Một phòng văn không chắc tạo nên một nhà văn, nhưng một nhà văn có tài sẽ tạo nên câu chuyện thú vị về một phòng văn. Đó là không gian riêng tư của họ, nhưng có sức thu hút với chúng ta, những người thích đọc sách.
Hồi trẻ, thích đọc sách, có lúc tôi mơ đến thăm phòng làm việc của một nhà văn có tác phẩm mình yêu thích. Tôi hình dung quanh chỗ ngồi của nhà văn ấy có đầy sách tham khảo trên bàn và trong tủ sách, có thể có bình hoa, ấm trà và cái tách xinh xinh. Trên tường có thể là vài bức tranh sơn dầu vẽ cảnh sông nước hay cô thiếu nữ. Không gian ấy không cần sang trọng, thậm chí là đơn sơ, thanh bần nhưng chính là không gian sáng tạo, đủ để nhà văn dậy lên niềm hứng thú viết lách.
Công việc và bản tính khiến tôi không la cà nhiều, không kết thân rộng với giới viết lách. Tuy vậy, tôi ghé thăm được vài thư phòng trang nhã.
Có lần đến thăm tư thất của nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân ở Cái Bè (Tiền Giang), tôi thấy lại cảm giác thư thái khi ngắm cách bày biện giản dị trong nội thất của anh. Ở phòng khách, sát tường là tủ sách có cửa kính. Trên tường đối diện treo bức thư pháp chữ Hán anh viết kiểu chữ thảo khá đẹp hai câu thơ của danh y Hải Thượng Lãn Ông: “Thiện diệc lãn vi hà huống ác. Phú phi sở nguyện, khởi ưu bần” (thiện còn lười biếng làm, huống chi việc ác; giàu chẳng phải ước nguyện, nên đâu lo nghèo). Treo bên cạnh bức thư pháp là cái quạt giấy… rách. Cả hai kết thành một tác phẩm sắp đặt đơn sơ nhưng tuyệt hay, hòa quyện với nhau trong tinh thần thiền giản dị và thoát tục.
Không gian phòng khách kết nối với phòng làm việc kế bên. Ở đó, có cái bàn làm việc rộng, trên có mấy chồng sách và tạp chí. Con dao tre rọc giấy đặt trong ống bút. Khay trà cũng bằng tre chỉ có một cái chung, có lẽ chỉ dành cho chủ nhân. Trên bàn có một ngoạn thạch đặt trên đế thấp. Bàn viết đơn sơ, thanh sạch.
Rời nhà Phạm Hoàng Quân, tôi cùng anh và vài người bạn đi tiếp về huyện Chợ Mới (An Giang) để thăm nhà nghiên cứu Lý Lược Tam đang nằm dưỡng bệnh. Đó là lần đầu và cũng là lần cuối thăm chú Tám (cách tôi gọi ông). Góc phòng văn của chú có kệ sách nhỏ, mấy cuốn tạp chí. Thật cảm động khi thấy chú Tám treo ngay nơi làm việc hai món: áo yucata và cái nón cời lối.
Áo yucata là dạng kimono đơn giản của đàn ông Nhật, do Đông Vy, vợ tôi tặng chú sau một chuyến đi Nhật vì biết chú thích. Cái nón cời lối đan bằng tre cũ kỹ, là kỷ niệm để lại từ ông nội của chú mang sang từ nước Trung Hoa ngày xưa, dùng cùng với cái áo xá xẩu khi còn là bang trưởng Triều Châu ở Lái Thiêu. Chú Tám không dùng máy vi tính, viết tay trên giấy và khi muốn gửi ai đọc thì đi photo rồi phân phát. Góc nhỏ còn có một cái dù bằng giấy, vài món đồ cổ.
Phòng văn là không gian sáng tạo, thể hiện cá tính của chủ nhân. Ở gần nhà tôi, trên đường Lam Sơn hồi thập niên 1960 có một phòng văn của nhà thơ Đông Hồ và vợ là nữ sĩ Mộng Tuyết. Ông anh tôi, cựu sinh viên văn khoa là học trò của ông, nghe các thầy trong trường kháo nhau đó là một phòng văn rất tao nhã hiếm có mà ông chỉ tiếp khách quý. Các sinh viên mến mộ ông chỉ “nhìn” phòng văn ấy qua mô tả của ký giả Nguyễn Ngu Í đăng trên báo Sáng Dội Miền Nam khoảng năm 1962.
Ở đó, vào những dịp gần Tết, ông thường đón tiếp bạn văn với quốc phục, hoa trong bình, câu đối và tranh thủy mặc treo trên tường, phảng phất mùi trầm hương thơm ngát xông trong lò. Sau này, nhà văn Hồ Trường An mô tả lại chốn văn chương ấy trong cuốn Cõi ký ức trăng xanh, đọc càng hấp dẫn:
“Ông Đông Hồ và bà Mộng Tuyết có cuộc sống đẹp và phong nhã. Ông gọi bà bằng Tuyết muội muội, bà gọi ông là Đông Hồ ngô huynh. Khuôn viên của họ được gọi là Úc viên. Gác của ông Đông Hồ treo lủng lẳng một vài khóm phong lan nên được gọi là Vương Giả Hương Đình, còn căn phòng trên gác của bà Mộng Tuyết có mái hiên gie ra nên gọi là Tân Nguyệt Hiên (mái trăng non). Khi tiếp khách, ông Đông Hồ rửa tay bằng eau de cologne rồi xức eau de lanvande, mặc áo dài gấm, đội khăn xếp, đem lò hương trầm ra phòng khách. Còn bà Mộng Tuyết thì thoa son, giồi phấn tỉ mỉ, đeo nhiều món trang sức bằng cẩm thạch, kim cương, pha trà sen, dọn rượu cúc để bồi tiếp tao nhân mặc khách…”.
