Vào năm 1821, Napoléon I, cựu hoàng đế của Pháp, đã chết trên đảo Sainte-Hélène, về mặt chính thức là do loét dạ dày. 140 năm sau, một nha sĩ Thụy Điển, bác sĩ Forshufvud, cho ấn hành quyển sách có nhan đề Phải chăng Napoléon đã bị đầu độc? Quyển sách thoạt đầu không được mọi người chú ý.
Nhưng khi Khoa Pháp y ở Glasgow xem xét 5 mẫu tóc của Hoàng đế Napoléon, tất cả đều mang một lượng arsenic đáng kể. Huyền thoại Napoléon bắt đầu lan truyền trên nước Pháp quân chủ vào đầu thế kỷ 19, đặc biệt nhân dịp đưa trở lại tro tàn của Hoàng đế về Điện Invalides vào năm 1840. “Bí ẩn Napoléon” không bao giờ tan đi. Vì sao Napoléon chết? Theo một số người: vì bị đầu độc bằng arsenic. Theo số khác: vì chứng ung thư dạ dày. Cuộc nghiên cứu mới đây đã củng cố giả thuyết chính thức.
Ngày cuối của Napoléon
Sau thất bại năm 1814 trước châu Âu liên minh, Napoléon bị đày ra đảo Elbe gần bờ biển Toscana (Ý). Ông thoát được vào ngày 1-3-1815. Lợi dụng sự cẩu thả của phe Bảo hoàng, những ông chủ mới của nước Pháp và các bất đồng chính kiến của những người chiến thắng, ông trở lại, nắm quyền hành tại Paris. Nhưng ông đã suy yếu, không còn tin tưởng vào ngôi sao may mắn của mình nữa; các vị tướng tài cũng đã chết. Người Anh và Phổ đánh với ông lần cuối tại Waterloo ngày 18-6-1815.
- Xem thêm: Vua Arthur và các hiệp sĩ Bàn Tròn
Tại Paris, người ta buộc ông phải thoái vị và một nền hòa bình mới đưa nước Pháp trở về biên giới của nó vào năm 1792. Vị hoàng đế bị truất phế đầu hàng người Anh, hy vọng vào sự rộng lượng của họ. Họ đày ông đến một hòn đảo hoang vắng giữa Đại Tây Dương, gần Đông chí tuyến, cách châu Phi 1.900km và cách Brazil 2.900km: đảo Sainte-Hélène, một khối đá núi lửa dài 16km và rộng 11km, nơi ông không thể ra khỏi một khu vực còn hẹp hơn. Có 3.000 sĩ quan và binh sĩ canh chừng ông. Ông còn 6 năm để sống. Ông đến đấy ngày 15-10-1815 và qua đời ngày 5-5-1821.
Hòn đảo là nhà tù của ông rất độc hại, nhiệt độ rất cao, thường xuyên có mưa và sương mù. Viên chúa đảo, sir Hudson Lowe (1769-1844), là một kẻ tầm thường luôn bị ám ảnh sợ ông vượt ngục. Để ngăn cản, hắn có những biện pháp rất nhỏ nhen và phiền nhiễu. Napoléon bị chia cách với những người rất thân thiết với ông: hoàng hậu Marie-Louise mà ông vô vọng chờ đợi, con trai bị giam ở Áo, bà mẹ Letizia. Cuộc sống của ông trôi qua giữa những cuộc cãi vã giữa bà de Montholon và bà Bertrand, vợ của 2 vị tướng đã theo ông đến Sainte-Hélène. Emmanuel de Las Cases (1766-1842), thị thần, người mà ông đọc để ghi chép các hồi ức, đã rời bỏ ông vào năm 1816.
Nhưng vị hoàng đế bị truất phế trở thành người hùng của nước Pháp và châu Âu cách mạng, người hy sinh vì lý tưởng của Liên minh Thần thánh gồm các cường quốc quân chủ chuyên chế (Nga, Áo và Phổ) để áp bức các dân tộc. Thật nghịch lý, ông luôn đấu tranh cho sự tự do và trở thành biểu tượng của tự do.
