Bệnh ung thư dạ dày phát hiện quá trễ, đã tàn phá dã man cơ thể roi roi rắn chắc của anh ở tuổi sáu mươi chỉ trong vòng một tháng. Bệnh viện chê, chị đưa anh về nhà, lay lắt, cầm chừng bằng món thảo dược: lá ngải cứu trộn mật ong. Ban đầu, anh thấy người dễ chịu, không phải vật vã bởi những cơn đau trong cái bao tử đã bật đèn đỏ vì nhiều vết thủng.
Chị giao cả việc buôn bán căng-tin ở trường học cho mấy đứa con, suốt ngày chăm lo ăn uống, thuốc thang cho anh. Thiêm thiếp trên võng, tỉnh dậy, anh đưa mắt tìm vợ, vuốt nhẹ bàn tay xương xẩu của chị, cười cười: “Sao nhìn hoài vậy, thấy tui đẹp trai lắm hả?”. “Ừ, đẹp trai, nên đang sợ mất đây!”. “Đừng lo, xác tui dù có mất, nhưng hồn tui vẫn ở bên bà!”. Chị nghẹn ngào, mắng yêu: “Sến quá ông ơi!”.
Chờ anh ngủ say, chị ra ngồi ở hàng hiên phía trước. Che mát một nửa thềm là cây ổi ruột đỏ, cao ngang nóc nhà, xao xác lá trước cơn gió lập đông. Cây ổi lớn lên, già đi cùng họ suốt mấy chục năm nên nghĩa vợ chồng.
Lúc mới chân ướt chân ráo ở vùng đất bazan này, một hôm chị đang băng qua con ngõ hẹp để về nhà, có ai đó kêu lên với giọng mừng rỡ: “Thương, có phải Thương không?”. Chị quay lại, một anh chàng cao lêu nghêu, tay cầm chiếc tông-đơ hình như đang cắt tóc cho khách, hớt hơ hớt hải chạy về phía chị. Lạ hoắc. “Thương hồi xưa học Trường Phan Bội Châu? Tui là Ngọc, một trong những “cái đuôi” âm thầm để ý chị hồi đó” – anh thú nhận.
Và rồi, hai người cứ giữ cách xưng hô ông-tui, bà-tui như hai người bạn thân thiết lâu ngày gặp lại. Một hôm, họ ngồi ở sân nhà nơi anh đang ở với vợ chồng người chị, dưới gốc cây ổi sum suê lá và đặc gật quả. Nhìn trái ổi nhỏ xíu, vỏ chín ửng hồng lúc lỉu trước mặt, chị nhớ mẹ thắt lòng. Sáng nào, mẹ chị cũng dậy sớm tưới nước cho cây ổi ruột đỏ sau nhà, to gấp đôi gấp ba gốc ổi ở đây, bốn mùa trĩu quả. Bây giờ mẹ đang làm gì? Hôm trước nghe anh Hai nói mẹ bệnh, nhưng chị đã bị cấm cửa nên không thể về thăm.
Hôm đó, hai người ngồi bên nhau rất lâu. Thỉnh thoảng mùi ổi chín, mùi cỏ đẫm sương len lỏi, phảng phất vào từng mảng ký ức. Mảnh đời nhiều dư vị đau-giận-tiếc nuối-xót buồn như ánh trăng già mờ mịt vắt trên cành cây tối đó, là nguyên cớ khiến họ phải trôi dạt đến miền đất xa lạ này.
Chị kể cho anh nghe về giấc mơ hãi hùng mà chị đã trải hằng đêm. Hình ảnh bỗng nhiên đứt gãy của cây cầu Mường Mán có con dốc ngắn và sâu, hằng ngày chị vẫn đi qua để đến trường. Biển Thương Chánh, nơi chị và lũ bạn thường ngồi dưới hàng phi lao cùng nhau đan dệt muôn thứ về tương lai, tự nhiên nổi trận sóng thần, quăng quật mọi thứ làm tơi tả cuộc đời chị, chỉ vì khôn ba năm dại một giờ. “Mà tại sao lại với thằng Kim, nó là anh rể mày mà!”.
