khúc dài khoảng 1m – 1,2m, dùng dao chẻ dọc rồi bào, chuốt tro thân cây tre hơi tròn. Nếu điệu nghệ hơn tìm chặt một cây trúc thì “tuyệt cú mèo”. Ra chợ mua dây nhợ.
Chỉ cần nói với bà bán hàng mua dây và lưỡi câu cá lòng tong, tức thì bà bán y chang. Những lúc nơi cầu không có ai ngồi rửa chén, bọn tôi thảy cám mịn xuống nổi trên mặt nước, bầy cá bén hơi rủ nhau đến. Chỉ cần móc hạt cơm nguội vào lưỡi câu, thảy xuống, cá sẽ đớp ngay mà giựt lên, nhanh tay, khéo léo cầm đầu cá gỡ lưỡi ra khỏi mép miệng, thảy nó vào thùng thiếc hay thau có một ít nước cho cá bơi tránh bị ngộp chết. Cá sau khi câu đem về còn sống, bơi trong thùng.
Tôi hồi nhỏ rất háo thắng, bất cứ trò chơi nào cũng muốn mình nổi trội hơn chúng bạn. Vì muốn câu được nhiều cá hơn, tôi lén vào vườn bà Sáu, trèo lên cây cam, tìm bắt ổ kiến vàng. Nghe nói ngỡ đâu là dễ dàng, nhưng thật ra chua lè, không dễ chút nào. Phải bẻ cả nhánh cây mà ổ kiến bám vào, bên ngoài những chiếc lá ốp lại, có rất nhiều các chiến binh canh giữ bảo vệ trứng. Khi chúng đánh hơi được có người liền báo động tập hợp, tổ chức tấn công
Tôi ngồi chịu trận trên cây mà không dám dùng tay phủi không khéo lại bị té. Những cú cắn đau nhức khó chịu ấy, làm da thịt tôi nổi lên những mận ửng đỏ như bị dị ứng nổi mề đay. Ngỡ đã êm xuôi, vừa nhảy xuống đất, tay cầm ổ kiến, chưa kịp hí hửng thì bàn tay của bà Sáu đã nắm chặt tay tôi. Bà dắt tôi vừa đi, miệng vừa chửi, đến nhà, bà mắng vốn mẹ tôi. Nào là thằng con trai chị nó vào vườn tôi phá phách, bẻ nhánh, trộm ổ kiến. Chị có biết không, tôi phải mất nhiều ngày treo ruột con lươn lên các cây dụ kiến tụ về làm tổ sinh sản tạo bầy đàn, giúp cho trái cam có vỏ mỏng, ruột nhiều nước, ngọt thì bán mới có giá. Tôi thân đau nhức do bị kiến cắn đã đành, vậy mà còn bị thêm trận đòn roi mây của mẹ quất lên cặp mông, hằn những lằn đỏ.
Ngoài loại cá lòng tong đá trong sông còn có loại khác là lòng tong bay, có thân hình nhỏ hơn màu hơi xanh bạc, thịt cũng thơm ngon. Tập quán của chúng sống theo bầy đàn, thường ở những nơi có mực nước cạn như đồng, ruộng, kênh, rạch, vì vậy không thể câu mà dùng lọp đặt, giăng, kéo lưới để bắt. Cá này chiên vàng, ăn cả xương nhai giòn rụm, rất béo, thơm ngon hay làm mắm chua hoặc nấu canh với rau tạp tàng hái trong vườn, ngoài đồng như: rau trai, diệu, rau má, cải trời, đọt nhãn lồng… Nhắc đến nấu canh, tôi chợt nhớ, hồi đó bọn tôi vừa chập chững đến trường ngồi lớp năm (lớp 1) của bậc tiểu học hay hát nghêu ngao: “Ngày trở về, anh xuống sông, bắt cá lòng tong nấu canh bí đao, có ngờ đâu lòng tong chết chìm vì cá lìm kìm”.
