Có phải vì luôn dõi theo mọi biến động trong xã hội hiện đại, các nhà báo trên thế giới mải chạy theo vô số tin nóng, đâm ra cuộc đời này thừa thông tin mà vẫn đói tri thức? Nhà báo tự nhận thấy nghề mình có hai “khuyết điểm”: thiếu thời gian để xác minh thông tin nên vẫn để tồn tại sai sót trên mặt báo và thiếu thời gian nên không đầu tư nhiều cho việc tìm ra lối viết hay, thú vị. Thì ra ai cũng bị ảnh hưởng bởi nhịp sống hiện đại. Ðến cái nghề cung cấp sự thông tuệ mà còn như thế, nói chi đến cuộc sống của người thường?
“Cứ xem cách ăn mặc thì biết!” – một anh bạn tôi liên hệ thực tế. “Bây giờ đi lễ tiệc, ăn cưới chẳng hạn, ngoài nỗi ngại ngần vì ra đường xe cộ bát nháo, đến nơi đông đúc, ăn nhiều, còn có cả việc ngại áo quần nghiêm chỉnh. Cái thời nghèo khổ ít quần áo đã qua rồi, thời mong có dịp để diện cũng qua rồi. Sau một giai đoạn đói nghèo, nay hàng hóa nhiều quá. Mua gì phải đắn đo”.
Một người bạn thân của gia đình tôi trước đây đã gắn bó với đất nước, chứng kiến thời bao cấp khổ sở thế nào. Sau này anh sống ở nước ngoài, mới trở về thăm quê, sống cùng gia đình tôi ít ngày. Chúng tôi đưa anh đi chơi, đi mua sắm. Nhiều khi bà xã tôi không mua gì, cứ nhấc hàng lên xem rồi lại đặt xuống, đắn đo. Cô ấy phải giải thích với bạn: “Anh còn nhớ hình ảnh ngày xưa chứ? Lúc trước đắn đo vì ít tiền, phải tính toán. Nay thì tính toán xem có cần không vì cái gì cũng đủ cả rồi. Có thiếu thì thiếu nhà cửa, xe ôtô, thiếu tiền cho con du học, cho mình đi du lịch. Nhiều khi hứng lên mua đại hàng mà không dùng đến, để chật nhà, ông xã la…”.
Anh bạn Việt kiều tán thành. Anh về nước tranh thủ đi làm răng, may ít đồ, mua sách học hoặc văn hóa cổ để đem đi nhưng cũng phải tính toán cả. Khi chúng tôi đưa anh về quê rẫy mả của các cụ, người lái xe chính là người đầu tiên nêu cảm nghĩ: “Ði thế này, được nghỉ vài ngày ở quê là sướng nhất. Những hợp đồng lái chạy về thành phố làm tôi ớn nhất. Người đông, kẹt xe, khói bụi. Lâu lâu về quê, được ăn rau, ăn trái cây thỏa sức, được tắm nước sông, nước giếng, chăng võng ngủ dưới bóng cây trong vườn là đã nhất!”.
Cách đây khoảng hơn chục năm mà đưa được ông Việt kiều về quê thế này là to chuyện lắm. Tôi đã chứng kiến một cảnh buồn cười là mấy cậu thanh niên cứ ngắm nghía ông bác mình và thắc mắc Việt kiều sao chẳng com-lê, cà vạt, giày tây mà lại mặc quần soọc rộng rinh, thích đi xe đạp ở đường làng. Ông bác chẳng giống những ông Việt kiều về quê đầu tư, làm các hợp đồng, đi đâu cũng xách cặp da, đeo kính mát, có khi mặc áo bông như người Thái Lan.
Bây giờ thì thế giới giao lưu rộng rãi, người ta tha hồ đi đây đi đó, tới nỗi hình ảnh Tây ba lô áo thun, quần soọc, tiết kiệm từng đồng đô la đã trở nên quen thuộc và thay thế cho khái niệm người bên Tây lúc nào cũng sang trọng, tươm tất. Có lần chúng tôi còn nghe một anh bạn đi Mỹ về kể rằng bên ấy họ ăn mặc “xấu” lắm, không kỹ như mình, từ chàng sinh viên cho đến vị giáo sư đều có thể đi khắp đất nước với quần soọc, áo thun và đôi giày thể thao. Họ phải diện đẹp lúc nào đó chứ? Có, chẳng hạn lúc dự tiệc, tham gia lễ hội. Thế sao trong phim hinh sự, phim hành động của Mỹ, dù rượt đuổi, đấu đá, leo lầu, rượt xe, đạn vãi tung tóe mà cả đám thám tử lẫn tội phạm đều mặc com-lê, cà vạt như chính khách? Ấy là chuyện phim!
Cũng bây giờ, khi tiếp nhận cứu trợ lũ lụt hay từ thiện cho đồng bào nghèo, người ta có thâu quần áo với thùng mì như trước nữa đâu, chỉ nhận tiền thôi! Lý do là để khỏi phải vận chuyển tốn kém, có khi tiền tàu xe còn nhiều hơn giá trị đống quần áo cũ. Với lại các cơ quan đi cứu trợ đỡ phải khiêng vác, chia chác lủng củng. Thế mà bảo lá rách đùm lá nát? Lá rách đã giàu đâu, có khi chỉ có ít quần áo đang dùng đem chia sẻ bớt, chứ tiền lại không có. Ôi dào, yên tâm đi! Các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, các tòa báo họ mạnh lắm, cho tiền lớn không hà! Trong đêm truyền hình trực tiếp vì người nghèo, bà Kim Hạnh giờ là giám đốc xúc tiến thương mại đầu tư gì đó mà cũng đại diện cơ quan ủng hộ cả tỉ đồng! Cả nước làm ăn khá thì đồng bào nghèo cũng được khá. Mong sao có nhiều người giàu hơn nữa.
Anh bạn Việt kiều hỏi chúng tôi một câu rất khó trả lời chính xác: “Các cậu thử nói xem vì sao có nhiều người giàu lên ghê gớm? Họ làm gì mà giàu nhanh vậy?”. À, thì có nhiều kiểu làm ăn! Có người giàu do làm ăn gian trá, tạo dựng tài sản bằng cách thông đồng với đám quan chức bất lương, tham nhũng, nhưng cũng có nhiều người giàu do nỗ lực làm ăn lương thiện, nắm bắt được cơ hội của kinh tế thị trường. Cũng có người do may mắn mà giàu…
Xem ra, chuyện gì to nhỏ đến mấy đều “thấm” vào đến cả những sinh họat “li ti” trong các gia đình. Cuộc sống bây giờ giống như chơi một gameshow lớn, kiểu “Ði tìm triệu phú”, “Rồng vàng”, “Ðấu trường 100”, “Rung chuông vàng”, “Ai là ai”…, nghĩa là người ta luôn phải trả lời câu hỏi có khi dễ ợt với người này mà người kia thì quá khó. Ðến khi được phép cầu viện sự trợ giúp của khán giả thì số đông khán giả lại trả lời… trật lấc, làm cho người chơi “chết” oan!