Trong bài viết Engaged Managers, Engaged Employees (tạm dịch: Nhà quản trị làm việc hết mình và đội ngũ nhân viên cũng làm việc hết mình) trên tạp chí SHRM số ra gần đây, tác giả Jathan Janove đề cập đến hai kiểu nhà quản trị: nhà quản trị làm việc hết mình và nhà quản trị làm việc theo thủ tục định sẵn của doanh nghiệp. Sau đó, ông còn phân tích về trách nhiệm của nhà quản trị với nhiệm vụ thay đổi thái độ làm việc của nhân viên mình ra sao.
Nhà quản trị làm việc theo thủ tục sẽ dẫn đến việc mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động bị thu hẹp thành một sự trao đổi đơn giản: “Tôi làm việc. Anh trả lương cho tôi”. Vấn đề nằm ở vế “Tôi làm việc”.
Do không hiểu hết tầm ảnh hưởng của công việc mà mình đảm nhiệm đối với những người khác nên các nhà quản trị làm theo thủ tục chỉ thực hiện công việc theo yêu cầu tối thiểu để hưởng đồng lương tương ứng, có xu hướng cát cứ, muốn mọi người biết công việc của anh ta quan trọng ra sao.
Anh ta thường đẩy trách nhiệm đi bằng cách đổ lỗi cho người khác. Anh ta chỉ ra các sai lầm của người khác nhằm làm cho hình ảnh của mình sáng sủa hơn. Khi một nhà quản trị làm theo thủ tục nói “Tôi rất tiếc” thì anh ta thường ngụ ý một lời xin lỗi bằng cách sẽ nói tiếp “nhưng…”.
- Xem thêm: Để có được “đội hình trong mơ”
Đối lập với hình ảnh trên, những nhà quản trị hết mình cho công việc thường nói chuyện và hành động như thể mọi thất bại hoặc thành công của nhân viên chính là thất bại hoặc thành công của bản thân. Họ thường nêu câu hỏi “Mục tiêu, nhu cầu và ưu tiên của bạn là gì? Tôi có thể giúp giải quyết được chuyện gì không?”…
Do vậy, khi nhà quản trị muốn nhân viên của mình chuyển từ thái độ làm việc chỉ theo thủ tục sang làm việc hết mình cho doanh nghiệp thì phải bắt đầu từ chính bản thân bằng cách từ bỏ lối làm việc chỉ theo thủ tục.
Các bước dấn thân
- Nói về lý do, chứ không nói về cách làm. Nhà quản trị làm theo thủ tục nói với nhân viên những gì phải làm và cách làm, còn nhà quản trị hết mình cho công việc tập trung vào nói lý do cần phải làm để nhân viên hiểu rõ, sau đó mới là cách làm. Nhà quản trị hết mình cho công việc luôn vẽ được bức tranh tổng thể về các trách nhiệm công việc. Cách này làm cho công việc gắn với sứ mệnh của nhân viên.
- Cung cấp thông tin rộng mở hơn. Thay vì chỉ cung cấp thông tin tối thiểu, nhà quản trị hết mình cho công việc xem việc cung cấp thông tin đầy đủ là tạo điều kiện làm việc tốt cho nhân viên. Họ còn tư vấn cho nhân viên khi cần tự quyết định xử lý tình thế.
- Thừa nhận ngay giá trị. Nếu nhà quản trị làm theo thủ tục thường lấy mình làm trung tâm thì người quản lý hết mình cho công việc lại có xu hướng công nhận ngay các giá trị đóng góp của nhân viên sau khi nhân viên làm được việc.
- Hướng về tương lai. Nhà quản trị hết mình cho công việc luôn hướng về tương lai. Thay vì tìm cách đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc cho người khác, anh ta tự rút ra bài học từ sai lầm và tìm cách cải tiến công việc.
Thực hiện sự thay đổi
Thực hiện bốn bước nêu trên sẽ giúp nhà quản trị đang làm theo thủ tục thành nhà quản trị hết mình cho công việc. Điều tốt đẹp hơn nữa là như một hệ quả đi kèm, nhà quản trị cũng sẽ làm cho đội ngũ nhân viên dưới quyền chuyển sang hướng hết mình cho công việc.
- Xem thêm: Nhận diện nhân viên trung thành
Các nhân viên trước đó chỉ mới ở mức độ làm việc theo thủ tục sẽ ngày càng làm việc với trách nhiệm cao hơn và đó chính là ý nghĩa của tầm quản lý được doanh nghiệp kỳ vọng đến.