Thật vậy, cá lòng tong mà nấu canh với bí đao thì nước canh thơm ngọt, húp vào một chén thôi, khi đi ngủ cơ thể mát khỏi phải cần quạt, chấp luôn mùa hè. Thu hoạch được nhiều cá, ngoài làm mắm chua, còn phơi làm khô dành cho ngày Tết. Số còn lại đem ra chợ huyện bán. “Chèo ghe bán cá lòng tong. Bớ chị ghe lồng muốn tía tôi không”. Niềm vui thương hồ là vậy, xuồng, ghe lênh đênh trên sông, bèo nước tình cờ gặp nhau, trai gái mượn hình ảnh con cá lòng tong để nói lên lòng mình và không thiếu những cuộc tình đẹp: “Con cá lòng tong ẩn bóng ăn rong. Anh đi lục tỉnh giáp vòng. Đến đây xui khiến đem lòng thương em”.
***
Hình ảnh con cá lòng tong gắn liền với tuổi thơ bọn tôi trong những lời ca, câu đố, ẩm thực. Tôi có một kỷ niệm nhớ mãi về cái ngu cùa mình. Hôm đó, cả bọn tổ chức trò chơi đố vui có phạt, đứa nào không giải được thì bị quẹt lên mặt một vệt lọ nồi. Tôi bắt cặp với thằng Bảy, hai đứa “đánh tù tì ra cái gì ra cái này”, tôi ra cây kéo, nó ra cái bao. Tôi được quyền ra câu đố trước: “Cây gì mà có năm cành. Ngâm nước thì héo để dành thì tươi”. Tôi khoái chí và tự tin mình sẽ thắng, nào dè, quỷ xui ma khiến thằng Bảy chợt “thông minh nhất nam tử”, nó giải đáp là bàn tay. Cả bọn nghe giải thích hình dung được và hiểu chấp nhận.
Tới phiên nó ra câu đố: “Một vũng nước trong, bầy lòng tong lội hoài không tới”. Không có đứa nào giải đáp được, lúc này nhìn cái bản mặt thằng Bảy vênh vênh tự đắc mà tức ứa máu. Cả bọn đầu hàng chịu thua, thằng Bảy, chỉ ngón tay lẻn cây dừa nói: là trái dừa trên đó đó. Không đứa nào đồng ý giải đáp của nó, nhao nháo kháng cự. Tôi thì kẻ trong cuộc đối đầu, nên bướng bỉnh, phùng man, trợn mắt, phù gân cổ lên cải với nó theo lập luận tuổi thơ mình: Con cá lòng tong ai cũng biết sống dưới sông, kênh, rạch, đồng, ruộng, chứ vũng nước sao mà sống được mà mầy đố “bơi hoài không tới”.
Nghe tôi cãi, thằng Bảy cũng đuối lý, nó nạt: Thôi mầy đừng nói vậy, bộ câu này của tao sao? Bác Tư thợ mộc dạy tao đó. Người lớn nói là đúng đâu có sai. Đưa mặt đây cho tao quẹt lọ đi. Hai đứa cãi qua cãi lại, không thằng nào chịu nhịn thằng nào, rồi a thần phù xáp vô tay đánh, chân đá loạn cào cào, khi mệt thì ôm nhau vật, té xuống sân, mình mẩy lem luốc sình bùn. Ngồi ngẫm nghĩ, tôi chợt hiểu thì ra con cá lòng tong đã có rất lâu đời trong đời sống sinh hoạt mua bán, tình cảm trai gái, ẩm thực của người dân, đặc biệt là người dân sống ở vùng quê sông nước miền Tây Nam bộ. “Thiếp như con cá lòng tong. Đói đem kho quẹt đỡ lòng trống không”. Thật vậy, nói gì thì nói,chứ món cá lòng tong kho tiêu là ngon tuyệt trần.
