Trong những đợt phong tỏa vì bùng phát dịch COVID-19 đây đó quanh thế giới, khi mấy người ưa sôi nổi phát mệt thì những người ưa tĩnh lặng vẫn sống khỏe, làm khỏe. Sự khác biệt ấy, mà đại dịch làm cho hiện rõ hơn lúc nào hết, gợi ra những xu hướng thay đổi thiết kế nơi làm việc về sau này.
Mặc cho vô số người trong thiên hạ cảm thấy bức bối, thậm chí trầm cảm vì mọi sự đi lại, giao lưu bị hạn chế, vì cuộc sống chỉ còn loanh quanh trong nhà, những người hướng nội lại thấy hạnh phúc vì được chơi ở nhà, làm ở nhà. Tất nhiên, đó là những người làm trong các khu vực mà việc làm việc tại nhà là có thể.
Ở nhà là một niềm vui
Khi dịch bệnh đến, Cynthia Burrell, một người trị liệu matxa ở thành phố Seattle (bang Washington, Mỹ), phải đóng cửa cơ sở kinh doanh. Nhưng ngừng việc không có gì phải buồn, bà và chồng tranh thủ tận hưởng quãng thời gian yên ả với một thú vui tại gia: theo dõi các gia đình chim.
Rồi họ phát hiện có con tiêu liêu Bewick đã thu nhặt đám lông của tên mèo nhà họ về làm tổ sau vườn, những con bạc má mũ đen xây tổ bên nhà hàng xóm này, những con bạc má mũ nâu xây tổ bên nhà hàng xóm kia. Rồi họ lại vẽ bọn bay nhảy ấy và chăm sóc khoảnh vườn nhà mình…
Những con chim đã giúp ông bà Burrell quên đi phần nào nỗi lo sợ về những con virus nguy hiểm đang khiến chính quyền phải ban bố lệnh phong tỏa kéo dài hàng tuần. Nói về thời gian cấm túc căng thẳng ở Mỹ vào năm 2020, bà Cynthia Burrell, 52 tuổi, chia sẻ với Hãng tin Reuters: “Nó như là giấc mơ của những kẻ hướng nội!”.
Ở Canada, luật sư Fahad Diwan sống tại thành phố Toronto vẫn có thể làm việc ở nhà và nhận thấy rằng mọi việc được xử lý hiệu quả hơn, vì ông có thể tập trung và kiểm soát được môi trường làm việc hơn.
Tự nhận mình là một người hướng nội, vị luật sư trẻ chia sẻ với bản tin truyền hình Globalnews của Canada: “Ở văn phòng cứ có người đi ra đi vào. Rồi hay có những cuộc chuyện trò bất chợt nữa. Còn khi ở nhà, tôi có thể loại ra tất cả những thứ này”.
Làm việc tại gia còn mang đến cho Diwan những điều dễ chịu chẳng bao giờ mơ tới nổi nếu ở văn phòng: Tranh thủ lúc nghỉ giải lao để chơi với cậu con nhỏ 1 tuổi, hay tập yoga và ngồi thiền trong phòng yên tĩnh.
Dân hướng nội như luật sư Diwan lại không hề hiếm ở Canada. Theo một khảo sát năm 2019 của Viện nghiên cứu Angus Reid, có đến 71% dân số nước này là những người hướng nội.
Làm việc hiệu quả hơn khi ở nhà cũng là điều mà một người phụ nữ hướng nội như Veronica Wortman Ploetz ở thành phố Omaha (bang Nebraska, Mỹ) nhận thấy. Ploetz – quản lý cấp cao của Tổ chức Training Delivery chuyên đào tạo nhân sự lãnh đạo – nói rằng thay vì thức dậy vào lúc 5h sáng rồi lu xù bù với các thứ nào sửa soạn, nào cho chó ăn, nào lái xe 45 phút đến văn phòng thì trong thời gian phong tỏa, bà có thể làm việc ngay khi thức dậy, và trong căn nhà yên ắng buổi sớm, bà thấy mình làm được nhiều hơn là khi ngồi giữa cái văn phòng ồn ào hối hả của công ty. “Tôi đã hoàn thành mọi việc nhờ cảm thấy tràn đầy năng lượng trong lúc yên tĩnh đó. Nơi tôi thu nạp năng lượng là nơi yên tĩnh, một mình”, Wortman Ploetz nói với BBC.
Cựu giám đốc nhân sự của Netflix, bà Patty Mccord, trong một phỏng vấn với Hãng tin Bloomberg, cho hay rằng các nhà quản lý giờ mới nhận ra tài năng của những nhân viên có tính hướng nội, những kẻ xưa nay lặng lẽ và mờ nhạt trong công sở.
Trước đại dịch, một nhân viên sale giỏi thường phải là người có khả năng kiểm soát một căn phòng, có nhiều năng lượng, có sức thu hút, sự tự tin, vân vân và vân vân, nhưng nay bà Mccord cho biết: “Điều này đã hoàn toàn đảo ngược trong đại dịch. Đột nhiên, những tay sale giỏi nhất công ty giờ là mấy người trầm lặng chỉ gọi điện thoại cho khách hàng và nghe họ nói”.
Richard Etienne – chuyên gia về xây dựng thương hiệu cá nhân nổi tiếng của Anh và rất am hiểu về người hướng nội – phân tích: “Những người hướng nội có tư duy phân tích và khả năng đồng cảm. Họ thường tận tâm, suy nghĩ sâu xa, trông đáng tin và giỏi tạo dựng quan hệ thân thiết. Trong đại dịch, những kỹ năng này hết sức cần thiết, khi mà các công ty đang cố gắng giữ khách”.