Phòng văn ấy hiếm có, như phong cách sống của vợ chồng chủ nhân.
Nhà văn xứ Việt bao đời nay hầu hết có đời sống kinh tế bình thường, thường có nghề khác để nuôi ngòi bút… Ai khá hơn thì vừa viết vừa làm chủ báo, chủ bút, chủ nhà in, chủ nhà xuất bản, chưa kể những nghề khác không liên quan đến sách vở. Số đông sống thanh bạch, thậm chí là nghèo. Trong tâm trí của họ, những câu chuyện sắp viết ra mới là quan trọng. Văn chương là đam mê, là nỗi thống khoái của họ, và phòng văn là không gian quan trọng, dù đơn sơ, để họ tuôn trào ra ngòi bút những cảm xúc và những điều muốn kể.
Nhà văn Hồ Trường An cho rằng nhà văn Sơn Nam, dù không quan tâm chăm sóc bề ngoài, ăn bận đơn giản, không cạo râu nhưng “căn gác của Sơn Nam trên đường Nguyễn Cảnh Chân rất gọn ghẽ, mỹ thuật. Sách vở trong tủ, trên kệ được sắp thứ tự, chậu cây cảnh, đồ cổ ngoạn chưng bày rất bon gout…”.
Còn nhà thơ kiêm ký giả Nguyễn Ngu Í, người có những cơn tâm thần bất định, tuy ở một căn nhà hẹp té gần chợ Vườn Chuối, trên căn gác lửng mờ tối, cạnh bàn thờ thắp sáng bởi ngọn đèn trứng vịt bóng đỏ là nơi đặt bàn viết của ông. Trên đó có giấy má, tập vở xếp gọn gàng, có con ốc biển vân nâu vàng dằn lên. Tủ sách bày nhiều cuốn bìa da, mạ chữ vàng. Đó là một không gian khá “sang”, như một góc đền văn chương nhỏ xíu mà Hồ Trường An được thấy và ghi lại.
Có một phòng văn ở Sài Gòn thập niên 1960 mà một nhà nghiên cứu người Mỹ khi đến thăm đã phải thốt lên: “Tôi ước mong có một căn phòng xinh xắn như thế này và chỉ có một nửa số tài liệu của ông thôi!”. Ông ta đã thấy gì ở nơi làm việc của nhà nghiên cứu ngữ học Nguyễn Bạt Tụy? Theo Giản Chi, trong bài viết Nguyễn Bạt Tụy, nhà dân ngữ học trên báo Văn số 159, đó là: “những kệ và tủ kính đầy sách nghiên cứu, không còn để hở mảng tường nào. Một tủ ô to đựng các thẻ từ điển có nhiều tấm nhãn ghi ở đầu mỗi hàng ô: Điển tự Hán, Điển tự Nôm, Điển tiếng Dao, tập tiếng Dao theo gốc (gốc Hán, gốc Nho, gốc Nôm, gốc Ầu (chú thích: tiếng do ông Nguyễn Bạt Tụy đặt, do hai chữ Ấn – Tàu ghép lại), gốc Nê (chú thích: tiếng của ông Tụy, dùng trỏ chung: Indonésien, Mélanénisien, Polynésien). Gốc Thái, gốc Âu Mỹ, bộ tiếng Dao theo ý (tên giống, tên người, tên đất, chức tước, nghề nghiệp…)…
Ông Tụy chỉ cho khách về những thùng tài liệu, phim ảnh, băng thu thanh. Thùng nắp xanh đề “B.W films” để chứa 15 ngàn phim đen trắng, đề “C. films” chứa 5 ngàn phim màu, những thùng nắp tím đề slide chứa 6 ngàn phim chiếu màu, những thùng nắp xanh lợt là ảnh màu và đen trắng, những thùng nắp màu cà phê sữa là những băng thu thanh các ngôn ngữ, các giọng nói, các điệu ca nhạc Kinh Thượng và các cuộc tế lễ. Chưa kể các cuốn sổ tay ghi chép với hơn 40.000 trang, “viết đến chết chưa hết”; chưa kể các xấp đối chiếu ngôn ngữ có 1.000 tiếng lấy trong 40 thứ ngữ”. Đây không chỉ là phòng văn, mà là một kho tư liệu quý hiếm (trong bài viết gốc, chữ Dao được viết là Giao).
Một phòng văn không chắc tạo nên một nhà văn, nhưng một nhà văn có tài sẽ tạo nên câu chuyện thú vị về một phòng văn. Đó là không gian riêng tư của họ, nhưng có sức thu hút với chúng ta, những người thích đọc sách. Có ai từng có ý muốn lập một bộ ảnh, hay một tập tranh ký họa về không gian sáng tác, nơi hoài thai những tác phẩm được ưa thích của các nhà văn ở Việt Nam? Họ đã viết những tác phẩm như Vang bóng một thời, Chiếc lư đồng mắt cua (Nguyễn Tuân), Hương rừng Cà Mau (Sơn Nam), Những bước lang thang trên hè phố (Bình Nguyên Lộc)… trong khung cảnh thế nào?
Đó là việc đáng làm. Trước khi quá muộn. Hoặc có khi đã muộn…