Người ta có thể chăm chỉ đếm hàng nghìn người chết mỗi ngày trên thế giới, nhưng số vụ bạo hành gia đình, nhất là đối với phụ nữ, lại không thường xuyên được nhắc tới. Việt Nam cũng không ngoại lệ trong việc này.
Thật trớ trêu “24 giờ bên nhau” vốn như mệnh đề chỉ hạnh phúc đôi lứa, nhưng với không ít người hóa ra lại thành “thảm họa”, đặc biệt thời gian ấy lại kéo dài quá lâu. Chẳng sự kiện nào chỉ có một nguyên nhân, và thời gian bên nhau trong trường hợp này trở thành thảm họa là do họ buộc phải bên nhau; do không thể ra ngoài mưu sinh, mất thu nhập, nhà chật không có lấy một không gian chung, các xung năng bị dồn nén do phải thay đổi thói quen…
Nhìn lướt từ Á sang Âu – Mỹ…
Mới đây, Liên Hợp Quốc (LHQ) đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ gia tăng số lượng bạo lực gia đình, trong thời kỳ đại dịch Covid đang hoành hành, nhất là sau khi các quốc gia áp dụng biện pháp giãn cách xã hội.
Theo bà Hà Thị Quỳnh Anh – chuyên gia giới và quyền con người Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA), vấn đề bạo lực giới với trẻ em gái vốn là một vấn đề nghiêm trọng xảy ra ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh… khiến cho phụ nữ và trẻ em gái rơi vào nguy cơ bị bạo lực cao hơn bình thường. Nhận định này đã được chứng minh qua các đại dịch trước đây như dịch do virus Jika 2015-2016, hay đợt bùng phát dịch do vi rút Ebola. Cuộc khủng hoảng về dịch Covid-19 cũng không phải ngoại lệ.
Dẫn chứng tại Trung Quốc, tỷ lệ bạo lực gia đình trong hai tháng chống dịch tăng gấp 3 lần. Báo cáo của một số tổ chức phi chính phủ của Trung Quốc cũng chỉ ra 90% nguyên nhân các ca bạo lực tại nước này liên quan đến dịch covid 19.
Tại Malaysia, số lượng cuộc gọi đến đường dây nóng báo cáo các vụ bạo lực cũng tăng 57%. Còn ở Hongkong, chỉ riêng trong 3 tháng năm 2020 đã có tới 900 cuộc gọi báo cáo về các vụ bạo lực, cao gấp hơn 3 lần so với số lượng cuộc gọi trung bình năm 2019 (243 cuộc gọi/tháng)
Theo The Guardian, Tổ chức Refuge hỗ trợ phụ nữ bị bạo hành lớn nhất nước Anh, cho biết số lượng cuộc gọi đến đường dây nóng hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực đã tăng 700% so với trước đây, trong khi đường dây nóng trợ giúp riêng cho những kẻ gây ra bạo lực tăng thêm 25% kể từ khi quốc gia này thực hiện quy định cách ly.
Trong khi đó, chính quyền vùng tự trị Catalonia của Tây Ba Nha cũng thông báo, số lượng các cuộc gọi đến đường dây nóng tăng 20% trong những tuần đầu tiên khi lệnh phong tỏa được áp đặt.
- Xem thêm: Để tránh những xung đột trong gia đình
Tại Mỹ, số lượng cuộc gọi báo cáo các vụ bạo lực tăng gấp đôi trong thời gian vừa qua. Nhiều người gọi điện đến và trình báo rằng những kẻ xâm hại đang lợi dụng đại dịch này để tiếp tục kiểm soát, cô lập phụ nữ và trẻ em gái, thậm chí ném họ ra đường để họ không được nhận được tài chính và sự trợ giúp về y tế.
Những con số trên phần nào cho thấy, tình trạng bạo lực diễn biến phức tạp và xảy ra ở tất cả các quốc gia từ châu Á, châu Âu đến châu Mỹ. Tổng thư ký liên hợp quốc LHQ gọi đây là “bóng đen bạo lực từ đại dịch” và cảnh báo, bạo lực gia đình thậm chí còn nguy hiểm hơn cả đại dịch vì nó ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh mạng của hàng triệu phụ nữ và trẻ em trên thế giới.
Tăng 20% ở “Ngôi nhà bình yên”
Hiện Việt Nam chưa có một nghiên cứu, báo cáo tổng thể về số lượng các vụ bạo lực phụ nữ và trẻ em gái trong thời gian qua. Tuy nhiên, bà Quỳnh Anh dẫn chứng chỉ với riêng báo cáo của Trung tâm phụ nữ và phát triển, số lượng cuộc gọi đến đường dây nóng 1900969680 của Ngôi nhà bình yên (thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) đã tăng khoảng 20% số lượng ca gọi, tư vấn online và xin hỗ trợ trực tiếp của nạn nhân bị bạo hành (trước dịch Covid 19 có chừng 100 ca mỗi tháng).
