Một cô chuẩn bị lấy chồng. Cô vui, dĩ nhiên, nhưng bố mẹ và bạn bè cảm thấy ái ngại khi cô và chồng tương lai hơi chênh lệch về trình độ. Hai người làm cùng cơ quan, một doanh nghiệp nhỏ vốn nước ngoài. Cô tốt nghiệp đại học làm phiên dịch, anh chỉ là công nhân đứng máy ở phân xưởng.
Công bằng mà nói, cô không đẹp nhưng có duyên, anh hiền lành, chịu khó, hai người hợp thành một đôi không có điểm nào phàn nàn, chỉ lấn cấn về chuyện bằng cấp, học hành. Bố mẹ cô là người hiểu biết, có tri thức, đã cố giảng giải cho con gái hiểu, với người phụ nữ hiện đại, có tấm bằng đại học là chuyện bình thường.
Tuy nhiên khi vợ có trình độ cao hơn chồng, cuộc sống chung dài lâu e rằng không tránh khỏi những mâu thuẫn phát sinh không lường được. Giờ đây, số phụ nữ có nguyện vọng tiến thân trong học tập rất nhiều, thậm chí sức bật của họ còn mạnh hơn nam giới trong khi điều kiện lại không bằng.
Cha mẹ cô kết luận, chồng có trình độ cao hơn vợ là bình thường xưa nay, nếu ngược lại, chưa khẳng định rằng sẽ không hạnh phúc, nhưng người vợ phải thật tế nhị và khéo léo trong cư xử để hòa hợp. Yêu nhau là một chuyện, cưới nhau là chuyện rất khác.
- Xem thêm: Tương xứng
Thêm nữa, nếu ngày nào đó cô có điều kiện tiến xa hơn, liệu có được sự đồng thuận của chồng? Cũng khó ai đảm bảo rằng cưới nhau xong chồng cô sẽ quyết tâm học tiếp, lấy tấm bằng đại học cho… kịp với vợ.
Ngồi lại với nhau, bạn bè hỏi cô cân nhắc kỹ chưa. Cô đã gần ba mươi, suy nghĩ không bồng bột, nhưng rất khó phân tích cho thấu đáo lý lẽ của trái tim. Thậm chí có bạn còn nói, khoan vội sinh con, ý là để xem vợ chồng có hợp nhau không, cuộc sống chung không xảy ra mâu thuẫn rồi mới tính chuyện con cái lâu dài.
Ngẫm ngợi hồi lâu cô nói, bất quá sống không được thì chia tay, bây giờ người ta chia tay hà rầm. Còn không thì kiếm đứa con, làm mẹ đơn thân nhưng con cái có “lý lịch” rõ ràng vẫn hơn khối người tự nguyện làm mẹ một mình và phải giữ kín tung tích cha của đứa bé. Bạn bè nhìn nhau, tự hỏi không biết cô yêu thật hay chỉ muốn có tấm chồng, có đám cưới đàng hoàng, sau đó mọi việc trên đời tùy duyên.
Trong bàn hôm ấy có một chị bạn đồng nghiệp lớn tuổi, các bạn trẻ liền hỏi chị có lời khuyên nào không. Chị này không trả lời, mà buột miệng nói, vợ chồng chị đã ly thân rồi! Ai nấy ngạc nhiên, gia đình chị vốn là một gia đình kiểu mẫu của công ty, hai con đều học nước ngoài, tết rồi đồng nghiệp đến nhà chơi, vẫn thấy khung cảnh vợ chồng họ đầm ấm lắm…
Chị giải thích vì rằng chồng chị vừa chuyển công tác, một công việc đặc biệt, không còn làm giờ hành chính mà làm từ chiều đến khuya mới về. Hai vợ chồng chị giờ như mặt trời với mặt trăng, chị đi làm thì anh ở nhà, đến khi anh về chị đã ngủ.
Trưa chị ăn cơm cơ quan, anh ăn một mình ở nhà, tối anh ăn cơm cơ quan, chị ăn một mình ở nhà. Chị đi làm, anh coi nhà, anh đi làm chị coi nhà… Không ly thân thì là gì?
Các bạn trẻ ngẩn ra rồi phá lên cười vì giọng chị kể mang vẻ tiếu lâm. Cô sắp lấy chồng, mới vừa nãy tuyên bố, sống không hợp thì chia tay vậy mà lại thốt lên: “Trời, chị làm em hết hồn, tưởng thật!”.
Mới thấy, trong hôn nhân, cho dù có suy nghĩ thế nào, được thì sống, không được thì… thôi, nghe thoáng lắm, nhưng trong tâm khảm ai cũng mong cuộc hôn nhân bền vững, trăm năm hạnh phúc.
Một cuộc hôn nhân, kéo dài đến sáu mươi năm là quá tuyệt vời, nhưng người xưa đã ví đến trăm năm, để thấy đó là cuộc hành trình không dễ dàng, đầy biến động. Gánh nặng con cái, tiền bạc, sự nghiệp, tác động bên ngoài, kẻ thứ ba… Cùng nhau vượt qua khó khăn vài chục năm là đã xứng danh hiệu “trăm năm” rồi!
“Được thì sống, không được chia tay” – nói thì dễ nhưng phải như thế nào mới chia tay, còn bỏ qua được thì phải bỏ qua. Thế mới thấy, sức mạnh của trăm năm luôn là điều mong ước đạt đến của bất cứ ai.
Chẳng ai muốn đi nửa đường hôn nhân, bỏ cuộc nửa chừng. Mỗi người chịu một chút, quên cái tôi của mình, chấp nhận rằng, hôn nhân phải là như thế… Mới nói được lời trăm năm!