Ngay chuyện họp hành, một hoạt động mà nhiều người trầm lặng thường chỉ góp mặt mà không góp tiếng, các nhà quản lý cũng nhận thấy nhân viên hướng nội của họ tỏa sáng qua hình thức họp trực tuyến phổ biến trong thời dịch bệnh.
“Họ có thể trình bày sự hiểu biết của mình, có khi trước hàng ngàn người, nhưng họ chỉ nhìn thấy một ánh đèn xanh (của camera) ở phía trên màn hình của họ mà thôi” – Beth Buelow, tác giả của quyển The introvert entrepreneur (Chủ doanh nghiệp hướng nội), lý giải.
Được nhà tâm thần học nổi tiếng người Thụy Sĩ Carl Gustav Jung (1875 – 1961) xác định trong công trình nghiên cứu từ những năm 1920, hai kiểu tâm lý hướng nội và hướng ngoại sau này được nhà khoa học người Anh gốc Đức Hans Eysenck (1916 – 1997) đặt giả thiết là những tính cách trái ngược nhau hình thành từ mức độ “tỉnh thức” khác nhau: Người hướng ngoại có mức “tỉnh thức” thấp hơn, nên cần nhiều sự kích thích từ thế giới bên ngoài để tỉnh táo, trong khi người hướng nội thì lại dễ bị kích thích quá mức, nên thường tìm cách được ở một mình để hạ cơn kích thích này xuống.
Đến năm 2005, các nghiên cứu khoa học xác định được rõ yếu tố gây ra sự tỉnh thức kia là do chất dẫn truyền thần kinh dopamine hay còn gọi là “hormone hạnh phúc”. Những ai hướng ngoại thì ít nhạy cảm với dopamine, còn những ai hướng nội thì lại rất nhạy cảm với chất này, nên trò chuyện tương tác xã hội quá nhiều có thể khiến họ kiệt sức, vì dopamine dâng quá cao làm họ mệt đầu. Được ở một mình sẽ làm họ hạnh phúc hơn!
Tính cách trầm lặng của người hướng nội khiến họ thường bị đánh giá không đúng thực lực trong xã hội, nhất là vào cái thời thiên hạ ưa hướng ngoại, ưa ồn ào ngày nay. Nhưng nghiên cứu năm 2012 của giáo sư tâm lý và khoa học thần kinh Randy Buckner ở Đại học Harvard mang đến điều an ủi lớn cho kiểu người này. Nghiên cứu của Buckner phát hiện rằng người hướng nội có lớp chất xám dày hơn và lớn hơn trong vùng vỏ não trước trán – phụ trách các tư duy trừu tượng và ra quyết định – trong khi người hướng ngoại thì có ít chất xám hơn.
Và điều này – theo kết luận của Buckner – giải thích cho việc người hướng nội có xu hướng ngồi thu lu một góc và nghiền ngẫm mọi thứ ra tấm ra cám rồi mới quyết định mọi việc, trong khi những tay hướng ngoại thì sống nhanh, làm liều và chẳng suy nghĩ cái gì thấu đáo. Những bậc thiên tài lỗi lạc, những người nổi tiếng “xám đầu” xưa nay, từ Isaac Newton, Albert Einstein, đến Mark Zuckerberg, Bill Gates cũng đều là người hướng nội đó!
Công sở cho đội hướng nội
Công sở theo kiểu phổ biến lâu nay thực sự không phù hợp với tính cách hướng nội. Ông Etienne giải thích: “Nơi làm việc được những người hướng ngoại tạo ra và dành cho những người hướng ngoại”.
Văn phòng kiểu mở thoáng, không vách ngăn, theo chuyên gia này, là tệ nhất cho người hướng nội vì ai ai cũng có thể tiếp cận không gian của nhau và điều đó làm người hướng nội căng thẳng, trong khi những cuộc họp sẽ làm họ mất nhiều năng lượng. Vì vậy, để những người trầm tính làm việc hiệu quả, công sở cần tạo ra những không gian yên bình, tĩnh lặng, ít người hơn.
Tác giả Beth Buelow cũng cho rằng sau đại dịch điều các nhà quản lý doanh nghiệp cần làm là cải tạo văn phòng phù hợp hơn với nhóm người hướng nội để họ phát huy được tối đa khả năng.
Định nghĩa về “nhân viên ngôi sao” trong công sở, theo bà Buelow, thường là về khả năng ăn nói, vì nó liên quan đến việc có thể trình bày đóng góp ý kiến. “Nhưng tôi nghĩ chúng ta giờ đã học được rằng đóng góp có nhiều dạng khác nhau, và không nhất thiết phải là về người nói nhiều nhất”, bà Buelow nhận xét.
Có những giải pháp đơn giản mà nhà quản lý có thể sử dụng để đảm bảo các nhân viên hướng nội có thể duy trì hiệu quả làm việc khi quay lại công sở, chẳng hạn như ưu tiên cho các buổi trao đổi động não hay trò chuyện theo nhóm nhỏ, hơn là thảo luận và họp bàn trong nhóm lớn.
Những trải nghiệm trong đại dịch đang giúp các chủ doanh nghiệp nhận ra rằng hoàn toàn có thể cho nhân viên ngồi nhà làm việc và rằng ngoài việc tiết kiệm được cho công sở kha khá điện nước, văn phòng phẩm, làm việc từ xa cũng rất có hiệu quả lao động.
Một mô hình kết hợp vài ngày làm việc tại gia với vài ngày làm việc công sở cho một bình thường mới sau đại dịch đang được các chuyên gia nhân sự cổ xúy và được các công ty quản trị hàng đầu thế giới như Mckinsey và Booz Allen Hamilton nói đến trong nhiều kỳ tạp chí nội bộ của họ.
Ngày mà mô hình kết hợp này được phổ biến, sẽ là ngày hạnh phúc rực rỡ cho người hướng nội!