Trong phiên đấu giá mùa thu mới đây tại nhà Sotheby’s ở Hongkong, nhiều bức tranh của các tác giả Đông Nam Á đã lập kỷ lục về giá.
Có hai đợt đấu giá, vào hai ngày 5-10 và 6-10 vừa qua, đợt đầu 18 bức được đưa ra sàn, tất cả đều là tác phẩm của các tên tuổi lớn trong khu vực và 17 bức được bán, thu về tổng cộng 14,15 triệu USD, đợt sau có nhiều tranh hơn (số đông là các tác giả đương đại), thu về 13,28 triệu USD. Như dự đoán, trong đợt đầu, tranh của các họa sĩ Hà Lan sang Indonesia sống và sáng tác vào đầu thế kỷ XX (cùng thời với các họa sĩ Pháp sang Việt Nam thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương) dẫn đầu về giá. Bức Nhìn từ trên cao của Walter Spies (1895-1942) vẽ phong cảnh đảo Bali đã bán được với giá 4,04 triệu USD, gấp đôi giá dự kiến. Walter Spies sang Bali sống và vẽ đến cuối đời và là một gương mặt quan trọng trong phong trào nghệ thuật hiện đại tại Indonesia, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển nghệ thuật tạo hình tại quốc gia này. Họa sĩ Indonesia gốc Hoa Lee Man Fong (1913-1988) dẫn đầu về giá tranh đợt sau: bức sơn dầu trên gỗ Làng quê của ông được bán với giá 1,51 triệu USD, hai bức khác có giá 313.000 USD và 267.000 USD, đều cao hơn giá ước tính.
Đáng chú ý là: bức Tây Ban Nha và Philippines của họa sĩ Juan Luna, một tác phẩm có giá trị lịch sử đã đạt mức giá 3,34 triệu USD, gấp năm lần giá dự kiến. Điều đó cho thấy tranh Philippines đang dần được các nhà sưu tập quan tâm. Tương tự và cũng gây bất ngờ là tranh của các tác giả Singapore khi lập kỷ lục về giá: bức Chợ – một tác phẩm trừu tượng của Chen Wen His (1906-1991) được bán với giá 1,71 triệu USD, trong khi bức Giao hưởng hoa sen của nữ họa sĩ Georgette Chen (1906-1993) được bán với giá 1,18 triệu USD. Theo các nhà chuyên môn về thị trường tranh Đông Nam Á, hội họa Singapore có được thành quả này là do chính phủ đảo quốc có chính sách nhằm nâng giá tranh Singapore trên thị trường quốc tế.
Ngoài các tác phẩm của các họa sĩ đã qua đời, tranh của nhiều tên tuổi đương đại ở Indonesia, Philippines cũng có giá lên đến hàng trăm nghìn USD. Đáng buồn là không có tranh Việt Nam nào được nói đến trong cuộc đấu giá này!
- Ngã Văn