Trong lịch sử âm nhạc thế giới ghi nhận một tác phẩm âm nhạc một thời đã gây chấn động mạnh trong một bộ phận thanh niên châu Âu; đó là ca khúc Chủ nhật buồn (tiếng Anh: Gloomy Sunday; tiếng Pháp: Sombre Dimanche) được sáng tác năm 1933 của 2 tác giả người Hungary.
Phần nhạc do Seress Rezs# soạn, lời thơ của Jávor László, ca khúc ra đời đầu tiên tại Budapest. Tên bản nhạc theo nguyên tác tiếng Hungary là Szomorú vasárnap. Đây ca khúc được liệt vào hàng “bất tử” trong lịch sử âm nhạc đại chúng thế giới. Có một thời gian dài bài hát này được gọi “Ca khúc chết người”, “Quốc ca của những kẻ tự tử” .
Tất cả xuất phát từ một bài thơ… thất tình của Jávor László. Khi đó ông 26 tuổi và đang là phóng viên hình sự của một tờ báo ở thủ đô Budapest. Chàng trai Jávor László buộc phải chia tay với người yêu đang là …vợ của người khác! Tương truyền, trong buổi hẹn hò bí mật cuối cùng, Jávor tuyên bố chấm dứt hoàn toàn mối quan hệ, và đối với chàng, cô gái không còn tồn tại nữa. Bài thơ Chủ nhật buồn ra đời như một kỷ niệm cho mối tình đã chết, đầy tang tóc với câu mở đầu “Chủ nhật buồn với muôn cành hoa trắng – Anh chờ em với lời kinh cầu…”, để rồi khi mối tình không còn và ngày chủ nhật đối với anh chỉ còn là nước mắt và nỗi âu sầu.
Sau khi hoàn thành, bài thơ không được ai biết tới. Tác giả đã đề nghị Seress Rezs#; một nhạc sĩ tự học phổ nhạc cho bài thơ, và người nhạc sĩ không hề biết nhạc lý đã phải huýt sáo để nhờ một thanh niên thạo nhạc ghi lại. Sau vài tháng, bài hát Chủ nhật buồn được ra đời.
Khi bản nhạc được ra mắt công chúng, các tác giả không mấy hứng khởi vì ca khúc không được ái mộ như ý thì bỗng nhiên, báo chí Hungary loan tin trong vòng 2 tuần liền, đã có hai người tự tử bên bản nhạc Chủ nhật buồn. Tháng 11-1935, báo chí Hungary bắt đầu mở cuộc tấn công, phê phán ca khúc và gọi nó là “bài ca giết người”!
Từ đó, báo chí ở Thụy Sĩ, Ý, Pháp, Ðức… bắt đầu viết về Chủ nhật buồn, nơi khen, nơi chê và truyền thông quốc tế bắt đầu gọi ca khúc là “Quốc ca của những kẻ tự tử”. Từ châu Âu lan sang Bắc Mỹ, tờ New York Times còn loan tin “giựt gân” hơn là tại Budapest đã có một làn sóng người nhảy xuống dòng Danube tự tử khi nghe bài hát! Tất nhiên, đó chỉ là những lời đồn.
“Cơn sốt Chủ nhật buồn” khi đó chỉ mới xuất hiện ở một số nước; cho đến khi một ông bầu âm nhạc người Pháp sang Budapest, và sau khi được nghe ca khúc này, ông liền mang bản nhạc về để phỏng dịch và phổ biến tại Paris, lúc đó cả thế giới mới biết đến Seress; tên của người nhạc sĩ. Ca khúc dịch sang tiếng Pháp có tên Oh! Sombre Dimanche đăng trên báo Paris-Soir, phỏng dịch sang Tiếng Việt như sau:
Chủ nhật âm u
Chủ nhật âm u hôm nay .
Ta sớm đợi em
Trong gian phòng nho nhỏ
Muôn cánh hoa trong tay ta dành sẵn
Suốt cả ngày
Nhưng
Ta hiểu rằng em không đến
Ta nguyện lời cầu tình yêu và đau khổ
Ta cô đơn
Ta khóc lên và lặng nghe gió lạnh ngừng than tan tác
Em ơi!
Chủ nhật âm u sau cùng !
Lòng ta tràn đầy đau khổ
Ta sẽ chết vào ngày chúa nhật
hôm nay
Em, xin em hãy đến cùng ta
Những ngọn nến, chiếc quan tài đưa anh vào cõi chết
Như hy vọng của anh
Em hãy đến
Mắt anh sẽ mở để trông thấy em
Em đừng sợ hãi đôi mắt anh
Dù không thấy được em, nhưng vẫn thầm nhủ rằng:
Ta yêu em hơn suốt cả đời ta
Ngày chủ nhật âm u sau cùng…
Có thể nói Chủ nhật buồn bắt đầu chinh phục thế giới bằng cơn sốt xuất phát từ nước Pháp. Rất đông thanh niên châu Âu hướng về mốt “đau buồn tập thể”, nhiều người đã… tự sát. Jávor; chàng trai thất tình bỗng nổi tiếng với bài thơ buồn của mình, anh đã nói với báo giới khi nghe về thành công “chết người” của mình: “Giờ thì người ta nghĩ đến tôi như một kẻ đào mồ với chiếc xẻng trong tay”!
Có người nói Chủ nhật buồn như một bài ca có ma lực vô cùng đặc biệt, khiến người nghe ảo não, sầu muộn đến độ phải… tự mình tìm đến cái chết. Tuy nhiên, cũng có người nói rằng không thể biết được đâu là sự thật, đâu là hội chứng cuồng tầm cỡ thế giới, và đâu là món nghề quảng cáo của sự kinh doanh nghề sân khấu!
