Ann Tardy – người sáng lập một công ty tư vấn danh tiếng tại Mỹ mang tên Life Moxie – cho rằng một trong những nguyên nhân ngăn cản sự đóng góp sáng kiến của nhân viên nhằm đổi mới doanh nghiệp là họ lo ngại các ý kiến nêu ra sẽ bị bác bỏ.
Họ thật sự mong muốn tạo được sự khác biệt qua việc đóng góp ý kiến nhưng chính những lần bị cấp trên từ chối đã ngăn cản họ. Vì vậy, các nhà quản trị doanh nghiệp phải cố gắng loại bỏ rào cản đối với những mong muốn đóng góp của đội ngũ nhân viên và nên vận dụng những biện pháp dưới đây để khuyến khích nhân viên mạnh dạn đề xuất sáng kiến cho doanh nghiệp.
Thấu hiểu nhân viên. Là người có trách nhiệm dẫn dắt đội ngũ nhân viên dưới quyền, nhà quản trị phải nắm bắt được đầy đủ và sâu sắc đặc điểm của từng người. Qua tiếp xúc, thăm hỏi hằng ngày, nhà quản trị lưu ý phát hiện những tâm tư, nguyện vọng cũng như những thay đổi trong suy nghĩ của họ để hỗ trợ họ không chỉ vượt qua những thử thách trong cuộc sống riêng tư, mà cả trong việc chung. Đồng thời, nhà quản trị nên thường xuyên tự hỏi mình đã truyền đạt đầy đủ thông tin cho mọi nhân viên chưa, có xứng đáng là chỗ dựa của họ không.
Tạo ham muốn bứt phá. Muốn đội ngũ nhân viên hoàn thành xuất sắc khối lượng công việc được giao, hãy thôi thúc mọi người cùng nhau bứt phá để vượt lên.
Kết nối trách nhiệm của các nhân viên với nhau. Không phải các nhân viên đều hiểu rõ trách nhiệm của đồng nghiệp trong cùng bộ phận. Nhà quản trị phải giải thích cho mọi người hiểu được vai trò của từng người trong bức tranh toàn cảnh, nhất là khi bắt tay vào thực hiện một nhiệm vụ mới.
Tập trung vào các hoạt động mới mẻ. Bản thân nhà quản trị phải cố gắng làm điều gì đó mới mẻ và tỏ ra đam mê để mọi nhân viên thấy họ cũng phải dấn thân. Hãy khám phá xem những điều gì sẽ làm cho nhân viên phấn khích như được tiếp thêm sức mạnh và tạo cơ hội để những điều ấy diễn ra.
Nhấn mạnh mặt tích cực trong công việc. Hãy hỏi nhân viên xem họ yêu thích những gì trong công việc hiện nay của họ, qua đó khéo léo nhắc họ luôn duy trì ý thức bứt phá vượt lên. Hãy giúp họ chuyển từ suy nghĩ phải ráng làm cho xong việc sang suy nghĩ thích chạy nước rút để về đích.
Luôn tỏ ra lạc quan. Mọi người thường quan sát nhà quản trị để dự đoán tình thế và quyết định cách hành động. Nhà quản trị không nên tỏ ra quá lo âu, mà thường xuyên mỉm cười để tạo sự phấn chấn cho các nhân viên.
Rèn luyện cách diễn đạt dễ hiểu, dứt khoát. Nhà quản trị phải có năng lực truyền đạt thông tin gãy gọn, chính xác cho các nhân viên của mình. Nếu nhân viên hiểu chưa đúng, hãy nghĩ rằng mình truyền đạt kém và lập tức chỉnh sửa cho đúng. Khi nhà quản trị nhận ngay trách nhiệm về mình thì nỗi lo sợ ý kiến sẽ bị bác bỏ trong suy nghĩ của nhân viên sẽ không còn.
Xóa đi những suy nghĩ phi lý của nhân viên. Nhiều nhân viên không thích thay đổi nhưng lại muốn thăng tiến. Nhà quản trị phải khẳng định cho họ rằng chỉ có cố gắng đổi mới để đạt được kết quả tốt hơn, đóng góp được nhiều hơn cho doanh nghiệp thì mới nhanh được thăng tiến.
Đề cao những người dám chấp nhận thử thách. Khi xuất hiện công việc khó mà nhiều người tỏ ra ngại ngùng, nếu nhân viên nào dám đứng ra nhận trách nhiệm thực hiện thì nhà quản trị cần lập tức khen ngợi, sau đó dành sự quan tâm thích đáng để giúp nhân viên ấy hoàn thành công việc mới. Khi tiến hành sơ kết hoặc tổng kết hoạt động của bộ phận, những nhân viên dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm phải được tưởng thưởng xứng đáng.
Chấp nhận một số ngoại lệ. Mọi ý đồ sáng tạo muốn trở thành hiện thực phải có điều kiện tiến hành thuận lợi. Vì vậy, trước những đề xuất hứa hẹn mang lại kết quả tốt đẹp, nhà quản trị nên cân nhắc và sớm đưa ra những quyết định, trong đó có thể có cả ngoại lệ để hỗ trợ cho việc vận dụng sáng kiến. Nếu không dám đưa ra những quyết định như vậy, các ý tưởng sáng tạo sẽ dễ dàng bị chết trong trứng nước.