Tùy theo sở thích và nhu cầu của mỗi gia đình mà có cách làm cá khác nhau, có thể dùng dao nhỏ cạo vảy, cắt đuôi, cắt bỏ đầu, móc ruột hoặc để đầu, móc hầu rút phần ruột ra, nhưng phải chú ý tránh làm dập mật. Sau đó, rửa cá bằng nước sạch, có gia đình thì cho cá vào chiếc rổ tre thưa, đem xuống cầu dưới bến sông, dùng tay chà nhè nhẹ cho bong lớp vảy. Cá đã được rửa sạch cho vào rổ để rỏ nước, nếu đặt nơi có chút ánh nắng nhẹ càng hay vì thịt cá sau khi kho sẽ dai ngon hơn.
Kế đó cho cá vào chiếc ơ bằng đất nung, ơ này chuyên dành cho việc kho khô, kho quẹt trong gia đình. Đập vài tép tỏi, hành, ớt nhuyễn ướp vào cá, chút nước màu được thắng từ nước dừa xiêm, chút đường, bột ngọt, nước mắm hòn Phú Quốc loại ngon, dầu ăn hay mỡ nước. Trộn đều, để chừng 5 đến 10 phút cho gia vị thấm vào cá. Đặt ơ lên lò, lửa than cháy, đun nước mắm trong ơ sôi tràn lên mình cá, nhớ không cho thêm nước hay dùng đũa trở cá. Khi thấy lớp nước mắm sôi hạ dần, hương thơm của cá hòa huyện cùng hương nước mắm, tỏi, mỡ, ớt, hành theo khói bốc lên, thì cào bớt than cho lửa cháy liu riu, cho thêm vào một chút dầu ăn hay mỡ nước cùng tóp mỡ, một ít tiêu sọ xây, vài trái ớt hiểm, khi chín ăn cùng với thịt cá rất ngon.
Một lúc sau, nước mắm gần như cạn, trở nên màu hổ phách sậm, hơi sền sệt, sóng sánh, chìm dưới lớp nước mở vàng nhạt trong suốt, đồng thời hương khói bốc lên mùi thơm đậm đà ngỡ như là nước mắm đang bị cháy khét, thì nhấc ơ xuống cho vào một chút mỡ nước và tiêu lên đều khắp thân các con cá.
Chỉ cần ra vườn hái một mớ đậu rồng rửa sạch, đọt rau lang, hay đậu bắp luộc, tuyệt nhất là ăn chuối chín với cá lòng tong kho tiêu thì gia đình có một bữa cơm ngon, sum họp ấm áp. Thịt cá thơm dai, mằn mặn, ngòn ngọt hòa với vị nước mắm hòn kho hơi quá lửa, hương tỏi, ớt, cay cay nồng của tiêu, beo béo tóp mỡ cùng vị thơm ngọt của rau, đậu, chuối trộn lẫn với cơm hòa tan thấm vào lưỡi, trôi dần qua cổ họng, thật sảng khoái, nồi cơm hết lúc nào không hay.
Tuy nói cá lòng kho tiêu là món ăn dân dã, rẻ tiền, nhưng là của thời tuổi thơ tôi, đối với những người dân sống ở thôn quê, còn bây giờ, món cá lòng tong kho tiêu đã trở thành món ngon trong đời sống ẩm thực của người dân thành phố giàu có. Chính vì vậy mà giá không còn rẻ nữa, vì nhu cầu của người thưởng thức đông, bên cạnh nguồn cá ít hơn ngày xưa do ảnh hưởng đến môi trường sống và sinh sản của nước từ sông, kênh, rạch, đồng, ruộng, do con người xử dụng nhiều lượng thuốc trừ sâu, diệt cỏ. Giờ lớn tuổi sống nơi thành thị, thỉnh thoảng tôi theo mấy người bạn về những nơi xa thành phố có sông, vui thú câu cá. Thường những người bạn tôi, họ dùng cần câu máy, dây dài, quăng xa, dùng lưỡi câu loại lớn, câu cá to, chứ ít có ai vác cần câu trúc như tôi, ngồi thảy xuống sông câu cá lòng tong.
- Xem thêm: Nhớ món cá rô đồng kho khế