Các luận cứ về sự đầu độc Napoléon
Sau đây là phần trích báo cáo giảo nghiệm Hoàng đế được thực hiện bởi Fran#ois Antommarchi: “…Tôi quan sát thấy rằng độ dính kết của mặt lõm thùy trái gan tạo thành một cái lỗ có đường kính khoảng 6mm ¾ ở mặt trước của dạ dày, gần phần cuối phía phải. Khi mở dạ dày phía sau phần cong lớn, tôi quan sát thấy nó chứa đầy một phần bằng một chất lỏng hơi đen có mùi hăng và khó chịu.
Sau khi lấy ra chất lỏng đó, tôi nhận thấy một vết loét trải rộng chiếm lấy phần trên của mặt trong của dạ dày và trải rộng từ lỗ tâm vị (lỗ nối thực quản với dạ dày – ND) đến khoảng 1 inch cách môn vị (lỗ nối dạ dày với tá tràng – ND). Ở cạnh vết loét cho đến môn vị, tôi nhận thấy cái lỗ trên tạo ra bởi vết loét lên thành dạ dày. Các bờ loét của dạ dày đã phồng lên đáng kể và cứng lại…”. Như người ta có thể thấy, báo cáo này nói đến vết loét rộng lớn của dạ dày đã thoái hóa thành ung thư.
Vào năm 1961, Forshufvud đã quên vết loét, vốn không phải là nguyên nhân trực tiếp của cái chết, chỉ tập trung vào ung thư và dứt khoát loại bỏ nó. Một khối u ác tính sẽ làm gầy đáng kể nạn nhân, thế nhưng lớp mỡ trên bụng thi thể của Napoléon lại dày gần 5cm. Ngược lại, có thể các nạn nhân bị ngộ độc bằng arsenic sẽ dần dần tăng trọng; với liều lượng nhỏ, chất độc từ lâu đã được dùng như chất kích thích. Hơn nữa, một bác sĩ Anh nhấn mạnh đến điều hầu như không có lông trên thi thể của Hoàng đế; điều này cũng có thể là triệu chứng của một sự đầu độc bằng arsenic cũng như tình trạng bảo quản tốt của thi thể vào năm 1840, khi ông được bốc mộ lên để đưa về Pháp. Nhưng quả thật, nội tạng của ông đã được lấy ra, như vậy ông đã sơ khởi được ướp xác.
Từ các dấu vết đó, nha sĩ Thụy Điển gán cho arsenic mọi vấn đề sức khỏe của Napoléon: từ một sự lên cơn kỳ lạ giống như động kinh vào năm 1805, qua những đơn đau dạ dày cho đến chứng chàm trên đảo Elbe và các khó khăn về tiểu tiện tại Waterloo. Tất nhiên, ở mỗi lần như thế, chi tiết về những cơn kỳ lạ có thể khiến người ta nghĩ đến sự đầu độc, nhưng vẫn còn có thể có nhiều cách giải thích y học khác. Nên biết rằng Forshufvud không phải là người đầu tiên ủng hộ giả thuyết đầu độc. Trước đó, René Maury cũng dựa vào một số báo cáo y học để khẳng định rằng cái chết đó không phải là tự nhiên.
Hơn nữa, Forshufvud trở lại với các kết luận của báo cáo giảo nghiệm, cho thấy dạ dày của Napoléon chứa đầy một loại bã cà phê. Ông ta kết luận do xuất huyết trầm trọng, liên quan đến sự ăn mòn các thành dạ dày, đặc thù của mọi loại đầu độc bằng thủy ngân. Do vậy ông giả định rằng sau nhiều năm đầu độc bằng arsenic, thủ phạm đã chuyển sang một loại độc dược khác. Đó chính xác là cyanure thủy ngân, một chất có tác dụng rất đáng ngại, hình thành trong dạ dày của bệnh nhân khi gặp một loại thuốc, chất calomel, được ghi toa với liều lượng lớn với hy vọng tẩy sạch ruột, và một loại thức uống của Hoàng đế, một loại si rô lúa mạch ướp hoa cam và hạnh nhân chua. Nếu không có si rô lúa mạch và hạnh nhân chua, chỉ có muối ăn cũng sẽ tạo ra phản ứng giống thế.
