Điều hành ngân hàng nhỏ dễ hơn hay khó hơn? – một câu hỏi được đặt lên bàn ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank (Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng) trong một cuộc phỏng vấn của chúng tôi. “Vừa dễ hơn, vừa khó hơn” – ông Vinh trả lời – “Dễ hơn vì quy mô nhỏ, chưa phức tạp và khó hơn vì nó chưa phát triển, phải làm việc cật lực hơn”. Không giống như mọi người hình dung bấy lâu nay, các ngân hàng nhỏ và vừa đang đứng trước vận hội đổi thay để đi lên. Quan trọng nhất là họ có biết tự mình làm trong sạch mình, và một khi đã “sạch” rồi, có giữ được cái “sạch” đó lâu dài không mà thôi.
Từ phận “cá lòng tong”
Năm 2011 ông Vinh quyết định rời vị trí Tổng giám đốc Techcombank (Ngân hàng TMCP Kỹ Thương) sau nhiều năm gắn bó. VPBank khi ấy mới thay đổi các cổ đông lớn, các thành viên hội đồng quản trị và trên bảng cân đối tài chính, nó tương đối sạch do đã xử lý được không ít những khoản nợ khó đòi.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn
VPBank cùng một loạt các ngân hàng vừa và nhỏ khác như Hàng Hải, Việt Á, Đông Nam Á (SeaBank), Sài Gòn Công Thương (SaigonBank), An Bình, Sài Gòn – Hà Nội (SHB)… không được giới tài chính xếp ở “chiếu trên” vì còn khoảng cách với tốp đầu gồm Á Châu, Eximbank, Sacombank, Techcombank, Quân Đội. Khoảng cách đó được phân biệt bởi cái thế. Các ngân hàng cổ phần lớn ít nhiều có vị thế, uy tín, có khách hàng, có thị trường. Họ đã qua giai đoạn đầu tư, nền tảng được củng cố, thuận lợi để đón nhận thử thách mới. Tuy nhiên, không phải vì thế mà những “ông lớn” không có khó khăn. Đã tốt rồi phải làm sao để tốt hơn. Bước nhảy từ tốt lên tốt hơn có lẽ gặp nhiều trở ngại hơn là đi từ trung bình lên khá, rồi khá tốt.
Lùi về vài năm trước, sự vận động để cạnh tranh trong một thị trường tài chính đầy dông bão của các ngân hàng nhỏ và vừa đã gây nên tranh luận nảy lửa trong dư luận. Để nhanh chóng vươn vai bằng chị bằng em, các ngân hàng nhỏ đua nhau đẩy tín dụng, vay liên ngân hàng, vay dân cư với lãi suất cao để có nguồn cho đầu ra. Tín dụng tăng trưởng nóng thiếu kiểm soát và những cuộc đua lãi suất huy động đã đưa các ngân hàng nhỏ đến bờ vực. Cựu thống đốc Ngân hàng Nhà nước – ông Nguyễn Văn Giàu đã gọi những ngân hàng nhỏ là “cá lòng tong”. Để rồi sau này cả chục “cá lòng tong” phải vào diện tái cơ cấu mà đến giờ vẫn chưa biết bao giờ kết thúc.
Trong khi Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Đệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa phải sáp nhập thành SCB; cái tên HabuBank (Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội) biến mất khỏi thương trường; Đại Á và HDBank hợp nhất; Tiền Phong tự tái cơ cấu với sự góp sức của Tập đoàn Doji; Phương Tây sáp nhập với Tổng công ty Tài chính Dầu khí (PVFC) để trở thành Public Bank (Ngân hàng TMCP Đại Chúng, dự kiến chính thức ra mắt cuối quý III năm nay)…, thì một số tổ chức tín dụng khác xây nền, củng cố địa vị tầm trung, chưa chờ đặt một chân vào tốp trên. “Cái khó thứ nhất của ngân hàng nhỏ và vừa là cơ hội chạy nhanh ngày nay không còn như những năm trước. Giờ muốn chạy nhanh cũng không được vì điều kiện không cho phép, nó có giới hạn” – tổng giám đốc một ngân hàng nhỏ giãi bày – “Cái khó thứ hai là phải tồn tại và phát triển trong hoàn cảnh một số ngân hàng khác đã đi được một bước dài. Sự chênh lệch về trình độ quản lý, mạng lưới, khách hàng ngày một nới rộng, nên tạo đà bứt phá và bứt phá được hoàn toàn không dễ”.