Mẹ chị vừa quất một cách tuyệt vọng ngọn chổi vào người chị, vừa gào lên. Chị không biết trả lời sao với mẹ lúc đó, chỉ thấy vừa ghê tởm vừa tội nghiệp cho mình. Tuổi mười bảy, hồn nhiên, xinh xẻo, lại lọt vào tầm ngắm của gã anh rể mở tiệm may tại nhà mẹ vợ. Ngày ngày vô ra, cầm thước dây ngắm nghía cô em vợ. “Để anh đo ni may cho em cái áo dài dịp tựu trường nghe”… “Để anh chỉnh, anh ướm, anh thử nghe”… Những giả vờ vô tư đến đụng chạm cố ý đã khuấy động cảm xúc tò mò của tuổi dậy thì.
Thêm vào đó là những món quà gợi ham muốn đối với đứa con gái trong gia đình đông con, nghèo khó, khi lọ nước hoa, lúc đôi giày “anh mới đi Sài Gòn, mua cho chị một đôi, em một đôi…”. Cho đến khi chiếc áo dài may xong thì thỏ non ngây thơ đã run rẩy, mê muội và tự nguyện trước con cáo già. Lúc kim trong bọc lòi ra, chị đã lúp bầu bốn tháng. Mẹ chị vừa giận, thương đứa con út ngu dại, vừa đấm ngực tự trách mải lo tảo tần, không nghĩ con mình là gái mới lớn, lại phải ra vô trong căn nhà chật chội với anh rể, dù sao cũng là thằng đàn ông, khác nào mỡ treo trước miệng mèo.
Tâm thần chị lúc đó hoảng loạn vì tiếng gào thét của mẹ, ánh nhìn đau đớn căm giận của chị Ba, người chị ruột vốn rất đỗi hiền lành và thương mình nhất trong số mấy anh chị em. Những ngày tiếp theo trong nhà tựa có đám ma, mọi người dật dờ đi lại như cái bóng. Còn gã anh rể đã lẹ làng chuồn ra tận Nha Trang ở nhà người anh họ, tạm lánh cơn bão tố. Mẹ chị, rốt cuộc phải đem con gái đến người bà con ở ngoại ô tá túc, chờ ngày sinh nở. Đứa bé vừa sinh ra phải giao ngay cho người bác ruột hiếm muộn nhận nuôi.
Chưa kịp nắm bàn tay nhỏ xíu, chưa kịp áp nó vào bầu vú đang căng tức sữa, chị chỉ dúi mặt vào tấm khăn còn thơm hơi ấm của con, khóc thầm. Chờ chị cứng cáp, sau một tháng nằm ổ, mẹ đưa chị lên tàu lửa trong đêm đi vào Long Khánh để hàng xóm khỏi bàn ra tán vào. Dặn dò người con trai lớn đang buôn bán ở đây cưu mang đứa em khờ dại, mẹ quày quả ra ga, không nói với chị một lời.
Không biết từ lúc nào, anh đã nắm bàn tay chị lạnh ngắt, tê dại. Giọng nói khi nghẹn ngào đứt quãng, lúc mệt mỏi rã rời. Nước mắt nước mũi chảy tràn xuống má, xuống cằm. Anh lấy khăn tay đưa chị. “Hoàn cảnh tui không bão táp như bà nhưng cũng buồn lắm. Ba tui qua đời, một năm sau má tui suy sụp, phát bệnh, chỉ thời gian ngắn đã theo ông luôn. Nhà chỉ còn vợ chồng người chị và hai cháu nhỏ. Làm ăn thất bát, anh chị kéo nhau vào Long Khánh. Chị tui mở sạp bỏ mối bánh kẹo cho đồn điền cao su. Tui bỏ học theo anh rể học nghề cắt tóc, như bà thấy đó…”.