Còn phải tìm ra thủ phạm và một động cơ. Ngưới Anh không tiếp cận nhiều với tù nhân, ít có bạn đồng hành còn ở lại với ông từ đầu đến cuối. Thống chế Bertrand nhất trí được xếp ngoài tình nghi. Còn lại tướng Montholon, người đã theo Napoléon để tránh những chủ nợ, để phục vụ cho nền quân chủ Pháp phục hưng, và họ không thể yên tâm một khi Napoléon còn sống, và để lập ra một chúc thư hợp lý.
Người ta cũng có thể thêm vào nhiều người khác, nhưng không có bằng chứng, những người đã bình phẩm về các mối quan hệ giữa Napoléon và vợ của vị tướng. Sự châm biếm đó có thể chuyển thành bi kịch. Điều phiền phức là Montholon chưa bao giờ từ bỏ chủ nghĩa Napoléon. Theo người cháu họ của ông, sau người cậu, trong những giờ phút đen tối nhất, sau đó thậm chí ông còn là bạn đồng hành khi giam cầm Napoléon III tương lai. Hơn nữa, ông chưa hề đến gần Hoàng đế trước năm 1815 và như thế không thể là thủ phạm đầu độc suốt trong 10 năm.
- Xem thêm: Cuộc sống bí mật của cung tần thời cổ
Vì sao có quá nhiều arsenic? Có rất nhiều cách giải thích về các dấu vết arsenic trong tóc của Hoàng đế. Alain Decaux đề nghị một giải pháp thỏa đáng ở mọi điểm. Người ta biết rằng arsenic ở liều lượng thấp được kê toa như môt loại thuốc kích thích. Những đòi hỏi của cuộc sống đã buộc Napoléon phải lạm dụng, cho dù đôi khi phải chịu các tác dụng phụ. Chính chất arsenic đó đã được các nhà nghiên cứu Anh trưng ra. Thật đơn giản,có lẽ quá đơn giản, nhưng thuyết phục hơn giả thuyết đòi hỏi nhiều loại độc dược và nhiều thủ phạm. Người ta cũng nghĩ rằng arsenic đã đến từ thực phẩm hay nước khoáng có chứa tự nhiên.
Hơn nữa, từ năm 2008, các mẩu tóc của Hoàng đế đã được phân tích. Các mẩu đó chứa lượng rất cao arsenic, khoảng 100 lần cao hơn bình thường. Theo các nhà nghiên cứu thực hiện phân tích, có thể loại trừ việc tự đầu độc. Trước khi các quy tắc được đưa ra, mọi người bị phơi bày arsenic suốt đời (keo dán, thuốc nhuộm…). Chứng loét dạ dày đã được xác nhận.
Nghiên cứu cuối cùng về “bí ẩn Napoléon”
Một nhóm bác sĩ, nhà bệnh lý học về đường ruột của nhiều nước đã nghiên cứu mọi báo cáo giảo nghiệm cũng như mọi lời chứng của những người đã có mặt suốt các tuần cuối đời của Hoàng đế. Sau đó, họ sử dụng một cơ sở dữ liệu bệnh lý đã biết. Như thế, họ đã nhận ra chứng bệnh của Napoléon. Theo họ, không nghi ngờ gì nữa, Hoàng đế đã chết vì xuất huyết dạ dày trầm trọng do hậu quả trực tiếp của chứng ung thư dạ dày. Chứng ung thư không được chữa trị đã phát triển sau chứng loét dạ dày là kết quả của chứng viêm mãn tính dạ dày.
Do vậy, chẳng có bí ẩn gì quanh cái chết của Napoléon cũng không có bàn tay sát nhân hay âm mưu.