Năm ngoái, ngôi sao nhạc rock Eric Clapton đã thu về 34 triệu USD sau khi một bức tranh của họa sĩ Đức Gerhard Richter được ông đưa ra đấu giá tại nhà Christie’s ở London.
Tháng 11-2013 này, một tác phẩm cũng của Gerhard Richter sẽ được Eric Clapton đưa lên sàn đấu giá, mà theo dự đoán của các chuyên gia mỹ thuật thì ông cũng sẽ kiếm được bộn tiền.
Năm 2001, tác giả và cũng là người trình bày ca khúc bất hủ Tears in Heaven đã mua ba bức của Gerhard Richter với giá tổng cộng 3,2 triệu USD. Khó ai ngờ được chỉ hơn mười năm sau, Eric đã có một tài sản rất lớn nhờ ba bức tranh ấy, chưa kể nhạc sĩ người Mỹ còn sở hữu một bộ sưu tập tác phẩm mỹ thuật đáng nể. Bức tranh của Gerhard Richter được bán đấu giá năm ngoái cũng đạt kỷ lục về giá tranh của một họa sĩ đương thời.
Có tên gọi là Trừu tượng (cũng là tên chung của hàng loạt tranh trừu tượng được Richter sáng tác từ cuối thập niên 1980 đến những năm 1990), ban đầu tác phẩm ấy chỉ hy vọng sẽ được bán với giá khoảng 14,5-19,3 triệu USD, cũng là một cái giá cao ngất rồi, nhưng sau một cuộc so kè giữa hai người đấu giá ẩn danh, tranh đã đạt mức giá 34 triệu USD, vượt qua kỷ lục trước đó của bức Lá cờ, tác phẩm nổi tiếng của họa sĩ Mỹ lừng danh Jasper Johns, được bán với giá 28,6 triệu USD tại nhà Christie’s ở New York năm 2010. Chưa hết, vào ngày 14-5-2013, tại nhà Sotheby’s ở New York bức Quảng trường nhà thờ ở Milan được Gerhard Richter vẽ năm 1968 lúc còn vô danh đã được bán với giá 37 triệu USD – giá cao nhất đối với một họa sĩ đang hoạt động nghệ thuật.
Đã ngoài tám mươi tuổi nhưng Gerhard Richter hiện đang dẫn đầu danh sách các họa sĩ bán tranh nhiều nhất và có giá cao nhất. Tại các sàn đấu giá trong năm 2011, các tác phẩm của ông đã bán được với giá tổng cộng là 200 triệu USD, vượt xa những tên tuổi lớn như Claude Monet, Alberto Giacometti và Mark Rothko cũng như các tác giả đương đại khác.
Lý giải về “hiện tượng Gerhard Richter” trên thị trường đấu giá tác phẩm mỹ thuật hiện nay, cây bút Georgina Adam của tờThe Telegraph (Anh) viết: “Những tranh trừu tượng vẽ thời gian sau này của Richter đặc biệt được ưa chuộng bởi cách chúng được thể hiện: những hình ảnh trừu tượng nhưng tràn ngập màu sắc, có thể thích hợp với bất kỳ không gian nội thất nào, lại không gây bất kỳ sự khó chịu nào (không như một số bức ông vẽ thời kỳ đầu khó thưởng thức hơn vì gắn với chính trị hay sự chết chóc) đồng thời là sản phẩm được đánh giá cao (trên thị trường) khiến chủ nhân của chúng có quyền tự hào”. Có thể nói dù là tranh trừu tượng nhưng tác phẩm của Gerhard Richter có thể thỏa mãn mọi khẩu vị trên thị trường nghệ thuật hiện nay, điều mà không phải tranh phi biểu hình nào cũng có được.
Trở lại với bức tranh trừu tượng sắp được bán đấu giá; nó được Richter vẽ năm 1994, có khổ lớn 225 x 200cm và theo ước tính của các nhà chuyên môn sẽ có giá khoảng 20-25 triệu USD. Tuy nhiên, với hai tên tuổi lớn là tác giả lẫn chủ nhân, bức tranh có thể đạt giá cao hơn nhiều. Trước khi được bán đấu giá tại nhà Christie’s ở New York, tranh được đưa đi triển lãm ở London và Paris như một cách mời gọi các nhà sưu tập, các nhà đầu tư.