Giọng anh nhỏ, lắng. Gió từng đợt xô vào các nhánh lá làm những cánh hoa rập rờn trên cây, lả tả rụng trắng thềm đất. Chị thở dài: “Tội cho ông, bỗng nhiên côi cút, dở dang việc học để mưu sinh, tội, vì ông đã để ý và thủy chung với người không xứng đáng như tui”. “Bà có biết, tui quyết định rời bỏ quê nhà một phần cũng vì bà. Ở dốc chân cầu Mường Mán có cây vông vang, bà còn nhớ không? Nhà tui cạnh đó, mỗi trưa tui thường đứng ở cửa sổ trên gác nhìn theo dáng bà đi qua trên đường đến trường.
Tui nhớ bà thường mặc áo dài màu tơ sống, mang xăng-đan trắng. Có lần thấy bà gỡ nụ bông rớt từ trên tóc xuống, tôi định bụng hôm nào sẽ hái một chùm vông vang, chạy tới làm quen. Bỗng nhiên suốt nhiều tuần không thấy bà nữa, tui đến lớp hỏi thăm mới biết bà nghỉ học, đi đâu không rõ. Không gặp được người muốn gặp, mẹ lại không còn nữa. Muốn đi đâu xa để quên cái nhớ không nguôi ngày đêm dằn vặt. Vậy là bỏ lại hết, ra đi…”.
- Xem thêm: Tiếng gọi bên kia cổng
Chỉ cách vài ngày, sau cái hôm trao nhau tâm sự, anh đột nhiên xuất hiện trước mặt chị. “Tui sẽ trồng cây ổi ruột đỏ trước nhà tụi mình nghe!”. “Tại sao lại “nhà tụi mình”?”. “Vì tui và bà đều thích nó mà!” Chị nhớ hôm đó, trước khi chia tay, anh nói với chị. “Bà cứ nghĩ trong xui rủi cũng có cái hên. Hên, là nhờ vậy tui mới gặp lại bà. Không chừng tụi mình sẽ làm nên kỳ tích ổi ruột đỏ à nghen!”. Câu đùa ẩn ý làm xôn xao lòng chị. Nhưng khi nghe câu tỏ tình gần gũi, giản dị này, chị vẫn phải hỏi: “Vì sao ông lại muốn… cưới tui?”. “Vì tui… thương bà!”. Thấy chị định hỏi nữa, anh ngắt lời: “Bà đừng hỏi vì sao tui thương bà nghe. Bộ bà muốn hai đứa mình chạy quanh đèn cù hả?”. Chị bật cười, anh cũng cười theo.
Mấy chục năm sau, nhớ lại, chị vẫn không hiểu sao ngày ấy chị chưa một tiếng ừưng thuận mà anh đã vẽ ra tương lai trong đó có một ngôi nhà nhỏ, bên hiên nhà là cây ổi ruột đỏ. Chị ngồi im nghe, cười hồn nhiên và góp ý phải trồng thêm cây ớt hiểm vì cả hai đều thích dầm ớt thiệt cay vào dĩa cá nục kho.
Chị vào giường kéo chiếc mền phủ kín người anh rồi bó gối nhìn ra cửa sổ. Những ngày cuối đông đến chậm chạp, đem theo từng mảng trời buốt lạnh. Thêm một đêm khó ngủ, kể từ khi anh ngã bệnh. Những đêm khuya dài và lạnh như thế này, ký ức của ngần ấy năm mặn nồng cứ ào ạt, tỉnh thức. Sống với nhau, câu hỏi của chị “Tại sao ông thương tui?” cứ lặp lại ở nhiều thời điểm. Sau giờ phút ngây ngất ái ân, bải hoải hạnh phúc của ngày đầu tân hôn.
Nửa đêm thức giấc, thấy chồng ngồi ngủ gục bên cạnh, khi chứng sốt thương hàn quật ngã chị nhiều ngày. Nhìn chồng trên lưng nai đứa con út, hai tay dắt hai đứa con nhỏ đến trường, để cho vợ được ngủ thêm một chút sau cả ngày làm việc vất vả… Những khi được hỏi, anh chỉ ôm chặt chị vào lòng, trả lời bằng hơi thở muốn đứt ngạt trong nhau. Một lần, anh khẽ khàng: “Bà là người làm cho tui phải lo lắng khi không thấy bên cạnh. Lúc nào tui cũng thích che chở cho bà. Bà có hiểu không?”.