“Tác động về kinh tế có thể đặt phụ nữ vào nguy cơ bị bạo lực về thể xác và bóc lột tình dục để có thu nhập về kinh tế, bù đắp mất mát trong bối cảnh đại dịch. Đặc biệt đó là vấn đề rất lớn đối với những gia đình có sẵn bạo lực, thông thường nam giới tìm cách duy trì kiểm soát đối với người sống cùng với mình, trong bối cảnh không được di chuyển thì việc kiểm soát của họ sẽ tăng cao hơn.”
Còn theo thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới – gia đình- phụ nữ và vị thành niên (Csaga), các nạn nhân bạo lực gặp khó khăn hơn trong quá trình gọi điện nên có xu hướng chuyển sang các hình thức tư vấn online. Nhiều phụ nữ đã biết đặt những mật khẩu riêng để kêu gọi sự trợ giúp từ bạn bè, người thân khi bị bạo lực.
Gần đây, truyền thông đã đưa tin về trường hợp một bé gái 3 tuổi ở Hà Nội đã bị mẹ ruột và cha dượng bạo hành tới chết. Hay trường hợp một bé gái 16 tuổi ở Hà Nội vì giận gia đình đã bỏ nhà đi rồi bị 3 cậu cháu ở Bắc Giang thay nhau xâm hại… là những ví dụ điển hình về tình trạng bạo lực xảy ra thời gian gần đây.
Điều đáng lo ngại là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể đều đang tập trung vào việc chống dịch nên những lời kêu cứu của nạn nhân bạo lực chưa được xử lý kịp thời. Mặt khác, những nạn nhân của bạo lực gia đình khó tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài, vì việc gọi điện có thể khiến bị “lộ”, trong khi các dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực cũng bị ảnh hưởng thời gian này. Nếu không may bị thương tích, những nạn nhân bạo lực có tâm lý lo ngại bị lây nhiễm dịch Covid khi đến các trung tâm y tế hay tâm lý ngại làm phiền các y, bác sỹ đang đương đầu chống dịch.
Đâu là nguyên do làm gia tăng bạo lực?
TS Khuất Thu Hồng- Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội phân tích nguy cơ dẫn đến bạo lực trong thời gian chống dịch Covid-19, khi mà mọi người ở với nhau trong một thời gian dài sẽ nảy sinh những xung đột nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày. Thực hiện giãn cách xã hội cũng khiến nhiều người bị giảm thu nhập, mất việc làm, ảnh hưởng đến kinh tế chung của cả gia đình. Những lo lắng về sinh kế cũng là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng căng thẳng và nảy sinh các vấn đề bạo lực.
Trong khi đó, theo bà Quỳnh Anh: “Tác động về kinh tế có thể đặt phụ nữ vào nguy cơ bị bạo lực về thể xác và bóc lột tình dục để có thu nhập về kinh tế, bù đắp mất mát trong bối cảnh đại dịch. Đặc biệt đó là vấn đề rất lớn đối với những gia đình có sẵn bạo lực, thông thường nam giới tìm cách duy trì kiểm soát đối với người sống cùng với mình, trong bối cảnh không được di chuyển thì việc kiểm soát của họ sẽ tăng cao hơn. Những yếu tố đó đã làm cho người phụ nữ ở trong gia đình có nguy cơ bị bạo lực nhiều hơn.”
Bà Quỳnh Anh cũng bày tỏ lo ngại về những hệ lụy của bạo lực phụ nữ và trẻ em gái đối với bản thân người phụ nữ, gia đình và xã hội. Những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực bị ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe thể chất và tinh thần. Nhiều phụ nữ phải gánh chịu những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, mang thai ngoài ý muốn… Bạo lực cũng khiến phụ nữ sụt giảm nghiêm trọng về sức khỏe, không thể đi làm, ảnh hưởng đến thu nhập, chưa kể, nhiều trường hợp phải sử dụng tiền tiết kiệm để chi trả dịch vụ y tế.
- Xem thêm: Dàn xếp những mâu thuẫn gia đình
Không những thế, bạo lực cũng khiến cho các mối quan hệ trong gia đình lỏng lẻo, bị phá vỡ, làm gia tăng các vụ ly hôn. Nhìn rộng ra, các vụ bạo lực làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của xã hội và ảnh hưởng đến kinh tế của quốc gia. Các nghiên cứu trước đây của LHQ chỉ ra rằng, các vấn đề bạo lực có thể gây thiệt hại đến 1,7% GDP hàng năm của mỗi quốc gia
Theo bà Quỳnh Anh hiện UNFPA đang nghiên cứu ảnh hưởng của kinh tế tới bạo lực phụ nữ và trẻ em gái, dự kiến tháng 5 tới, Quỹ dân số LHQ sẽ công bố báo cáo này.
Trước tình trạng bạo lực phụ nữ và trẻ em gái có xu hướng gia tăng, các đoàn thể, trung tâm hỗ trợ cần làm gì để bảo vệ họ? Những phụ nữ bị bạo hành có thể gọi đến đâu để nhờ sự trợ giúp? Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật trong bài viết tiếp theo.