Quả thực, cạnh thi thể vài người tự vẫn có bản nhạc của ca khúc này, nhất là ở Hungary. Nhưng xứ sở này, dù có Chủ nhật buồn hay không, cũng đã được liệt vào hàng những quốc gia hàng đầu thế giới trong các thống kê về số người tự sát!
Thời kỳ 1935-1936, khi bài hát ra đời, thế giới đang đứng trước cuộc Thế chiến sắp bùng nổ; và cuộc khủng hoảng kinh tế đang ở độ trầm trọng. Khi tìm hiểu nguyên do và bản chất của hiện tượng Chủ nhật buồn, những nhà tâm lý học đã không quên điều đó. Tuy nhiên, mọi người vẫn nhận thấy qua giai điệu đơn điệu, lặp đi lặp lại theo cung Đô thứ, bài ca đã thể hiện một cái gì đó khó diễn tả, nhất là đối với người đang ở trong hoàn cảnh đau khổ buộc phải chia tay người tình…
Chỉ vài năm sau khi xuất hiện, ca khúc Chủ nhật buồn đã được dịch ra gần 30 thứ tiếng. Bản nhạc và những chiếc đĩa hát Chủ nhật buồn tràn ngập thị trường thế giới, mang đến một không khí u sầu khắp châu Âu, Mỹ, Phi và lan sang cả Trung Quốc… Thành công của tác phẩm Chủ nhật buồn vượt xa mọi mong đợi, tất nhiên, ngoài câu chữ “sầu bi” của bài thơ, nó còn được phổ bằng một giai điệu truyền cảm của người nhạc sĩ không chuyên là Seress Rezs#; một người tự học nhạc mà trước đó chẳng mấy ai biết đến tên tuổi.
Seress chào đời năm 1899 trong một gia đình gốc Do Thái và thường được gọi với cái tên “Seress bé nhỏ” vì ông chỉ cao hơn 1,55m. Ông chơi nhạc buổi tối ở Kulacs và Kispipa là hai tiệm ăn nhỏ ở Budapest; nơi mà đầu thập niên 1930 là chỗ gặp gỡ của tầng lớp dân cư lao động không mấy khá giả.
Vào thời điểm Chủ nhật buồn ra đời, báo chí đã viết về người nhạc sĩ như sau: “Ở nước ngoài, nếu một nhạc sĩ chỉ sáng tác được một phần tư số ca khúc được ưa thích so với Seress, thì người ấy hẳn phải sống vương giả, có nhà lầu, xe hơi, và có thể lựa chọn các hợp đồng phim ảnh. Còn Seress thì chơi dương cầm ở một quán nhỏ, thù lao “vương giả” mỗi tối là vài đồng và một bữa tối thanh đạm…”.
Mặc dù đã có rất nhiều tiền tác quyền trong các ngân hàng ngoại quốc, nhưng Seress không bao giờ đặt chân ra nước ngoài, và cũng không bao giờ đụng chạm được đến những khoản tiền đó. Sau Ðệ nhị Thế chiến (1939-1945), Hungary thuộc phe thất trận và số tiền của ông đã bị “đóng băng” với lý do Hungary phải bồi thường thiệt hại chiến tranh cho phe Đồng minh!
Không chỉ là tác giả phần nhạc của Chủ nhật buồn, Seress Rezs# còn đặt lời hai cho ca khúc nữa, biến bài hát từ một bản tình ca thành một tác phẩm với âm hưởng của ngày tận thế với những câu như: Mùa thu tới và lá vàng rơi – Tình người chết rục trên đất này…! Tháng 1.1968, lúc đó ông 69 tuổi và khi biết mình lâm phải trọng bệnh, Seress đã tìm đến cái bằng cách nhảy xuống đất từ cửa sổ căn hộ tầng 4 tại tòa nhà ông đang sống. Cả đời bị ám ảnh bởi cái chết, bài ca do ông phổ nhạc và đặt một lời cũng là một “tình ca chết chóc”, vậy mà chính cái chết đã đưa Seress vào bất tử, như bản Chủ nhật buồn trước đó 35 năm.
Không chỉ nổi tiếng trên thế giới, Chủ nhật buồn còn được biết đến ở Việt Nam từ đầu thập niên 50 qua ca khúc lời Việt của nhạc sĩ Phạm Duy. Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Phạm Duy cho biết trong thời gian du học ở Pháp, ông rất thích những bản tình ca của Pháp và có soạn lời Việt cho một số bài, trong đó có bản Chủ nhật buồn mà lúc đó, ông nghĩ là được phóng tác từ dân ca Hungary:
Chủ nhật buồn đi lê thê
Cầm một vòng hoa đê mê
Bước chân về với gian nhà
Với trái tim còn nặng nề
Xót xa gì, oán thương gì
Đã biết nuôi hương chia ly….
Ra đời cách đây gần một thế kỷ và cho đến nay, Chủ nhật buồn vẫn là nguồn cảm hứng cho nhiều ca sĩ, ban nhạc với những cách thể hiện khác nhau của bài hát. Mang tâm tình của một cá nhân (Jávor László), được thăng hoa bởi nét nhạc và tâm tự sầu cảm của Seress Rezs#, Chủ nhật buồn xứng đáng là một ca khúc vượt thời gian của dòng nhạc tình quốc tế của thế kỷ thứ XX!