Đương nhiên là chị hiểu, nhưng vẫn muốn hỏi, để biết mình đang trong tay hạnh phúc, không mơ. Hỏi, còn để xác định, liệu mình có thể chia sẻ nỗi khổ tâm từ lâu cất giấu trong lòng với anh không. Nỗi khổ đó như cái dầm sâu im lìm, lâu lâu lại đâm thốc vào tim, vào ruột. Đó là lúc chị sinh đứa con đầu cho anh, đứa thứ hai của chị. Sơ sinh ấm áp trong chiếc khăn quấn bên cạnh mẹ, còn mảnh khăn trơ trọi bị vất lại năm nào còn vướng tiếng khóc tức tưởi như trách hờn của đứa trẻ, mới sinh đã buộc phải lìa mẹ. Chị cứ miên man nghĩ đến đứa con bất hạnh và tội lỗi của mình đối với con.
Chị nhớ, hai năm sau đám cưới, mẹ chị từ quê vô thăm con gái sinh nở. Trước khi về, mẹ nhìn chị yêu thương. “Má lo số kiếp con đen đủi vì chuyện ngày xưa, nhưng giờ có nhắm mắt cũng yên tâm rồi”. Lúc đó, chị bật ra câu hỏi đã tích sẵn từ bao năm: “Má có tin gì về bác Bình? Con của con… ra sao hả má?”. Mẹ nhìn chị đăm đăm: “Nó vẫn bình thường. Con yên tâm. Bác Bình thương nó lắm”. Trước khi chia tay để lên tàu, mẹ chị còn dặn vói: “Quên hết quá khứ đi, chuyên tâm lo cho chồng, cho con, nghe!”.
Sáu tháng sau, mẹ chị bị bệnh nặng, qua đời. Chị vẫn chưa nói hết với mẹ những ngổn ngang trong lòng. “Tuổi trẻ dại khờ chạy quáng quàng vào bụi rậm để bị tổn thương, bị cào xước. Đau đời, con đã chữa lành, đã quên. Nhưng còn núm ruột của con, đâu thể đứt đoạn được, má ơi! Làm sao nói được với chồng điều ray rứt trong con đây?”.
Nỗi khổ tâm đó kéo dài suốt nhiều năm sau. Mỗi lần định mở miệng, chị lại ngần ngại. Chị sợ câu trả lời của anh giống như mẹ mình năm nào. Chị chỉ còn biết lần dò theo dấu con chim non lạc loài, qua người bà con xa. Học xong lớp 12, nó lập gia đình, sau một năm trở thành góa bụa, hiện đang phụ má nuôi trông coi tiệm tạp hóa…
Những ngày đông rét mướt đi qua, xuân đến khoác chiếc áo mới tươi tắn cho muôn loài. Chung quanh, ai nấy rộn rịp chuẩn bị cho cái tết truyền thống. Chị Ba ghé qua nhà. “Ba mươi Tết, chị sẽ kho cho em nồi thịt cúng ông bà”. Tưởng anh còn ngủ, chị Ba ngồi chơi một lúc rồi về. Té ra, anh đã thức từ lâu nhưng vẫn nằm im. “Chỉ hết giận tụi mình rồi sao?”. Anh hỏi: “Ui, chị Ba đâu có giận ai lâu bao giờ”, chị đáp.
Anh im lặng thở dài. Câu chuyện xảy ra cũng khá lâu, nhưng anh vẫn còn nhớ. Ấn tượng trong chị càng rõ hơn, vì nó kéo lùi ý định hé mở nỗi lòng thầm kín với anh. Đó là thời điểm sau khi mẹ chị mất, chồng chị Ba do ăn chơi thả cửa, sức khỏe suy sụp, cũng vội vã giã từ thế gian. Cảm thấy trơ trọi, chị Ba đem các con vào Long Khánh, mở cửa hàng tạp hóa buôn bán theo anh Hai.