Cơ hội unbank
Cơ hội căn bản, mang tính quyết định đối với các ngân hàng vừa và nhỏ Việt Nam là vùng “unbank” còn rộng mở. Unbank, theo cách nói của giới tài chính, là những đối tượng chưa tham gia sử dụng dịch vụ ngân hàng. Ở đó ngân hàng vẫn là miền đất trinh nữ.
Hiện thu nhập đầu người bình quân của Việt Nam khoảng 1.400 USD/năm, riêng TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội xấp xỉ 3.000 USD/năm, của các tỉnh thành khác khoảng 600-800 USD/năm. Thông thường trên thế giới dịch vụ ngân hàng, nhất là dịch vụ ngân hàng cá nhân, bùng nổ khi thu nhập đầu người lên mức 3.000-4.000 USD/năm. Bà Trần Thị Việt Ánh, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương nhận xét: “Các dịch vụ ngân hàng cá nhân năm năm qua ở Việt Nam dậy sóng chủ yếu ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Xét về cấu trúc, những đối tượng chưa đủ độ tín nhiệm để sử dụng dịch vụ theo đánh giá của ngân hàng còn nhiều. Khi kinh tế phục hồi, trong vòng ba đến năm năm tới, cơ hội thị trường dành cho đối tượng này luôn mở, chưa đến lúc bão hòa”.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước năm ngoái chỉ ra hiện Việt Nam có khoảng 29 triệu tài khoản khách hàng cá nhân. So với dân số 90 triệu người, cơ hội để phát triển thêm 10-20 triệu tài khoản cá nhân nữa là hiện thực – ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á nói. Đông Á hiện là một trong những ngân hàng có số lượng tài khoản khách hàng cá nhân cao nhất. Ngân hàng này đang tiến nhanh đến mục tiêu 3 triệu tài khoản cá nhân.
Dịch vụ ngân hàng cá nhân không chỉ có mở tài khoản, hay thẻ tín dụng, mà bao gồm cả gói như vay tiêu dùng, hộ gia đình, gửi tiết kiệm, bảo lãnh, nhận tiền từ nước ngoài…
Ngoài khách hàng cá nhân, các ngân hàng vừa và nhỏ tập trung vào doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Chiến lược này hiện được nhiều ngân hàng định hướng và rõ ràng khi hầu hết cùng nhắm đến mục tiêu, người thắng cuộc phải là người có đường đi nước bước riêng biệt. Một thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Liên Việt phân tích: “Mục tiêu của các ngân hàng đầu hiện tại là nhóm doanh nghiệp lớn, kể cả khối quốc doanh và cá nhân có thu nhập cao, tức tầng lớp trung lưu”. Ngoài năm ngân hàng cổ phần “chiếu trên”, ông dẫn chứng thêm Vietcombank, Vietinbank và BIDV. Nhắm đến đối tượng unbank, trừ Agribank cho vay nông dân, thường là ngân hàng “chiếu dưới”. Ở khu vực đô thị, Đông Á và Sacombank chú trọng cho vay đối tượng cần tiền thực để chi tiêu cho cuộc sống thường ngày (giống một số công ty tài chính). Đây là thị trường tiềm năng, nhưng rủi ro cao.
