Gần như kênh rạch, sông ngòi nào ở miền Tây Nam bộ cũng là nơi cá sặc sinh sôi, phát triển. Ăn tươi không hết, người dân làm mắm sặc để ăn dần và chế biến nhiều món ăn ngon.
Cá sặc có màu trắng bạc, vây màu đỏ gạch, vảy li ti như những hạt thủy tinh lấp lánh. Thân cá hình bầu dục, cỡ hai, ba ngón tay người lớn khép lại. Làm mắm cá sặc tốn khá nhiều công: đánh vảy, mổ bụng cá móc bỏ ruột, rửa sạch để ráo nước rồi ướp muối; khi ướp cá cho thêm ít rượu đế để mắm thơm. Công đoạn này được gọi là làm mắm xổi.
Mắm xổi đổ vào hủ, khạp… ém chặt bằng dọc dừa, mo cau, mo dừa, rồi dằn đá nặng lên; trên cùng đổ một lớp nước muối mặn. Khoảng gần chục ngày, đem mắm bỏ ra thau trộn thính rồi tiếp tục ém mắm vào hũ, vẫn đổ nước muối (đã chắt ra khi trộn thính mắm) vào như cũ. Được khoảng một tháng thì chao với đường, ở đây là đường mía được thắng trong chảo, cho thêm ít cháo nếp và cơm rượu.
Gài mắm lại, để thêm chừng non tháng nữa là ăn được. Khi lấy mắm trong hũ ra, nếu con mắm khô rang, xé lớp da thấy thịt cá màu nâu đỏ đẹp mắt là đạt yêu cầu, bởi làm mắm khi cá còn tươi, còn thấy thịt mắm xám xỉn có nghĩa là mắm hỏng: trước khi muối cá đã chết, đã sình.
Mắm cá sặc có thể ăn sống, bằm chưng với trứng vịt tàu, nhưng ngon nhất là đem mắm kho với cá kèo, hay còn gọi là cá bống kèo, thường được làm món lẩu cá kèo thông dụng. Cá kèo vốn nhiều nhớt, do vậy hãy ngâm cá trong nước muối mặn rồi dùng lá chuối xiêm vò chà nhiều lần cá cho sạch nhớt. Bỏ miệng, đuôi, vây cá nhưng giữ ruột vì cá kèo ăn phiêu sinh vật nên ruột sạch, có lớp mỡ béo, mật có vị đắng nhẹ, rất đặc trưng và đây cũng là phần ngon nhất của cá.
Thả mắm sặc vào nồi nước sôi cho rã hết thịt, lược bỏ xương mắm rồi cho cá kèo vào kho. Thêm nấm rơm, đậu bắp cắt khúc cỡ hai lóng tay, cà pháo chẻ tư, hành, ngò gai, ớt, xắt nhuyễn… vào. Có thể cho thêm thịt ba rọi để tăng thêm chất béo, chất ngọt. Khi ăn không thể thiếu các loại rau đồng như bông súng non, rau dừa, rau chốc, rau mác, năng… Cơm nóng, mắm kho chấm rau đồng ngon quên thôi: Cá kèo kho với mắm tươi/ Như nơi đất khách gặp người cố tri (ca dao).