Vợ chồng chị được chị Ba mời ăn tân gia. Chị Ba cũng lạ. Lúc chồng còn sống, đã bao phen khóc lên khóc xuống, hào hển đánh ghen, bắt ghen, nhưng khi chồng qua đời, chị treo ảnh ông xã dày đặc trên tường nhà như triển lãm thần tượng. Khi đó, chị không biết trốn cái nhìn vào đâu, không lẽ cứ cúi xuống hoài, ngước lên là đụng ngay đôi mắt lẳng tình, rủ quến kia. Chị thấy khó thở. Quay nhìn, mặt anh tối lại, đôi mày cau, bức bối. Lấy cớ đau bụng, anh xin phép ra về. Chị lặng lẽ đi theo anh, chưa kịp ngồi vào mâm tiệc. Đêm, đợi chị nằm xuống bên, anh khẽ khàng. “Hồi chiều tui…”. Chị ngắt lời: “Vợ hiểu mà, chồng không phải nói gì đâu”.
- Xem thêm: Rất tiếc…
Kể từ đó, chị chỉ gặp và thăm chị Ba ngoài chợ, không đến nhà. Tính của chị mình, chị hiểu. Ban đầu có hờn đứa em út vì nỗi đau nó đem đến trước đây, giận dỗi vì nó thưa vắng đến nhà. Nhưng, ruột để ngoài da, chỉ ít lâu, chị Ba đã không còn để bụng.
Bữa cơm Giao thừa năm nay, hai thằng con lớn có gia đình ra riêng và út Thơ còn ở nhà với cha mẹ đều có mặt thật sớm. Chúng kê chiếc ghế bành cạnh bàn ăn cho anh ngồi thoải mái. Vợ chồng, các con cùng những đứa cháu nội xúm xít bên nhau.
Ấm áp lẫn xót xa, chị thầm nghĩ, chiếc bàn này nếu kê thêm một cái ghế nữa cũng đủ chỗ. Là chị nhớ đến đứa con gái tội nghiệp, mấy tháng trước, khi anh chưa trở bệnh, nó đã tìm đến chị.
Trưa hôm đó, đang lui hui dọn dẹp sau giờ giải lao của học sinh, bất ngờ, như một linh cảm, chị ngoái ra cửa, chết trân. Nó đứng từ lúc nào ở cánh cửa căng-tin của trường, trân trối nhìn về phía chị. Lúc chị sực tỉnh, định kêu, thì tiếng anh ở phía sau lưng: “Chuyện gì vậy bà?”. Chị không đáp, vội vã chạy ra cửa. Nó đã vội vàng leo lên xe gắn máy của ai đó vút đi mất. Anh không hỏi gì chị nữa, nhưng đêm đó, trước khi ngủ, anh đã ôm đầu chị một lúc, thở dài nhè nhẹ.
Và chị, cũng không ngăn được âm thanh hắt ra nặng nề từ tim mình. Trời ơi, nó như bản sao của chị. Không đẹp nhưng ưa nhìn, tóc thả ngang vai y như chị thời nữ sinh. Làm sao đây, nó đã biết hết mọi chuyện, nên tìm đến nguồn cội của mình? “Nó chỉ muốn biết mẹ ruột mình là ai, vì khi mẹ nuôi bị bệnh nặng, bà muốn cho con biết rõ lai lịch của nó”. Sau này, Hải, đứa em họ của chị cho biết chính cậu là người đã đưa con bé đến căng-tin gặp chị. Hải nói: “Nó chỉ muốn nhìn chị thôi. Em bảo nó vô nhận mẹ, nhưng nó nói “hồi đó mẹ đã bỏ cháu, bây giờ chắc gì đã nhìn ra. Lại còn chồng của mẹ nữa”. Nó hối em rồ máy chạy hụt hơi. Trên đường về, nó khóc rất dữ…”.