“Cho vay nông thôn hay cho vay tiêu dùng ở đô thị là thị trường còn bỏ trống” – ông Nguyễn Đức Vinh nhận định – “Khai thác thị trường này đòi hỏi chi phí lớn, mà cơ chế pháp lý lại chưa hậu thuẫn cho nó. Chẳng hạn cho vay nông thôn với lãi suất cao hơn một chút là có thể bị quy tội cho vay nặng lãi. Tâm lý xã hội cũng chưa ủng hộ điều đó”.
Phải thừa nhận trên thực tế cho vài ba doanh nghiệp vay 100 tỉ đồng chi phí thấp hơn so với cho 1.000 cá nhân vay cùng số tiền. Chưa kể rủi ro để kiểm soát 1.000 người vay lớn hơn kiểm soát tiền vay của một vài công ty. Việc thu phí ATM là một thí dụ. Phải mất nhiều năm người ta mới chấp nhận thu phí rút tiền ATM.
Thị trường unbank xét cho cùng là phân khúc thấp còn trống, trong khi các ngân hàng chen nhau ở phân khúc dịch vụ trung bình và cao cấp. Một ngân hàng đã thử nghiệm để ra một lượng vốn nhất định, chấp nhận chi phí cao trong vòng 18 tháng để khai thác phân khúc thấp này. Kết quả là tỷ lệ mất vốn cao hơn mức bình thường. Cụ thể cao hơn bao nhiêu, họ yêu cầu không công khai.
Khúc giữa và sự khác biệt
Kinh doanh ngân hàng ngày một khốc liệt, làm gì để bứt phá? Nhiều sếp ngân hàng vừa và nhỏ thừa nhận đấy là câu hỏi hóc búa của các nhà hoạch định chiến thuật. Chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng vừa hợp nhất chia sẻ: “Sản phẩm có thể xây dựng, công nghệ hiện chưa có thì ngày mai đầu tư sẽ có, nhân lực cũng sẽ đào tạo được, đi vay ở đâu cũng có, lãi suất tiền gửi ở đâu cao người ta tìm đến… Vậy lấy gì tạo khác biệt?”.
Sự khác biệt hay “ưu thế của mình” như một số ngân hàng định nghĩa là văn hóa kinh doanh, là chất lượng dịch vụ “nhanh, gọn, thuận tiện”, là sản phẩm đại chúng… Nhưng trên hết phải là sự đột phá vào phân khúc trên hoặc dưới. Trên thị trường ngân hàng Việt Nam, khúc ngon nhất đang thuộc về khối nước ngoài. Các ngân hàng ngoại ở Việt Nam đều cho biết dịch vụ ngân hàng bán lẻ chiếm ưu thế, nhưng thực ra họ có cả hệ thống kết nối với quốc tế để quản lý tài sản. Có nghĩa là gắn sản phẩm tiền gửi với các sản phẩm đầu tư như chứng khoán, chỉ số hàng hóa, các đồng tiền mạnh… Mới chỉ một – hai ngân hàng nội địa thử nghiệm dịch vụ nói trên trong phạm vi khách hàng hẹp.
Phân khúc dưới với đối tượng nông dân, viên chức, công nhân, học sinh sinh viên, người buôn bán… nhiều rủi ro, ít ngân hàng đến. Còn lại các ngân hàng nội đang cạnh tranh quyết liệt ở khúc giữa, nơi “đất đai” ngày càng chật chội.
Để tiến quân ra hai bên lên khúc trên và xuống khúc dưới, các ngân hàng vừa và nhỏ trước hết phải xử lý xong hậu quả nợ xấu của thời phát triển nóng. Trừ SCB và SHB, nợ xấu của khối ngân hàng nhỏ và vừa không khủng khiếp như tại các ngân hàng tài trợ nhiều cho doanh nghiệp nhà nước. Dựa trên số liệu do chính các ngân hàng công bố, nợ xấu của những ngân hàng lớn sáu tháng đầu năm nay đang tăng mạnh hơn ngân hàng vừa và nhỏ. Ở những thời điểm khủng hoảng, quy mô nhỏ đôi khi là một lợi thế.
Hải Lý