Những ngày qua dư luận và báo chí đã tốn khá nhiều thời gian và giấy mực quanh việc Tổng cục Du lịch bổ nhiệm Đại sứ Du lịch.
Việc một quốc gia bổ nhiệm một ai đó làm “Đại sứ du lịch” thật ra không có gì mới lạ. Tuy nhiên trong việc bổ nhiệm này TCDL đã tỏ ra quá hấp tấp vội vàng, cũng như lần thay đổi khẩu hiệu du lịch trước đây, khiến nhiều người cảm thấy như bị đặt trước một “sự đã rồi”. Thế nên những thắc mắc mới tập trung vào sự lựa chọn cũng như nhân thân của người được bổ nhiệm thay vì những trọng trách mà vị tân đại sứ phải mang!
Cũng không thể trách dư luận là quá khắt khe, vì cho dù nhiệm kỳ chỉ có một năm, “Đại sứ du lịch” vẫn là hình ảnh đại diện cho quốc gia. Các doanh nghiệp, khi chọn người làm đại diện cho sản phẩm thì từ ngoại hình, phong cách, thành tích, tác phong tới lối sống đều phải phù hợp với sản phẩm mà họ làm đại diện chứ không chỉ đơn giản là người nổi tiếng. Họ còn bị ràng buộc bởi những hợp đồng vô cùng chặt chẽ để hạn chế tối đa những rủi ro.
Tuy việc chọn đại sứ du lịch, cách làm của các nước là cố gắng chuyển tải một thông điệp cụ thể, thể hiện được một hay nhiều đặc trưng của đất nước thông qua người đại sứ hoặc hình ảnh biểu tượng cho du lịch. Họ cũng có hẳn chiến lược cụ thể để sử dụng và phát huy vai trò của đại sứ du lịch theo từng giai đọan và theo những thị trường trọng điểm.
Thí dụ như đảo quốc Barbados mới đây đã mời ca sĩ Rihanna làm đại sứ du lịch cho quê hương vì hình ảnh và âm nhạc của Rihanna hoàn toàn phù hợp để nói lên không khi lễ hội tưng bừng, náo nhiệt và đầy màu sắc của đảo quốc này. Còn trong các quảng cáo du lịch Malaysia tại châu Âu, luôn có hình ảnh một chú đười ươi, tượng trưng cho khí hậu nhiệt đới gió mùa, thiên nhiên tươi đẹp của Malaysia, đồng thời nói lên chính sách bảo vệ môi trường và động vật hoang dã của họ.
“Xứ cổ tích” Đan Mạch thì từ lâu đã có “Đại sứ du lịch” là pho tượng Nàng Tiên Cá. Tổ chức Du lịch Đan Mạch thậm chí đã đưa Nàng Tiên cá đến tham dự Expo Shanghai 2010 để quảng cáo cho chương trình “Tuyệt vời Copenhagen”. Còn Nhật thì năm 2009 đã chọn cô mèo Hello Kitty trong trang phục Kimono làm đại sứ du lịch tại Trung Quốc, nhằm đạt chỉ tiêu thu hút 10 triệu khách người Hoa.
Nhiều nước dành nhiều công sức trong việc tìm đại sứ du lịch để thu hút du khách quốc tế. Nepal vừa rồi đã bổ nhiệm người thấp nhất thế giới Khagenda Thapa, cao 67cm. vào nhiệm vụ này với thông điệp: “Người đàn ông thấp nhất trên đỉnh núi cao nhất thế giới mời bạn đến thăm Nepal”. Tây Tạng thì tổ chức một cuộc thi kéo dài tới bốn tháng để chọn ra đại sứ du lịch. Khoảng 1.000 thanh nữ phải tranh tài qua các vòng thi biểu diễn trang phục dân tộc, múa dân tộc, kiến thức về lịch sử, địa lý của đất nước, khả năng thuyết minh giới thiệu điểm tham quan du khách…
Hàn Quốc thì tận dụng lợi thế là công nghiệp giải trí phát triển mạnh trên cả châu lục nên mời diễn viên Lee Jun Ki (phim Quân vương và anh hề), nhóm nhạc Super Junior, để quảng cáo du lịch cho đất nước trong những chuyến biểu diễn tại nước ngoài.
Tuy luôn có sự cân nhắc kỹ lưỡng khi bổ nhiệm một nhân vật nào đó làm đại sứ du lịch nhưng sơ suất vẫn có thể xảy ra như trường hợp diễn viên Bollywood nổi tiếng, Akshay Kumar. Nhằm thu hút du khách Ấn Độ – thị trường trọng điểm của họ, Canada đã mời Kumar làm đại sứ du lịch nhiệm kỳ 2011-2012. Chưa được bao lâu thì chương trình truyền hình thực tế xiếc thú của Kumar bị tổ chức bảo vệ động vật Ấn Độ FIAPO cáo buộc là ngược đãi thú vật. Điều này đặt ngành du lịch Canada vào thế khó khăn vì loại hình du lịch dã ngoại là thế mạnh của họ và Canada có tiếng là quốc gia đi đầu về bảo vệ thú rứng. (Asianpost 17-10-2011).
Trở lại chuyện đại sứ du lịch của nước ta, thì đối với đa số du khách phương Tây, Việt Nam vẫn là một miền đất ẩn chứa nhiều điều mới lạ. Thế nên đại sứ du lịch hay hình ảnh đại diện cho du lịch Việt Nam, rất cần thể hiện được bản sắc của đất nước. Đại sứ du lịch cũng không cần là một nhân vật tiếng tăm, vì người nước ngoài không biết mà cũng chẳng quan tâm họ là ai, chỉ cần là một hình ảnh mà khi người nước ngoài nhìn vào sẽ cảm nhận được tinh thần lạc quan, sự thân thiện, mến khách. Chúng ta cần nhớ rằng thái độ niềm nở, phong cách phục vụ tốt, tính hiếu khách của mọi người mới là những yếu tố quan trọng nhất để giữ chân du khách.
Không phải ngẫu nhiên mà các hãng lữ hành tại Bắc Âu khi quảng cáo các tour du lịch Việt Nam thường dùng hình ảnh những trẻ em Việt Nam với nụ cười hồn nhiên và thân thiện. Có lẽ khi nở nụ cười tươi với các du khách nước ngoài, các em không bao giờ ngờ rằng hình ảnh của mình sẽ góp phần thu hút du khách đến Việt Nam!
Copenhagen 11-2011