Đám con cháu tản mát sau bữa cơm tất niên. Chỉ còn lại hai vợ chồng. Không khí ngày cuối năm bao giờ cũng dễ chịu. Những muộn phiền, cực nhọc trong lòng tạm cất đâu đó. Hương ổi chín, hương trầm nhà ai cúng tết trễ, quyện thành mùi thiêng liêng khó tả. Những đốm hoa pháo chợt đì đùng tỏa sáng. Giao thừa. Tivi nhà ai vang lên bài hát đầu tiên mừng xuân. Anh nằm trên võng, giọng nói nhẹ như cơn gió. “Đầu năm nay, bà có một tin vui lớn nghen!”. “Ông làm thầy bói lúc nào vậy?”. “Cứ tin đi, quẻ bói của tui sẽ linh nghiệm, bà chờ đó!”.
Lặng lẽ đưa anh vào giường, bùi ngùi thao thức. Tin vui ư? Bây giờ vui nhất với chị là níu kéo anh bên mình quên thời gian trôi. Vui nữa, là được nhìn thấy đứa con gái đầu lòng để trái tim chị không còn dầm xóc. Một lúc, chị cũng thiếp đi trong tiếng nhạc xa gần rộn rã.
Ngày chót của mùng. Sáng sớm, chị đã choàng dậy vì tiếng động khẽở cánh tay. Anh như bộ xương dán chặt xuống giường, món ngải cứu đã không còn tác dụng trước đám vi trùng như lũ quét tàn phá cơ thể, nhưng gương mặt anh hôm nay thật sáng trong, tươi tỉnh. “Bà thay cho tui bộ đồ mới nghe, để tui còn đi chơi”. Chị khựng lại, rồi cũng lui hui soạn bộ đồ pyjama mua cho anh trước tết. “Bà nằm xuống đây với tui một lát”.
Một luồng gió lạnh làm tê cứng người chị. Chẳng lẽ, giờ phút nghiệt ngã đã đến? Ruột gan thắt lại, khi anh cứ nắm tay chị, giọng yếu ớt, xa vắng. “Từ đây việc bán căng-tin bà giao lại cho út Thơ đi nghe. Già rồi, lo dưỡng sức, buồn thì chơi với cháu nội, đi thăm các con”. “Tui biết rồi, nhưng ông muốn đi chơi đâu hả?”. Giọng chị lạc đi. Giọng anh dí dỏm: “Ừ, tui đi “tiền trạm”cho bà nghe! Bàn tay chị trong vòng nắm của anh mỗi lúc một chặt thêm.
Sáng đó, anh đã đi chơi, chơi xa…
Chị quơ cây chổi đểở góc sân quét sạch sẽ thềm mộ, mùi hương nhang mới thắp là là theo ngọn gió chướng, tản mát trước thềm, bùi ngùi se cay mắt chị.
“Mẹ ơi, xem ai nè!”. Giọng nói cùng tiếng reo vui vang lên sau lưng chị. Quay lại, trời ơi, bản sao của chị! Ba đứa con cùng chị chúng ùa đến bên mẹ. Mấy đứa tranh nhau tíu tít kể, từng mảng một, câu chuyện được ráp nối. Té ra, anh đã biết chuyện từ khi con bé đến tìm chịở căng-tin, để rồi âm thầm bàn với đám con: viết thư, gọi điện thoại cho Nhiên, đứa con riêng của chị. Lẽ ra, cuộc hội ngộ đến sớm hơn, nhưng phải lo chuyện tết xong xuôi, Nhiên được ba mẹ nuôi và các em ân cần, tha thiết mở đường đưa cô gái về đây tìm lại mẹ mình…
Nắng vàng mật của mùa xuân chưa qua hết, nhảy nhót từng đốm rải khắp phần mộ như những cánh hoa bay. Lòng chị nhẹ đi vì Nhiên giờ đã lớn khôn để nhìn chị ngọt ngào tình mẫu tử, không chút giận hờn, trách móc. Chị em nhà nó ríu rít thân thiết bên nhau. Những núm ruột giờ đây gắn liền, sum vầy. Trái tim đông cứng của chị dần ấm lại, thầm thì với người đã rút bỏ dầm đau cho mình: “Tui biết ông thương tui đến vậy mà!”.